Tiền Giang khuyến khích nuôi tôm theo mô hình Việt GAP

(THTG) Trước tình hình các nước nhập khẩu siết chặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong nông sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân nuôi tôm mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng sản lượng, đồng thời tích cực áp dụng quy trình sản xuất Viet GAP để sản phẩm rộng đường xuất khẩu, nhất là sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

nuoi tom 4

nuoi tom 6

Nuôi tôm VietGAP giúp tăng năng xuất, bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Thi

Hiện nuôi tôm vẫn giữ vai trò mũi nhọn của ngành thủy sản Tiền Giang với tổng diện tích thả nuôi khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, hiện tại thì cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ kỹ thuật ở một số hộ nuôi tôm còn chưa theo kịp xu hướng phát triển chung đã dẫn đến hậu quả là ô nhiễm môi trường, bệnh dịch ngày càng nhiều, rủi ro trong nuôi tôm ngày càng lớn, đã giảm lợi nhuận đáng kể.

Quy trình nuôi Việt GAP theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản bao gồm 5 phần với 68 tiêu chí cần phải đáp ứng, nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Trọng tâm của Viet GAP là kiểm soát quá trình nuôi không dư lượng kháng sinh, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Kim Nữ