Hệ thống cảnh báo sớm – Công nghệ ứng phó với thảm họa

Mười năm sau thảm họa sóng thần khủng khiếp nhất trong lịch sử tàn phá Ấn Độ Dương, các nước trong khu vực đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thảm họa tương tự có thể xảy ra. Theo đó, một hệ thống cảnh báo công nghệ cao đã được triển khai tại các quốc gia trong khu vực để ngăn chặn thảm họa.

 

 Sau 10 năm, màu xanh của cây cối và những ngôi nhà khang trang mọc lên tại
tỉnh Aceh (Indonesia), nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa sóng thần năm 2004
(Ảnh: AFP)


Cách đây 10 năm, thời điểm xảy ra sóng thần, hệ thống cảnh báo đã không phát huy tác dụng để con người có đủ thời gian ứng phó với thảm họa. Sau sự kiện kinh hoàng này, một trong những ưu tiên hàng đầu của các nước trong vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa là thiết kế, triển khai xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm. Tháng 10/2011, hệ thống cảnh báo sóng thần được xây dựng tại các nước dọc Ấn Độ Dương đã chính thức đi vào hoạt động. Cho đến nay, có tổng cộng 24 nước đã tham gia sử dụng hệ thống cảnh báo này với sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và Nhật Bản.

Hệ thống cảnh báo này đã thành công khi cách đây hai năm, các nước có nguy cơ được cảnh báo về một đợt sóng thần tiềm năng trong vòng 12 phút của một trận động đất mạnh ở ngoài khơi đảo Sumatra. Mặc dù đã không có sóng thần xảy ra, nhưng các văn bản thông báo, còi báo động và các hoạt động sơ tán tại Aceh và Thái Lan đã được thực hiện.

Hệ thống cảnh báo sóng thần sớm được coi là một bước tiến lớn, tuy nhiên, theo Giáo sư Kerry Sieh của Trường Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, điều này là vẫn chưa đủ. Ông cho biết, cần thiết phải kết hợp với giáo dục nâng cao nhận thức của con người và xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ. Ông nhấn mạnh đến các biện pháp như quy hoạch đường sá rộng hơn để thuận lợi cho hoạt động sơ tán. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra là nguồn vốn dài hạn để dành cho hệ thống cảnh báo này.

10 năm trước, vào buổi sáng ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter đã tấn công vùng biển phía tây của Indonesia, tạo ra hàng loạt đợt sóng lớn, cướp đi sinh mạng của 220.000 người tại 14 quốc gia nằm dọc bờ Ấn Độ Dương như Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia…. Cơn sóng thần đã tàn phá nghiêm trọng trên suốt 5.000 km di chuyển trên đại dương, khiến 1,6 triệu người mất nhà cửa và gây thiệt hại về kinh tế là 14 tỷ USD.

Tỉnh Aceh (đảo Sumatra, Indonesia) xuất hiện những con sóng cao tới 35 mét. Đây cũng là nơi ghi nhận thiệt hại nặng nề nhất về người và của với 17.000 thiệt mạng và tổn thất về kinh tế khi đó vào khoảng 4,5 tỷ USD.

Số người thiệt mạng ở Thái Lan được ghi nhận là 5.395 người, hơn một nửa trong số đó là khách du lịch nước ngoài. Họ đến để đón Giáng sinh trên bờ biển đầy nắng ở tây nam Thái Lan. Theo Trung tâm nhận dạng các nạn nhân sóng thần của Thái Lan, từ khi xảy ra thảm họa cho đến nay, nước này đã xác định được danh tính của hơn 3.000 nạn nhân và đã bàn giao thi thể cho thân nhân những người đã mất./.

Nguồn ĐCSVN