Độc đáo chợ phiên truyền thống giữa lòng thành phố

Chợ Hàng (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là chợ phiên mang dáng dấp chợ quê trong lòng thành phố Cảng. Từ lâu, chợ Hàng là nơi buôn bán giao thương, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người dân và du khác đến chợ Hàng ngoài việc tham quan mua sắm còn  tìm lại những nét dân dã trong cuôc sống hiện đại. Trước đây chợ Hàng họp theo phiên vào các ngày 5 ngày 15 âm lịch hằng tháng. Ngày nay, chợ Hàng họp một phiên vào sáng Chủ nhật hằng tuần. 

Dư Hàng là làng cổ, có từ thời Tiền Lê. Trong lịch sử, đây là một làng giàu có nổi tiếng của Hải Phòng, quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương khác. Vì thế, xưa kia chợ Hàng rất đông, nhiều mặt hàng nhất, với không gian rộng rãi nhất ở Hải Phòng. Khu vực làng Dư Hàng trước đây là vùng đất nông nghiệp. Chợ Hàng là nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán cây, con giống và đồ dùng nhà nông. Quá trình đô thị hóa lan ra các vùng ven, chợ Hàng nằm giữa khu vực nội đô nhưng tập quán trao đổi các hàng hóa nông nghiệp vẫn lưu giữ đến ngày nay. Từ sáng sớm Chủ nhật, dòng người và xe từ khắp các ngả đường đổ về chợ Hàng. Với người Hải Phòng, đi chợ Hàng trước hết là để chơi, sau mới là mua sắm. Thói quen này như một thú vui cuối tuần, ngày chợ phiên cũng là ngày hội. Đó là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người Hải Phòng, tạo nên nhịp sống đa dạng của thành phố. Người dân đi chợ Hàng để mua sắm, tham quan hay đơn giản là để ngắm nhìn cuộc sống, tận hưởng một không gian rất khác của thành phố Cảng. Dù chợ phiên nào cũng rất đông nhưng hầu như không thấy tiếng cãi vã. Người bán, người mua đều thoải mái, vui vẻ.

Mấy chục năm trước, chợ Hàng được chuyển về bãi đất rộng xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải (nay là phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Hiện chợ Hàng mở ra buôn bán đa dạng các loại hàng hóa, từ những gì quê kiểng nhất của ngoại thành Hải Phòng và vùng Đồng bằng Bắc Bộ đến các mặt hàng tân thời và cả những đồ cổ quý hiếm, thỏa mãn nhu cầu mua bán và tham quan của mọi lớp người. Giá cả các mặt hàng rất đa dạng, từ vài nghìn, vài chục nghìn, vài trăm nghìn, hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng tùy vào giá trị mỗi mặt hàng.

Tại mỗi phiên chợ Hàng, các loại rau, củ, quả, hạt giống và các cây lưu niên bày la liệt hai bên đường đi, từ các loại cây hoa, cây cảnh phong phú giá chỉ từ vài nghìn đồng đến những cây quý, dáng đẹp trồng trong các chậu cảnh, giá đến hàng chục triệu đồng. Những phiên chợ giáp Tết, người ta bày bán đầy đủ các loại cây cảnh như đào, quất, lộc vừng, hải đường, mai vàng miền Nam… hay những cây sung quả sai chi chít, dáng uốn lượn đẹp mắt. Tại những góc khác của phiên chợ, những mặt hàng “chân quê” đậm bản sắc văn hóa dân tộc và Hải Phòng như những vật dụng làm bằng tre, bằng gỗ, hay kim loại, thậm chí cả cối xay thóc, cối đá giã. Khu con giống với nhiều loại gia cầm, chim muông, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo… to nhỏ đủ loại. Bà Nguyễn Thị Doan, 57 tuổi, quê tại huyện An Dương, TP Hải Phòng từng có thâm niên hàng chục năm buôn bán tại chợ Hàng cho biết, bà bán mặt hàng tre đan đựng các con giống, vật nuôi. Sản phẩm do người địa phương sản xuất, bà vận chuyển từ quê ra chợ bán. Vừa nói chuyện, bà vừa đưa tay đón những con gà non của khách đưa vào lồng. Thời tiết tầm giữa trưa hè oi bức, ngột ngạt, cảnh người mua người bán ồn ào, náo nhiệt… Cạnh đó là những gian hàng bán gà, chó, mèo… được nhốt trong lồng sắt hay buộc dây cầm trên tay. Sau khi mua các vật nuôi, khách hàng chuyển sang hàng của cô Doan mua lồng đựng để mang về.

Tại khu vực bán cá cảnh rất đa dạng chủng loại, được trong những tủ kính, hay túi nilon rất bắt mắt, lôi cuốn du khách. Ngoài ra là khu vực trưng bày, bán các loại cây, hoa và đồ cũ như: sành, sứ, gốm và kim loại như: đồng, sắt, inox, nhôm…. Đối với nhiều người dân Hải Phòng và du khách, vào dịp cuối tuần, họ đến chợ Hàng như một thói quen từ nhiều năm. Đến chợ, ngoài nhu cầu tham quan, mua sắm, du khách được trải nghiệm trong không gian văn hóa. Đây là cơ hội để mọi người giao lưu, trao đổi hàng hóa, kết bạn cùng sở thích… Một số du khách nước ngoài đến thăm quan du lịch tại TP Hải Phòng đến chợ Hàng tìm hiểu nét văn hóa độc đáo hoặc mua một món đồ lưu niệm.

Một số hình ảnh về chợ Hàng tại Hải Phòng

Theo ông Phạm Bá Sấn, Trưởng Ban quản lý chợ Hàng, thời mới thành lập chợ, chợ thường họp định kỳ vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23 và 28 mỗi tháng. Có một thời gian, khi chợ được chuyển về khu vực cách 1 km so với địa điểm hiện tại. Chợ được chuyển từ mô hình cũ sang mô hình chợ dân sinh với nhiều ki ôt bán hàng cố định. Tuy nhiên, người dân quen với mô hình chợ phiên đã có từ lâu đời. Do đó, sau khi chuyển đến địa điểm hiện tại, chợ Hàng lại trở lại hình thức họp chợ nguyên bản ban đầu. Hiện nay, chợ Hàng họp phiên chính vào chủ nhật hằng tuần, với khoảng 200 gian hàng các loại, trong khuôn viên rộng 5.200 m2, mỗi phiên đón khoảng 2000 lượt người đến tham quan, mua sắm.

Trước khi UBND quận Lê Chân thành lập Ban quản lý chợ Hàng, tình trạng mất an ninh, trật tự có nhiều phức tạp, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi Ban quản lý chợ đi vào hoạt động, tăng cường công tác an ninh, sắp xếp lại các gian hàng theo chủng loại, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, chợ Hàng văn minh, hấp dẫn hơn, là điểm đến tham quan, mua sắm cho mọi người dân, du khách. Từ thành công của mô hình quản lý chợ Hàng hiện nay, UBND quận Lê Chân có chủ trương sẽ giao Ban quản lý chợ, Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Kinh tế quận nghiên cứu, tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, hát xẩm, thi chim… định kỳ 2 lần/tháng tại khu vực nhà tròn giữa chợ, nhằm thu hút người dân TP Hải Phòng và các tỉnh lận cận đến phiên chợ độc đáo này.

Nguồn: baovanhoa.vn