Thế giới lên án vụ sát hại nhà báo Mỹ

Vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq đã gây chấn động các nước.
James Foley là một nhà báo giàu kinh nghiệm từng bám sát mảng tin về tình hình chiến sự tại Trung Đông trong 5 năm qua – Ảnh: Daily Mail

Ngày 19/8, IS đã đăng tải một đoạn băng hình dài gần 5 phút có tựa đề “A Message to America” (Thông điệp gửi nước Mỹ), trong đó chiếu hình ảnh nhà báo Mỹ James Foley bị hành quyết (chặt đầu) giữa sa mạc. IS tuyên bố nhóm này sát hại nhà báo Mỹ để trả thù vụ các máy bay Mỹ tấn công các tay súng IS ở miền Bắc Iraq.

James Foley, 40 tuổi, là một nhà báo giàu kinh nghiệm từng bám sát mảng tin về tình hình chiến sự tại Trung Đông trong 5 năm qua. Ông là cộng tác viên cho GlobalPost, hãng tin Pháp AFP và nhiều đài phát thanh khác.

Foley bị bắt cóc ở Syria năm 2012 và không ai biết về số phận của ông cho đến khi đoạn video gây kinh hoàng này được công bố.

Ngày 20/8, tờ GlobalPost cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhận định rằng đoạn video chiếu cảnh nhà báo Foley bị hành quyết là xác thực.

Trong đoạn video, tổ chức trên đồng thời cảnh báo đang giữ nhà báo Mỹ Steven Sotloff và số phận của người này phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Mỹ tại Iraq.

Chấn động

Liên quan tới vụ việc này, ngày 20/8, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell cảnh báo rằng vụ sát hại nhà báo Foley của IS là “cuộc tấn công khủng bố đầu tiên của nhóm này nhằm vào Mỹ”.

Theo Reuters,AFP, ngày 20/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án IS, gọi nhóm này là “một căn bệnh ung thư”.

Phát biểu một ngày sau khi IS công bố đoạn video, ông Obama nói rằng “cả thế giới bàng hoàng trước vụ sát hại dã man James Foley” và cho biết ông đã gọi điện gửi lời chia buồn đến gia đình nhà báo này.

Thủ tướng Anh David Cameron đã cắt ngắn kỳ nghỉ để trở lại London nhằm bàn bạc với các quan chức an ninh về vụ việc này.

Văn phòng phủ Thủ tướng Anh cho biết, ông Cameron sẽ có cuộc gặp với ngoại trưởng, các thành viên quan trọng trong nội các và các cơ quan an ninh để thảo luận về tình hình Iraq và Syria trước mối đe dọa của lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.

Thủ tướng Anh đồng thời cảnh báo hiện nay không phải là lúc phản ứng một cách bột phát và cam kết sẽ tăng gấp đôi các nỗ lực ngăn chặn những người mang quốc tịch Anh đi sang Iraq và Syria để tham chiến bên cạnh các phiến quân ở đó.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết sắp tới, ông sẽ sắp xếp một hội nghị quốc tế về mối đe dọa của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq gây ra, đồng thời mô tả tình hình hiện nay là “nghiêm trọng nhất kể từ năm 2001”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên án “việc hành quyết kinh hoàng nhà báo James Foley là một tội ác ghê tởm, cho thấy rằng chiến dịch khủng bố của Nhà nước Hồi giáo và vùng Cận Đông vẫn đang tiếp diễn chống lại nhân dân Iraq và Syria”.

Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari kêu gọi thế giới ủng hộ nước này đối đầu với IS. Ông mô tả lực lượng này là mối đe dọa với toàn thế giới, chứ không chỉ riêng những nhóm sắc tộc thiểu số bị sát hại ở Iraq.

Theo AFP, ông Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Indonesia, quốc gia có dân số người Hồi giáo đông nhất thế giới, mô tả hành vi của IS là “gây sốc, vượt ra ngoài tầm kiểm soát”. “Chúng tôi không dung thứ cho tội ác đó. Chúng tôi nghiêm cấm IS ở Indonesia” – ông khẳng định.

Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh hành vi của IS là sự xấu hổ và nhục nhã đối với đạo Hồi. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà lãnh đạo quốc tế, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Tất cả phải xem lại cách chống chủ nghĩa cực đoan”- ông Yudhoyono nói.

Trước đây, chính quyền Indonesia từng bày tỏ lo ngại nhiều người dân nước này đã sang Syria và Iraq tham gia chiến trận. Ông Yudhoyono lo ngại những người này có thể quay trở lại Indonesia và thực hiện các hành vi khủng bố.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott mô tả IS là “ác quỷ” và vụ chặt đầu nhà báo Foley là “đáng ghê tởm”. Chính quyền Australia ước tính khoảng 150 công dân nước này đã gia nhập các tổ chức cực đoan ở Syria.

Nguồn Chính phủ