Hiệu quả từ mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi dê ở huyện Cai Lậy

(THTG) Nhằm khai thác tiềm năng từ nuôi dê, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp với xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy thực hiện mô hình “Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi dê”  sử dụng phụ phẩm từ cây mít làm thức ăn cho dê và ủ phân dê thành phân hữu cơ, đã gia tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

vlcsnap-2023-10-12-09h19m27s501.png

vlcsnap-2023-10-12-09h20m35s408.png

Mô hình nuôi dê mới, người chăn nuôi thu lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với chăn nuôi truyền thống. Ảnh: Minh Nguyên

Có 4 hộ ở ấp Mỹ Hưng tham gia mô hình với quy mô 100 con dê giống Boer, bao gồm dê sinh sản và dê thịt. Người nuôi sử dụng phụ phẩm từ cây mít như xơ, vỏ, trái mít non để ủ chua làm thức ăn cho dê, đã giảm đáng kể chi phí thức ăn công nghiệp, đồng thời kích thích hệ tiêu hóa giúp dê tăng trọng nhanh và phòng được một số bệnh thường gặp, giảm được chi phí thuốc thú y. Cùng với đó, ủ phân dê với nấm Trichoderma làm phân bón hữu cơ bón cho cây mít và cây ăn trái khác, giảm lượng phân hóa học, góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện dê trong mô hình đã đến lứa xuất chuồng, ước trọng lượng đạt 30kg/con và với giá bán khoảng 100 ngàn đồng/kg dê thương phẩm, người chăn nuôi thu lãi 900.000 đồng/con, tăng gấp 3 lần so với chăn nuôi truyền thống, ghi nhận nhất là giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của xã nông thôn mới./

Kim Nữ