Học Bác sống mẫu mực, nghĩa tình

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp nhiều phụ nữ ở TPHCM biết chủ động, sáng tạo trong công việc cũng như sống mẫu mực, nghĩa tình cùng làng xóm. Không chỉ lo bảo vệ lợi ích bản thân, rất nhiều chị em nhờ học tập Bác mà dám đứng ra bảo vệ lẽ phải, tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Học tiết kiệm từ hạt muối, giọt nước mắm

Bà Nguyễn Bích Thủy (bên phải) giúp chị Nguyễn Thị Hoàng thoát khỏi bạo hành và dạy nghề kết cườm để chị có thêm thu nhập

Đã lâu rồi tôi mới có dịp ghé qua thăm nhà anh chị Nguyễn Thị Tư (42 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM). Anh làm nghề chạy xe ôm, chị vì lo cho 3 đứa con trong tuổi ăn học nên phải ở nhà làm nội trợ và giặt quần áo thuê cho bà con trong xóm. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng nhờ chị Tư khéo gói ghém các chi tiêu trong nhà nên gia đình anh chị không mấy khi phải lâm vào cảnh túng thiếu. Gặp bữa cơm trưa, anh chị mời khách dùng bữa cơm đạm bạc cùng gia đình. Bữa cơm gồm có vợ chồng anh chị, hai cô con gái học cấp 2 và tôi. Thấy tôi nhìn cái chén nhỏ xíu với lượng nước mắm rất ít bên trong, cô con gái lớn của chị Tư giải thích: “Cô ơi, cô cứ chấm nước mắm tự nhiên, khi nào hết con sẽ rót thêm. Chứ rót ra nhiều, ăn dư bỏ phí lắm”. Thì ra chị Tư đã dạy các con rằng rót ít nước mắm không phải hà tiện mà là tiết kiệm. Và dạy chúng phải biết tiết kiệm dù chỉ là giọt nước mắm hay hạt muối. Có như thế mới hình thành thói quen tiết kiệm, tránh lãng phí từ những việc làm nhỏ nhất. Nghe con gái nói, chị Tư cười bảo “Nhà nghèo, có tiết kiệm mới đủ chi phí cho tụi nhỏ ăn học cô à”.

Ngày trước, người phụ nữ chưa học hết cấp 1 ấy cũng không quan tâm nhiều đến chuyện tiết kiệm từ những việc nhỏ như vậy. Chị nghĩ đó là tính hà tiện. Nhưng nhờ có các buổi kể chuyện, tuyên truyền về tấm gương của Bác Hồ sống giản dị, không lãng phí, hết lòng yêu thương đồng bào của các chị hội viên phụ nữ phường, chị Tư dần thấm và nhận ra rằng với hoàn cảnh của mình, nếu không tiết kiệm sẽ không được. Vậy là chị học Bác tiết kiệm từ việc nhỏ nhất trong gia đình như không xài phung phí, gói ghém mọi thứ để đủ tiền chi tiêu, dành dụm tiền để khi cần thì có dùng ngay. Nhờ vậy, gia đình chị có cuộc sống dần ổn định. Để giúp chị em trong khu phố sống tốt hơn, chị Tư đã truyền đạt lại kinh nghiệm cũng như những bài học của mình để các chị cũng nhau học tập Bác thực hành tiết kiệm.

Học Bác ngại gì cực thân

Cũng nhờ học tập Bác, bà Nguyễn Bích Thủy (59 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM) không ngại cực tấm thân, luôn có mặt để giúp mọi người, nhất là chị em phụ nữ khi họ gặp khó khăn, bị bạo hành. Không biết đã bao nhiêu đêm bà mất giấc ngủ ngon vì đi giúp khuyên can các gia đình trong khu phố có bạo lực gia đình. Nhà bà cũng là địa chỉ tin cậy, là nơi nương thân của nhiều chị em khi bị chồng đánh đập, bạo hành.

Không phân biệt ngày hay đêm, khi có chị em nào đến gõ cửa, bà Bích Thủy lại sẵn lòng đi hỗ trợ. “Có cần, có tin tưởng họ mới tìm đến mình, mình không đứng ra hỗ trợ thì khác gì lại đẩy chị em vào còn đường cụt”, bà Bích Thủy chia sẻ. Bà bảo trước đây bản thân cũng từng bị bạo hành. Nhờ cán bộ hội phụ nữ giúp sức bà mới có sự hiểu biết và dần thoát ra khỏi cảnh bị hành hạ, đánh đập. Khi đã tự tin làm chủ bản thân, bà nghĩ mình cần hỗ trợ lại những người phụ nữ lâm vào cảnh như mình ngày xưa. Đa phần bạo lực gia đình xảy ra đều do mâu thuẫn. Để có thêm kiến thức giải quyết các mâu thuẫn gia đình, bà tham gia nhiều khóa đào tạo để biết cách truyền đạt lại cho chị em cũng như các ông chồng hiểu vấn đề đang xảy ra, cũng như hậu quả sau đó nếu gia đình cứ mãi có bạo hành. Giờ đây, “cô Sáu thợ may” (tên gọi thân mật của bà Bích Thủy) là cái tên quen thuộc mà chị em trong khu phố đều nghĩ đến khi cần giúp sức.

Bà Bích Thủy bảo sự khéo léo của bà có được là nhờ học tập Bác. Từ những bài học Bác Hồ đã dạy, trong mỗi trường hợp, bà khéo léo ứng xử, khuyên can có tình có lý và trên hết bà luôn đặt cái tâm mình vào đó. Vì còn nhiều trăn trở về cuộc sống của người phụ nữ, nên dù bản thân còn nhiều khó khăn, bà Bích Thủy vẫn dành hết tâm sức để giúp đỡ chị em phụ nữ, làm việc thiện giúp đỡ người khó khăn, tạo việc làm để phụ nữ làm chủ bản thân mình… Bà bảo còn sức khỏe thì còn làm. Ngày xưa Bác Hồ dành cả đời mình cho đất nước, cho dân tộc mà có đòi hỏi lợi lộc chi đâu. Bản thân bà chỉ muốn làm một người con chăm chỉ học theo Bác cả đời.

Ở TPHCM, những mô hình phụ nữ học và làm theo Bác xuất hiện ngày càng nhiều ở các cấp hội phụ nữ, từ đó đem đến cuộc sống ngày càng có nhiều ý nghĩa. Đó là, mô hình tình thương và trách nhiệm, mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi tuần một địa chỉ, mỗi tháng một hành động, mỗi phường hội nhận giúp đỡ 1 phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi chi hội có ít nhất 1 công trình, 1 sản phẩm hoặc mô hình làm theo lời dạy của Bác, thu gom ve chai, sách báo, phế liệu và tổ chức hội thu trong hoạt động “Ngày hội Phụ nữ vì cộng đồng”…

Nguồn SGGP