Mỗi trang nhật ký, một trang đời nhân ái

        Viết Nhật ký làm theo Bác Hồ đã trở thành một phương pháp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang. Những tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu từ đời thường bước vào các trang nhật ký để rồi lan tỏa trở lại cuộc sống, khơi dậy tình tương thân tương ái giữa mọi người.

Cung đường nguy hiểm và đội cấp cứu xe ôm

Anh Trần Văn Tuấn, một thành viên tích cực trong Đội, sôi nổi kể: Từ quốc lộ 1 vào TP Bắc Giang là cung đường vắng, ô tô, xe máy thường phóng nhanh chạy ẩu nên điểm này rất hay xảy ra tai nạn. Vì xa trung tâm nên nhiều nạn nhân không được cấp cứu kịp thời và còn bị kẻ xấu trộm cắp tài sản. Khi Đội Xe ôm cấp cứu được thành lập, hiện tượng này đã chấm dứt.

Khi được hỏi về ý tưởng thành lập Đội, anh Tuấn cho biết: Một lần tình cờ đọc trên Nhật ký làm theo Bác của huyện Lục Ngạn, thấy gia đình anh Tiến, dù rất nghèo nhưng cả sáu người trong gia đình đã tình nguyện hiến máu cứu người hơn 30 lần.

Qua câu chuyện, anh suy nghĩ, nếu thay vì tán chuyện phiếm, đánh số đề, tranh giành khách thì tại sao không tập hợp lại để cứu giúp những người gặp nạn. Suy nghĩ này của anh được cánh xe ôm và chính quyền, Hội Chữ thập đỏ TP ủng hộ, cung cấp phương tiện cứu thương và tập huấn y tế. Đội Xe ôm sơ cấp cứu của TP Bắc Giang ra đời từ đó.

Dù không có kinh phí, nhưng Đội hoạt động rất tích cực. Từ đầu năm 2011 đến nay, Đội đã cứu hộ hàng chục trường hợp bị tai nạn giao thông, chuyển hơn 60 nạn nhân bị chấn thương đến bệnh viện cứu chữa.

Giờ đây không chỉ cánh “xe ôm” mà các chủ nhà, quán nước gần cung đường này cũng tham gia sơ cứu, bảo quản phương tiện, đồ đạc cho những người gặp nạn. Bác Lê Văn Thanh, người dân trong phố cho biết, việc làm này đã thay đổi lối sống “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” của người dân thành phố. Giờ đây, mọi người đã ý thức hơn vào công việc cộng đồng. Bắc Giang giờ không chỉ có Đôi Xe ôm cấp cứu mà có nhiều các đội như: “Hiến máu cấp cứu tình nguyện” hay “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường” của đoàn viên…

Nếu như ở thành phố, mọi người chung tay vào công tác giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết khu phố thì khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang, chúng tôi lại bắt gặp nhiều tấm gương giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Những trang đầu của Nhật ký làm theo Bác ở Đảng bộ huyện Hiệp Hòa, là câu chuyện “Hũ gạo tình thương” của phụ nữ xã Đoan Bái. Xã thuộc diện nghèo, nam giới trong độ tuổi lao động đi tìm việc xa quê, gánh nặng gia đình đặt trên đôi vai phụ nữ. Để giúp nhau chăm lo đời sống gia đình, hội Phụ nữ xã đã vận động hội viên thành lập “Hũ gạo tình thương”. Mỗi hội viên sáng và chiều khi lấy gạo thổi cơm đều dành một hai ống bơ để vào hũ.

Hằng tháng, chị em gom các hũ lại và chia đều cho chị em có hoàn cảnh khó khăn. Số gạo không nhiều nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn đối với những gia đình neo đơn ở nông thôn. Cách làm này được phụ nữ trong huyện hưởng ứng nhiệt tình và phát triển thêm nhiều hình thức khác như nuôi lợn tiết kiệm, ống tre tình thương… Đầu năm 2012 này, phụ nữ huyện Hiệp Hòa đã xây dựng được 13 mô hình nuôi lợn tiết kiệm và hũ gạo tình thương, giúp được 34 hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng là kết quả của việc làm theo Bác trong xây dựng nông thôn mới, ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đi trên những con đường làng đổ bê tông rộng rãi, phẳng phiu. Để có những con đường này, Hợp Đức đã vận động bà con hiến đất làm đường. Những tấm gương hiến đất đã được biểu dương, khen thưởng và ghi vào Nhật ký làm theo Bác của xã. Nhờ vậy, nhân dân vui vẻ, tự nguyện hiến đất không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.

Nhiều gia đình đảng viên gương mẫu như đồng chí Nguyễn Văn Tam, đi đầu chặt 10 cây bạch đàn của nhà mình, tự nguyện hiến 37 m2 đất vườn; tiếp đến anh Trần Văn Cương hiến 63m2 đất thổ cư. Bác Ngô Thị Liễu, thôn Lục Liễu cho biết: nhân dân không chỉ tích cực trong hiến đất làm đường, xây dựng trường học, nhà văn hóa mà còn hăng hái trong dồn điền đổi thửa, quy hoạch đồng ruộng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi. Bộ mặt nông thôn mới hôm nay có nhiều đổi mới là nhờ rất nhiều vào những trang Nhật ký làm theo Bác.

Chỉ rõ khuyết điểm để khắc phục, rèn luyện

Đồng chí Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang đánh giá: Không chỉ có tác dụng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội mà những trang Nhật ký làm theo Bác còn góp phần vào sự tu dưỡng, rèn luyện nghiêm túc của đội đội cán bộ, đảng viên ở Bắc Giang, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Để thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp ủy chuyển mạnh sang rèn luyện chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; nhìn thẳng vào hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa; tập trung vào những vấn đề bức xúc như cải cách hành chính, quản lý đất đai; nêu cao tính gương mẫu của các đồng chí đứng đầu cấp ủy, đơn vị.

Huyện miền núi Lục Ngạn vừa được tuyên dương là điểm sáng tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa mới. Trong thành tích chung này có vai trò tiên phong của các đồng chí đứng đầu đơn vị, cấp ủy. Để vận động nhân dân trong xã Phương Sơn xây dựng đời sống văn hóa mới, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã tiên phong tổ chức đám cưới con dùng tiệc trà, bánh kẹo, thiếp báo hỷ thay cho mời cơm. Tiếp theo đó là các đồng chí bí thư chi bộ thôn, xóm. Vừa làm, các đồng chí vừa xuống từng gia đình phân tích hơn thiệt của nếp sống cũ và mới. Khi hiểu ra, nhân dân trong xã, trong huyện đã đồng loạt bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, thực hiện nghiêm quy ước, hương ước về nếp sống mới.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ được lan tỏa đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong toàn tỉnh Bắc Giang. Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, ngay từ năm 2008, Tân Yên đã gắn Cuộc vận động với công tác cải cách hành chính, ưu tiên các lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, gắn với sửa đổi lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hằng tháng các bộ phận chuyên môn đều tiến hành lấy ý kiến đánh giá của nhân dân về tinh thần, thái độ phục vụ để làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Vì vậy, không chỉ rèn được phẩm chất cán bộ mà các thủ tục hành chính cũng được cải cách nhanh hơn. Đến nay, tất cả các cơ quan hành chính từ cấp huyện đến các xã, thị trấn ở Tân Yên đều đã thực hiện niêm yết, công khai các thủ tục hành chính cũng như thời gian giải quyết, trả hồ sơ theo quy định.

Năm 2012, Thành ủy Bắc Giang chọn lĩnh vực quản lý đất đai để giải quyết. Với tinh thần tự phê bình và phê bình, các đồng chí cán bộ chủ chốt thành phố đã thẳng thắn nhận khuyết điểm để tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép ở nhiều điểm, gây bức xúc trong dân là do xa dân, xa cơ sở.

Để khắc phục, UBND TP thành lập Ban chỉ đạo tiến hành rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai tại các điểm nóng. Ban Chỉ đạo nhận thấy ngoài nguyên nhân do buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương thì nhu cầu bức bách về nhà ở của người dân cũng là lý do. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đề xuất thành lập dự án xây dựng khu dân cư tại đây. Khi triển khai, đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Ở điểm nóng nhất là xã Tân Mỹ, đã có 28 hộ lấn chiếm làm nhà trái phép tự nguyện tháo dỡ công trình. Bác Nguyễn Thị Bích vui vẻ cho biết: Chính quyền đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý, hợp ý nguyện của dân nên nhân dân yên tâm tháo dỡ.

Từ thành công đầu tiên này, TP Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015, không còn lĩnh vực nào gây bức xúc trong dân và không có cán bộ phòng, ban, ngành thành phố và cán bộ chủ chốt ở cơ sở vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng phải xử lý kỷ luật cảnh cáo trở lên.

Những việc làm hiệu quả ghi lại trong Nhật ký làm theo Bác của Thành ủy Bắc Giang đã được nhiều địa phương trong tỉnh học tập, làm theo.