Để phát triển bền vững du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười

(THTG) Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước không chỉ là nơi bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm, mà đây còn là một điểm tham quan lý tưởng cho những ai đam mê du lịch sinh thái, hòa mình trong không khí thiên nhiên xanh mát và thơ mộng.

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười của Tiền Giang hiện có khoảng 100 ha trung tâm với hơn 150 loài động thực vật được bảo vệ bởi 1.800 ha khu đệm chủ yếu là rừng tràm. Khi đến với vùng Đồng Tháp Mười, ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, du khách sẽ được len lỏi qua những vùng rừng ngập nước, men theo các con rạch để ngắm động vật hoang dã trên tán cây cùng với nguồn thủy sản dưới nước vô cùng phong phú tạo nên trong một không gian đầy thú vị.

Thả cá tái tạo nguồn thủy sản tại vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Việt Bình

Với những lợi thế và tiềm năng lớn nói trên cũng như để làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách trong ngoài nước và giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; hiện nay Khu Bảo tồn đã ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành khai khác du lịch để khai thác và tổ chức cho Du khách tham quan vùng sinh thái Đồng Tháp Mười.

Ban Quản lý Khu bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười cũng cho biết, việc xây dựng, phát triển du lịch sinh thái tại đây gắn liền với việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, thực vật rừng, động vật rừng cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân vùng đệm và du khách khi đến đây du lịch, nghỉ dưỡng trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, rất tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến rừng và môi trường thiên nhiên nhằm gia tăng lợi ích của môi trường thiên nhiên đối với cuộc sống của con người.

Mạnh Cường