Ngại va chạm thì đừng làm nghề báo !

Trong nghề báo, viết đúng nhưng chưa hẳn đã trúng và viết trúng nhưng chưa hẳn đã an toàn. Do vậy, điều quan trọng nhất của thông tin báo chí và của Nhà báo là không phải vì động cơ nào.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến tháng 10/2011 cả nước có gần 800 cơ quan báo chí và khoảng 17000 nhà báo. Việt Nam chưa có chủ trương phát triển báo chí tư nhân, các hoạt động báo chí đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải tuân thủ theo quy định của Luật báo chí. Điều đó đồng nghĩa rằng, tuy mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ mục đích hoạt động khác nhau nhưng tất cả các tờ báo đều có trách nhiệm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và phấn đấu vì lợi ích của toàn dân tộc.

Cũng do vậy, dù là báo Đảng hay báo của các chuyên ngành thì thông tin báo chí đều được hiểu là thông tin chính thức, đó vừa là cơ quan ngôn luận của một tổ chức vừa là diễn đàn của công chúng. Về lý thuyết là như vậy. Nhưng khi vào thực tế thì cách hiểu về thông tin báo chí và chuyện tác nghiệp của nhà báo đang bị vướng rất nhiều.

Một lần, có phóng viên đề nghị tôi cho biết đâu là vùng cấm của báo chí? Tôi trả lời về mở điều 10 Luật Báo chí đọc kỹ, đó là vùng cấm, ngoài những nội dung đó ra thì báo chí cò quyền tác nghiệp. Điều 10 quy định “báo chí không được đưa các thông tin chống lại Nhà nước, trái với lợi ích chính đáng của cá nhân và cộng đồng”.  Hoạt động báo chí là hoạt động tư tưởng, nhưng không phải tất cả các thông tin trên báo chí đều nhằm mục đích chính trị. Báo chí còn có chức năng thông tin xã hội và thương mại, hoặc đơn thuần chỉ là những thông tin vui chơi giải trí. Quyền được thông tin vừa là quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1992, lại vừa là quyền của Nhà báo được ghi trong Luật Báo chí. Chuyện rõ ra như thế, không hiểu sao có người khi tiếp cận với thông tin báo chí thường bị ám ảnh bởi yếu tố chính trị, quy ghép cho tác phẩm báo chí những quan điểm rất thiếu thiện chí. Lại có những lãnh đạo dùng cả chức sắc để can thiệp ngừng đăng phát tin bài, có người cất công truy tìm tác giả với dụng ý không lành mạnh, nhiều nhà báo đã phải bạc tóc với những chuyện không đầu không cuối như vậy.

Trong nghề báo, viết đúng nhưng chưa hẳn đa trúng và viết trung nhưng chưa hẳn đã an toàn. Do vậy, điều quan trọng nhất của thông tin báo chí và của Nhà báo là không phải vì động cơ nào. Bây giờ không ít người tỏ ra băn khoăn khi báo chí đăng quá nhiều thông tin về những hành vi suy đồi đạo đức lối sống, hoặc các vụ việc tiêu cực tham nhũng. Băn khoăn đó là không sai bởi vì với thiên chức hàng đầu của báo chí là phát hiện và biểu dương những nhân tố điển hình. Nhưng báo chí cũng có trách nhiệm đưa ra công luận những khoảng tối tội đồ của dân tộc. Vấn đề còn lại là khi đăng phát những thông tin như vậy thì nhà báo, cơ quan báo chí không thể có thái độ dập vùi mà dứt khoát phải xuất phát từ động cơ xây dựng, dứt khoát phải có tính định hướng dư luận rõ ràng. Khi đã chấp nhận vào nghề báo, anh em báo chí đều hiểu để trở thành một nhà báo có ích cho xã hội thì chắc chắn họ sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Một nhà báo biết có những vụ việc sai trái nhưng không dám đưa ra công luận là nhà báo thiếu dũng khí. Một vụ việc khi báo chí đưa ra công luận, tổ chức cá nhân đã tiếp thu để sửa chữa mà vẫn tiếp tục truy đuổi là nhà báo không có đạo đức.Nếu thông tin chỉ đưa kiểu nửa vời thì thương hiệu của nhà báo và cơ quan báo chí sẽ bị tỏn hại khôn lường. Vì thế, bản lĩnh luôn luôn được xem là một trong những tố chất để đo tài năng của người làm báo. Nói nôm ra người nhát gan, ngại va chạm, không dám dấn thân thì đừng làm nghề báo.

Ở nhiều nước trên thế giới, thông tin báo chí rất đa dạng, bạn đọc tiếp cận với thông tin báo chí như một kênh tham khảo. Báo chí tự do đăng phát đủ chuyện tương cà mắm muối, kể cả việc riêng tư của nguyên thủ quốc gia. Báo chí Nghệ An cũng như báo chí Cách mạng VN mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng hành xuyên suốt và rất có ý thức bảo vệ lợi ích dân tộc. Xã hội ngày càng phát triển, đối tượng phản ánh của báo chí cung ngày càng đa dạng và thông tin báo chí ngày càng đa chiều, trách nhiệm của nhà báo và nghề báo càng thêm nặng nề. Xu thế tất yếu đó đang đặt ra nhiều vấn đề trong đó có chuyện phải hiểu đúng về thông tin báo chí và hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Các nhà báo và các cơ quan báo chí luôn luôn cần người lãnh đạo, người quản lý và bạn đọc một cách hiểu đúng, một sự bình tĩnh khách quan, một thái độ cầu thị và một tấm lòng thật sự thận trọng với nghề báo và các thông tin báo chí.

Đặng Khắc Thắng