Đẳng cấp của báo chí là cống hiến vào cuộc đấu tranh của dân tộc

Tại Hội thảo quốc gia kỷ niệm 90 năm báo chí cách mạng sáng nay, nhà báo Phan Quang cho rằng, chất lượng nội dung, cống hiến của báo chí nước ta vào cuộc đấu tranh của dân tộc thế kỷ qua cho ta thấy đẳng cấp, bản lĩnh, năng lực, đạo đức của các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam.

Ngày 18-8, tại Trụ sở tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam – Truyền thống, Bản lĩnh và Trách nhiệm”.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Thuận hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu bật những thành tựu, đóng góp to lớn của nền báo chí cách mạng nước ta trong suốt 90 năm qua đối với dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Đồng chí Thuận Hữu cũng chỉ ra những hạn chế của nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và cuộc cách mạng công nghệ thông tin hiện nay.

Diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân

Đánh giá quá trình gần 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Tung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, khẳng định báo chí nước ta có sự phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, một hãng thông tấn quốc gia. Nguồn lực báo chí trung bình hằng năm tăng khoảng 6,5%. Nếu như năm 2009 chỉ có 31 nghìn người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay, con số này đã tăng lên khoảng 35 nghìn người, trong đó có gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ báo chí. Về trình độ chuyên môn, phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 2009, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 85% và trên đại học là 4%. Đến năm 2014, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 91% và trên đại học là 4,9%.

Với sự phát triển lớn mạnh ấy, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, báo chí nước ta đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới. Đó là tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; tích cực bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Bắc Son nói: “Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân”.

Những hạn chế chậm được khắc phục

Nhìn lại chặng đường phát triển của báo chí thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, có thể tự hào khẳng định rằng, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là dòng chảy chủ đạo. Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ rõ, báo chí vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, một bộ phận những người làm báo còn non kém về nhận thức chính trị đã bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong số đó, không ít người vi phạm pháp luật, bị kỷ luật và thu hồi thẻ nhà báo. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên dưới quyền, coi trọng yếu tố lợi nhuận, xem nhẹ chức năng của báo chí, khai thác nhiều đề tài về mặt trái của xã hội, với mức độ thông tin có thời điểm dày đặc. Không ít cơ quan báo chí chưa coi trọng biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những nhân tố tích cực trong học tập, lao động và chiến đấu. Một số ấn phẩm phụ thực hiện sai tôn chỉ, mục đích làm cho nội dung báo chí xa rời chức năng định hướng, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, thiếu tính chuyên nghiệp, tác động tiêu cực đến một bộ phận công chúng. Cùng với những thông tin giật gân, câu khách vi phạm thuần phong mỹ tục là xu hướng xem nhẹ quy trình thẩm định nguồn tin, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: Những hạn chế trên là do các cơ quan nhà nước chưa làm tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí. Một số lãnh đạo cơ quan báo chí chưa chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin, có trường hợp tìm cách né tránh việc thực hiện các quy định. Không ít cơ quan chủ quản báo chí chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, buông lỏng việc quản lý, nể nang, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền. Những hạn chế, khuyết điểm của báo chí như nêu ở trên là một trong những nguyên nhân làm giảm đi tính định hướng chính trị, tư tưởng, tính văn hóa, tính giáo dục của báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ thực tiễn hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí quan gần 30 năm đổi mới, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chúng ta cần phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Đó là:

Thứ nhất, đường lối đổi mới đúng đắn là nhân tố đầu tiên tạo điều kiện chó báo chí phát triển mạnh mẽ và hoạt động đúng hướng. Trong lĩnh vực báo chí, Đảng ta khẳng định báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể, là diễn đàn của nhân dân; không có báo chí tư nhân.

Thứ hai, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yếu tố quyết định bảo đảm báo chí phát triển lành mạnh. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Đường lối đúng là yếu tố có tính quyết định bảo đảm cho sự phát triển đúng hướng của báo chí.

Thứ ba, làm tốt công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý để báo chí hoạt động. Phương thức lãnh đạo, quản lý báo chí có hình thức và bước đi thích hợp trong quá trình chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế thị trường có định hướng.

Thứ tư, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về báo chí, chú trọng công tác cung cấp thông tin cho báo chí; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí.

Cạm bẫy tiền bạc và danh vọng hão bủa vây nhà báo

Là một nhà báo lão thành, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – văn hóa Trung ương đã đưa ra những phân tích sắc sảo, khoa học về thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay, cũng như lên án những quan niệm lệch lạc về báo chí cách mạng.

Nhà báo Hữu Thọ bày tỏ không đồng tình với quan niệm “quyền lực thứ tư” của báo chí, nhưng ông cho rằng “báo chí là một thế lực quan trọng vì nó có khả năng tạo ra dư luận mầm mống của những hành vi ‘đám đông’, có cả mặt lợi và hại đối với ổn định để phát triển một quốc gia. Vì là một thế lực quan trọng cho nên các thế lực khác đang tìm cách lợi dụng, nhà báo Hữu Thọ lưu ý chỉ ra bốn nhóm mà báo chí thường bị lợi dụng. Đó là, lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc “thi”, không chỉ có chuyện “loạn Sao, loạn Hậu” mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị; Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị; Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân; Lợi dụng báo chí để che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm….

Nhà báo Hữu Thọ cảnh cáo, với nhà báo, có người đã lạnh lùng nói thẳng thừng “Nghèo thì mua nhà báo, giàu thì mua chủ báo”. Cạm bẫy tiền bạc và danh vọng hão giăng ra, bủa vây không chỉ với những phóng viên mà cả những người lãnh đạo tờ báo. Ông nói thêm, bên cạnh nhiều nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của một số người như thái độ trịnh thượng, ngạo mạn trong giao tiếp, cố chấp, không bao giờ chịu nhận là sai, khi sai không nhận lỗi, không cải chính…

Nhà báo Hữu Thọ nói: “Có người mỉa mai nói tới hai căn bệnh, đó là bệnh ‘lệch thị’ tức là chỉ nhìn một phía của màu đen và ‘nghẽn tai’ nghĩa là chỉ nghe một chiều thuận tai… Hai bệnh trên không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa rộng trong xã hội, rất nguy hiểm”.

Kiếm tiền không phải là mục đích của báo chí cách mạng

Tham luận tại Hội thảo, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến người làm báo”. Như vậy, tôn vinh báo chí trước hết là vinh danh người làm báo, đánh giá chất lượng, hiệu quả của một nền báo chí là có nhận thức đúng về bản lĩnh, phẩm chất, năng lực đội ngũ những người làm nên báo chí ấy. “Đầu tư cho báo chí khởi đầu bằng đầu tư nhân lực”, nhà báo Phan Quang khẳng định.

Vị nhà báo lão thành này cho rằng, nhìn vào báo chí của một quốc gia, chúng ta không cần phải choáng ngợp trước sự hoành tráng của nó về số lượng, loại hình, tích hợp, hội tụ, lan tỏa … và dĩ nhiên cả khoản lợi nhuận kếch xù mà nó mang lại, mà trước hết cần xem xét chất lượng, nội dung nó chuyển tải, đối tượng nó phục vụ, nó đã và đang cống hiến những gì vào cuộc đấu tranh xây dựng đất nước, vì lợi ích đích thực của dân tộc họ, vì hòa bình của thế giới, tiến bộ xã hội và phẩm giá con người. Nhà báo Phan Quang nói: “Chất lượng nội dung, cống hiến của báo chí nước ta vào cuộc đấu tranh của dân tộc thế kỷ qua nhìn dưới lăng kính ấy sẽ cho ta thấy đẳng cấp, bản lĩnh, năng lực, đạo đức của các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam”.

Ông Phan Quang cũng hoan nghênh chủ trương sắp xếp hệ thống báo chí nước ta theo hướng nâng cao chất lượng là chính và cho rằng “Đó không phải là hạn chế phát triển mà là tạo điều kiện cần cho phát triển bền vững. Then chốt quyết định thành công và cũng là giải pháp song hành với sắp xếp là bồi dưỡng, phát huy bản lĩnh người làm báo, nâng cao năng lực thực chất, chủ động, tự tin chứ không phải a dua, học đòi mọi thứ được coi là thời thượng trên đời. Khẳng định chức năng cao quý của nghề báo, nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người”.

Cuối cùng, nhà báo Phan Quang khẳng định “sắp xếp tất bao gồm xử lý” và yêu cầu xử lý mọi thực thể và hành vi đi ngược bản chất, mục đích, tôn chỉ báo chí cách mạng, làm phương hại bản sắc văn hóa dân tộc. Điều chỉnh khuynh hướng thương mại hóa đơn thuần, dẫn tới lá cải hóa báo chí như lo ngại chính đáng của một số người. Báo chí cần có tiền, phải làm ra tiền, nhưng kiếm tiền không phải là mục đích của báo chí cách mạng. Sắp xếp là tăng cường, lấy tăng cường nhân lực làm ưu tiên. Sắp xếp là dịp lãnh đạo, quản lý khẳng định bản lĩnh của mình.

Nguồn Nhân dân