Lũ Mê Công tại Trung Quốc, Campuchia đều ở mức thấp

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay lũ trên dòng chính sông Mê công thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Ngoài ra, mùa mưa năm nay ở Đông Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn so với mọi năm.

Mùa mưa kết thúc muộn

Từ đầu mùa lũ 2016 đến nay, trên sông Mê Công xuất hiện 4 đợt lũ, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công luôn ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 1,0-4,0 m.

Lượng dòng chảy các tháng 6, 7, 9 năm 2016 tại các trạm đều ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ năm 2015; riêng trong tháng 8 năm 2016 lại thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và thuộc loại thấp nhất trong cùng kỳ 10 năm gần đây.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Đặng Thanh Mai, hiện mực nước tại các trạm thượng, trung lưu sông Mê Công (từ Jinghong (Trung Quốc) đến trạm Pakse (Lào) đang ở mức thấp hơn TBNN từ 0,5 – 2,0m.

Các trạm trung, hạ lưu sông Mê Công (từ trạm StungTreng đến trạm Kratie (Campuchia) ở mức tương đương TBNN, các trạm hạ lưu sông Mê Công (từ trạm KongpongCham đến hết Campuchia) ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-1,5m và ở mức tương đương với năm 2014.

Lũ Mê Công tại Trung Quốc, Campuchia đều ở mức thấp - ảnh 1 Búng Bình Thiên, huyện An Phú (An Giang) không còn cảnh tấp nập người đánh bắt thủy sản vào mùa lũ. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân

Mực nước trạm Prek Kdam (gần Biển Hồ) luôn ở mức thấp hơn so với TBNN từ 0,5- 2,5m. Do vậy nhận định dòng chảy từ Biển Hồ về đồng bằng Nam Bộ trong mùa khô 2016-2017 ở mức thấp hơn TBNN và cao hơn mùa khô 2015 – 2016.

Hiện nay, mực nước sông Cửu Long đang lên theo kỳ triều cường. Tới tháng 11/2016, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần; vùng hạ lưu chịu ảnh hưởng một đợt triều cường mạnh vào khoảng ngày 12-18/11. Trong đợt triều cường này, tại các trạm vùng hạ lưu sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3.

Về lượng mưa trong tháng 10 tại khu vực Đông Nam Bộ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay sẽ phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10 đến 30%, khu vực Tây Nam Bộ xấp xỉ so với TBNN.

Tổng lượng mưa dao động từ 250-400 mm. Tháng 11, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN. Mùa mưa tại khu vực có khả năng kết thúc muộn.

Vẫn lo khô hạn năm tới

Về tình hình mưa và nhiệt độ, Trung tâm cho hay, từ tháng 12/2016 tới tháng 2/2017, mưa giảm do bắt đầu vào mùa khô, riêng tháng 1, tháng 2 có thể xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa nên lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn từ 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Từ tháng 3 tới tháng 6 lượng mưa đều có xu hướng giảm so với TBNN cùng kỳ tại tất cả các tỉnh khu vực Nam Bộ. Ngoại trừ tháng 1, tháng 2 là tháng được nhận định là có lượng mưa cao hơn TBNN, các tháng còn lại đều ở mức xấp xỉ đến thấp hơn TBNN.

Mùa khô ở Nam Bộ năm 2017, Trung tâm nhận định ít khốc liệt hơn năm 2016, nhiều khả năng kết thúc muộn hơn TBNN.

Trong các tháng mùa khô, có thể xuất hiện những đợt mưa trái mùa vì vậy lượng mưa trong tháng 1, tháng 2/21017 có khả năng cao hơn TBNN từ 15-30%. Từ tháng 3 đến tháng 6/2017, lượng mưa thấp hơn so với TBNN từ 5- 15%.

Về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016-2017 ở khu vực Nam Bộ, Trung tâm cho hay có khả năng ít gay gắt hơn năm 2015-2016 nhưng vẫn cao hơn TBNN. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2016-2017, có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 2-3/2017.

Do vậy, Trung tâm cảnh báo, các địa phương cần có kế hoạch chủ động phòng chống xâm nhập mặn cũng như khô hạn, thiếu nước trong mùa khô 2016-2017./.

Toquoc.vn