Thắp lửa ca Huế

Đến Huế, mọi người thường dành thời gian để thưởng thức những làn điệu ca Huế trên sông Hương. Cùng với đền đài, lăng tẩm, ca Huế là một đặc trưng của mảnh đất cố đô. Những nghệ nhân chân chính dù đang vật lộn mưu sinh vẫn trọn lòng giữ gìn một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.


CLB ca Huế – Phú Xuân biểu diễn ca Huế thính phòng.

Nỗi lòng nghệ nhân

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa dân gian, sự ra đời của ca Huế bắt nguồn từ thời các chúa Nguyễn khai khẩn, mở đất phương nam, trở thành một lối chơi của các vua chúa, quan lại triều đình ở vùng kinh đô Phú Xuân – Huế. Ca Huế bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát ả đào. Giáo sư Trần Văn Khê trong nhiều nghiên cứu của mình đã xếp ca Huế vào loại Quan nhạc (dòng nhạc thính phòng dành cho quan lại), để phân biệt với Tục nhạc (nhạc dân gian). Với một hệ thống bài bản phong phú, cấu trúc phức tạp nhưng chặt chẽ, hoàn chỉnh; những sắc thái tình cảm tinh tế cùng đòi hỏi khá phức tạp đối với ca công về cách hát, đối với nhạc công về kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ, ca Huế thuộc phạm trù âm nhạc cổ điển, bác học. Sau này, ca Huế lan truyền ra dân gian, được người dân xứ Huế yêu thích, vừa mang phong cách sang trọng, tao nhã mà vẫn đậm đà phong vị dân gian.

Nhà thơ, nghệ sĩ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế – Phú Xuân, người viết nhiều lời ca cho các làn điệu ca Huế cho biết: Theo thống kê, ca Huế hiện nay có khoảng hơn 80 làn điệu, bài bản, với các điệu chính là điệu Bắc, điệu Nam và Nam Xuân; có các bài nổi tiếng như “Cổ bản”, “Lưu thủy”, “Lộng điệp”, “Nam ai”, “Nam bình” (còn gọi Nam bằng)… Điệu Bắc vui tươi, điệu Nam thì ai oán, trữ tình như Nam ai, Nam bình… Những người ca được những làn điệu này tính đến nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay và phần lớn đều ở tuổi xế chiều. Nói về điệu Nam, không ai có thể vượt qua nghệ nhân Minh Mẫn. Dù đã 93 tuổi và phải nằm liệt giường nhiều năm, nhưng chất giọng cũng như cách lấy hơi của bà vẫn khiến nhiều lớp nghệ sĩ ca Huế trẻ hiện nay nể phục. Bà cho biết, ca Huế có cách lấy hơi đặc trưng cho nên không thể dạy theo kiểu đại trà như ở các trường lớp, mà thường chỉ một dạy một. Từ lúc bắt đầu đến lúc ca được cũng phải mất vài năm. Rất nhiều người không đủ kiên nhẫn đã phải bỏ giữa chừng. Bản thân bà nếu không có niềm đam mê và vượt qua những kỳ thị của xã hội khi cho rằng nghệ sĩ là “xướng ca vô loài”, thì đã không thể hát đến ngày hôm nay. Những lúc rảnh rỗi, bà thường ghi chép lại lời của những bài ca Huế mà mình nhớ. Năm 2014, lần đầu ca Huế được vinh danh tại Festival Huế và nghệ nhân Minh Mẫn vinh dự được nhận bằng khen; bà coi đây là niềm vinh dự cho một đời ca hát của mình. Bà nhớ lại cái thời mới chỉ là cô bé 15 tuổi, vì quá thích ca Huế cho nên sau mỗi buổi chợ, bà thường trốn đến các gánh hát để nghe và học lỏm. Thấy cô bé thông minh, nhanh nhẹn, học đâu nhớ đó và đặc biệt có năng khiếu ca hát, các thầy đàn hát đã nhiệt tình dạy dỗ cũng như che chở cô trước sự ngăn cấm của cha mẹ. Không những thế, cô bé còn ưu ái được hát tại các buổi diễn chính và chẳng mấy chốc nổi tiếng bởi giọng ca trong trẻo, luyến láy nhịp nhàng.

Cùng thế hệ với nghệ nhân Minh Mẫn, ở Huế hiện chỉ còn nghệ sĩ Thanh Hương. Mặc dù rất tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này, nhưng cho đến nay hai nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên vẫn chưa tìm được học trò nào thật sự đam mê để trao truyền những ngón nghề ca Huế. Hầu hết học trò tìm đến học chỉ được vài bữa là bỏ, phần vì không chịu được gian khổ, phần vì họ cho rằng chỉ cần học đủ để ca những bài phục vụ du khách trên sông Hương là đủ.

Thương mại hóa

Ca Huế bắt đầu trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, xuất phát từ mong muốn tạo thêm thu nhập cho các nghệ sĩ trong Câu lạc bộ (CLB) ca Huế – Phú Xuân; với những tên tuổi như Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSƯT Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và các ca sĩ Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên… Thời gian đầu, ca Huế trên sông Hương thật sự đem lại cho các nghệ sĩ một cuộc sống khấm khá, nhưng cũng từ đó loại hình nghệ thuật này bị “thương mại hóa”. Với hơn 90 phút trên thuyền, du khách thực tế chỉ có khoảng hơn 30 phút được nghe hát, phần còn lại là để thả đèn hoa đăng, chụp hình. Thế nhưng, với vài chục phút ngắn ngủi đó, du khách chỉ được thưởng thức một chương trình ca nhạc chứ không phải ca Huế. Những làn điệu ca cổ được hát một cách dễ dãi, thậm chí còn được chế thêm lời. Điệu Nam ai, Nam bình… vốn là điệu hát khó, diễn tả nỗi bi ai… được hát lấy lệ vài câu. Rồi sau đó là các ca khúc nhạc mới phổ biến như “Huế thương”, “Mưa trên phố Huế”, “Đây thôn Vĩ Dạ”, “Lý ngựa ô”… để kết thúc. Du khách không am tường rất khó phân biệt đâu là ca Huế chính hiệu trong một chương trình ca nhạc như thế.

Nghệ sĩ Diệu Bình, người có thâm niên ca Huế gần chục năm nay, cho biết: Cuộc sống của các nghệ sĩ hiện nay rất khó khăn. Mỗi đêm ca trên sông Hương như thế, họ nhận được từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng, một số tiền đáng kể để chi trả cho cuộc sống. Vì vậy, mặc dù không thích thú với việc hát những bản tân nhạc, nhưng vì khách yêu cầu, họ vẫn hát. Nhiều người dù chỉ biết vài câu ca Huế, chưa thuộc đủ lề lối và cách lấy hơi cũng xuống thuyền để hát, dẫn đến tình trạng bát nháo. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đây chính là con đường khiến ca Huế mai một và trở nên tầm thường.

Đào tạo… khán giả để giữ ca Huế

Làm thế nào để gìn giữ và trao truyền loại hình nghệ thuật truyền thống, một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, là nỗi niềm trăn trở của nhiều người yêu mến ca Huế. Nghệ sĩ Võ Quê cho biết, ông và những nghệ sĩ trong CLB của mình đã chọn một hướng đi khác để bảo vệ ca Huế, đó là đào tạo khán giả. Từ năm 2014, Bảo tàng Văn hóa Huế đã tổ chức các đêm diễn ca Huế thính phòng phục vụ miễn phí khán giả. Tại đây, tối thứ sáu hằng tuần, các nghệ sĩ trong CLB Huế – Phú Xuân sẽ biểu diễn những bài ca Huế bằng chất giọng mộc đúng theo lề lối cổ xưa. Xen giữa tiếng đờn, lời ca là lời giới thiệu về các làn điệu, câu ca để khán giả lứa tuổi nào cũng hiểu được. Những đêm diễn ca Huế thính phòng thường chật kín khán giả. Nghệ sĩ Kim Vàng cho biết: Từ khi tham gia đêm ca Huế thính phòng, bà không còn muốn hát trên sông Hương nữa; bởi ở đây bà cảm thấy ca Huế được trân trọng, người hát ca Huế được tôn vinh. Nghệ sĩ trẻ Diệu Bình nói: “Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng những người nghệ sĩ chúng tôi không vì thế mà thiếu đi niềm say mê với ca Huế. Chúng tôi đều muốn khán giả biết đến một nghệ thuật ca Huế đích thực”. Đến nay, những buổi ca Huế thính phòng đã kéo một bộ phận không nhỏ khán giả Huế tìm đến mỗi dịp cuối tuần. Theo nghệ sĩ Võ Quê, niềm vui của những nghệ sĩ chân chính như ông là hằng ngày được nhìn thấy thế hệ trẻ ngày càng yêu thích ca Huế. Họ là những bạn trẻ từ các trường trung học, đại học, thậm chí cả những cô bé, cậu bé còn nhỏ tuổi theo cha mẹ đi nghe cũng đã bắt đầu biết ngân nga theo các làn điệu. Lê Minh Vũ, một cậu bé lớp 11 là trường hợp như vậy. Hiện Vũ đã trở thành thành viên thân thiết của CLB, bắt đầu hát được một số bài. Không những thế, ca Huế thính phòng còn thu hút nhiều bạn bè, khách du lịch quốc tế nhờ sự lan tỏa trên mạng xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các bạn trẻ.

Tuy nhiên, giữ lửa cho nghệ thuật ca Huế vẫn là câu chuyện dài phía trước. Các nghệ nhân như Minh Mẫn, Thanh Hương đã ở vào tuổi xưa nay hiếm. Việc tìm hiểu, kiểm kê những làn điệu, lời ca cổ chưa thật sự được quan tâm. Chưa có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân để họ yên tâm truyền dạy, các nghệ sĩ hằng ngày vẫn phải chấp nhận đi hát ca nhạc để có tiền trang trải cuộc sống. Ca Huế thính phòng cũng đứng trước nhiều trăn trở khi suốt ngần ấy năm chưa có sự hỗ trợ nào về kinh phí để hoạt động. Nghệ sĩ Võ Quê mong muốn ca Huế sẽ được đưa vào giới thiệu và dạy tại các trường học để các em nhỏ có cơ hội tiếp cận với loại hình nghệ thuật này, từ đó hình thành một tầng lớp khán giả tiềm năng, tạo sức sống bền bỉ cho nghệ thuật ca Huế trong tương lai.

Nguồn Nhân dân