Ai Cập dự kiến xây thủ đô mới trên sa mạc

Ai Cập vừa tiết lộ kế hoạch xây dựng thủ đô hành chính mới ở phía đông Cairo cho năm triệu người dân sinh sống. Dự án này sẽ tiêu tốn ít nhất 45 tỷ USD.

 Mô hình thủ đô Cairo mới.
Mô hình thủ đô Cairo mới.

Trong một cuộc họp của 30 hoàng thân, quốc vương, tổng thống và hàng trăm nhà đầu tư vừa diễn ra tại Ai Cập, Bộ trưởng Nhà ở, ông Mostafa Madbouly đã tiết lộ dự án xây dựng thủ đô mới, với kinh phí 45 tỷ USD.

Theo đó, thủ đô mới sẽ nằm ở phía đông Cairo với diện tích 700 km2, gần bằng Singapore. Trong bảy năm tới, đây không chỉ là ngôi nhà chung của ít nhất năm triệu người dân, chia thành 21 khu dân cư mà còn là nơi tọa lạc của khoảng 660 bệnh viện, 1.250 nhà thờ, 1,1 triệu ngôi nhà và một công viên lớn gấp bốn lần Disneyland.

Trao đổi với tờ The Guardian, ông Madbouly cho biết, Ai Cập đã có đủ tiền để xây dựng ít nhất 100 km2 đầu tiên, bao gồm cả nghị viện mới; đồng thời khẳng định, Bộ Nhà ở đã có kế hoạch rất rõ ràng.

Ý tưởng về thủ đô mới xuất phát từ tình trạng quá tải của Cairo, hiện thủ đô này có khoảng 18 triệu dân, dân số sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Mặt khác, theo ông Madbouly, “Ai Cập có nhiều kỳ quan hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đây là lý do Ai Cập cần phải làm phong phú vẻ đẹp của mình”.

Những người Ai Cập, từng hy vọng về một thủ đô mới, tỏ ra lạc quan vì họ tin rằng, nó là biểu tượng cho quá trình phục hồi đất nước dưới thời Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi, sau nhiều năm xã hội phân chia sâu sắc, chính trị biến động và kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng, giấc mơ này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Ông Brent Toderian, cố vấn quy hoạch của một số thành phố bên ngoài Trung Đông nói rằng: “Các bằng chứng trong lịch sử cho thấy, việc xây dựng thành phố từ con số không là một cuộc may rủi. Điều tôi quan tâm nhất là, công trình sẽ được hoàn thành với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc”. Hơn nữa, những dự án xây dựng tốt nhất ở Ai Cập dường như đều có xu hướng thất bại. Nước này có lịch sử xây dựng dở dang một số thành phố trên sa mạc.

Ông Toderian đưa ra thí dụ điển hình, bộc lộ tham vọng lớn của nhà đầu tư nhưng lại có kết quả xấu ngoài mong đợi như dự án thành phố xanh ở Trung Quốc. Dự án này hứa hẹn sẽ là ngôi nhà của một triệu người, nhưng thực tế, nó chỉ thu hút vài nghìn người. Tương tự, thành phố Masdar ở Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất được xây dựng cho 50 nghìn người ở, tuy nhiên, chỉ có vài trăm người tới đây sinh sống.

Trên trang blog Cairobserver, một giáo sư lịch sử của Trường ĐH Mỹ tại Cairo viết rằng: “Mục đích của thủ đô hành chính mới là xoa dịu áp lực trong thủ đô Cairo, nơi mà hầu hết các văn phòng chính phủ đang tọa lạc. Năm triệu dân sẽ chuyển từ thủ đô đang quá tải tới “Cairo mới”. Câu hỏi đặt ra, điều gì sẽ xảy ra với những người còn lại, trong khi sự quan tâm và nguồn lực đều được dành cho dự án bên ngoài?”.

Nguồn Nhân dân