Đi xem chợ phiên trên cao nguyên đá

Người ta đi chợ không chỉ để mua bán, mà với người dân tộc, còn là đi chơi chợ. Thế nên mỗi người xuống chợ đều ăn mặc rất đẹp, đặc biệt là phụ nữ.

Đi xem chợ phiên trên cao nguyên đá - Ảnh 1.

.Chợ phiên Mèo Vạc, vùng cao nơi cực Bắc nước ta, thường họp vào Chủ nhật hằng tuần. Đồng bào sống quanh vùng – người Mông, Dao, Lô Lô, Tày… – đều góp mặt trong phiên chợ nhộn nhịp, đủ sắc màu trang phục và sản vật tự nuôi trồng này. Bấy nhiêu cũng đủ khiến phiên chợ quyến rũ du khách

Sáng, thị trấn mù sương như thể còn ngái ngủ, co ro trong cái lạnh của vùng cao. Tôi lắng tai nghe những tiếng lao xao nho nhỏ và rõ dần theo thời gian, theo ánh sáng ban ngày đang đến. Nghĩa là đã bắt đầu chuẩn bị vào phiên chợ cuối tuần ở Mèo Vạc, Hà Giang.

Tờ mờ sáng dậy xem người ta xuống núi

Tôi đi quanh thị trấn Mèo Vạc, xuôi theo hướng mọi người đổ về chợ (gọi là chợ trung tâm) rồi chọn đúng lối đi đông đúc ngược hướng mọi người, ngắm người ta đang rộn ràng đi chợ.

Trong cái lạnh dưới 10 độ C, trời tờ mờ, lãng khách xa như tôi cứ mải mê ngược xuôi theo những bước chân đi chợ. Hầu như ai cũng đang mang vác, gùi, kéo, dắt, cầm, thậm chí cắp nách nhiều món đồ, đi bộ nhiều cây số.

Người ta đi chợ nhưng ít chuyện trò vì hình như ai cũng dành sức mà đi, trừ những khi phải dừng lại mua bán dọc đường. Âm thanh thường nghe trong buổi sáng vùng cao nguyên đá là tiếng lục lạc trên cổ bò, dê; tiếng lợn kêu rộn ràng.

Đi xem chợ phiên trên cao nguyên đá - Ảnh 2.

Người ta đi chợ nhưng không lắm tiếng lao xao chuyện trò vì hình như ai cũng dành sức mà đi

Người ta ra chợ mang theo nhiều thứ lắm. Này là những chiếc gùi quen thuộc, kia là chồng giỏ đan bằng tre nứa cao hơn chiều cao người đang gùi chúng, nọ là những cái bàn gỗ mới đóng được cõng trên lưng mà đi. Có người khỏe, gùi một lúc cả hai cái bàn cồng kềnh.

Những chú bò có lục lạc kêu leng keng vui tai đang ngoan ngoãn theo chủ ra chợ. Đàn dê kêu be be đi tung tăng như trêu lũ lợn chậm chạp. Thím lợn nái sề không biết đẻ bao nhiêu lứa, trở chứng không chịu đi, khiến anh chàng chăn dắt dùng roi không ăn thua, phải dùng cả… sức để ủn.

Bầy lợn con nằm im trong gùi kín có bao tải nhất loạt la hét ỏm tỏi mỗi khi bị lấy ra khỏi gùi, thả xuống đất để người ta “coi mặt, bắt giá”. Có cả chú lợn to dễ chừng hơn một tạ không đi xa nổi nên thanh niên trai tráng phải cho chú nằm xe cút kít lăn về chợ.

Những chú vịt, gà được bế trên tay hay đơn giản là… cắp nách cho tiện đi chợ đường xa. Lũ chim bồ câu mới ra ràng được đám thanh niên mang từ bản về chợ chắc đủ kiếm tiền ăn quà, uống rượu.

Mấy bà già bán trang sức, vòng đeo các loại và cả bùa chú cũng hòa vào dòng người…

Những con đường dẫn đến chợ luôn gợi nhớ hình ảnh chợ ngày xưa, khi người ta đi chợ để trao đổi, buôn bán những vật phẩm mình làm ra hay nuôi trồng, chế biến và muốn hòa mình trong không khí ấy thật lâu, như được sống trong những điều đơn giản, không âu lo và hồn nhiên như cây cỏ. Điều đó khó có ở miền xuôi nên khi có dịp, tôi hay lên miền cao nguyên đá để tìm, nhìn, hòa chung với nhịp sống bình dị, vô tư này.

Nhiều nhà dân hai ven đường lấy xe máy chạy loanh quanh khu này chẳng biết vô tình hay có ý “đón lõng”, thường tranh thủ lúc đồng bào dân tộc đi xuống chợ ngang qua để gọi lại trả giá, mua hàng về dùng hoặc bán lại như thương lái. Những cuộc trả giá thường không lâu và không phải lúc nào “thương vụ” cũng thành.

Phiên chợ sắc màu

Đi xem chợ phiên trên cao nguyên đá - Ảnh 3.

Thường người ta ra chợ bán món gì đó, mua thứ gì đó và… uống rượu

Tiếng là chợ trung tâm của thị trấn nhưng vì là chợ của người dân tộc miền cao nên vẫn mang đặc thù của người dân tộc thiểu số. Chợ rộng, nhà lồng thoáng đãng, mọi thứ cứ ngả ra sạp gỗ, ra đất mà bày bán.

Các mặt hàng ở đây cũng không thể gọi là phong phú theo cách nhìn của người miền xuôi nhưng hình như với người dân tộc, như thế là đủ. Cũng có những nhu yếu phẩm dùng hằng ngày, quần áo, giày dép, mũ vớ nhưng không nhiều lắm. Nhiều nhất vẫn là các hàng rau củ quả, là những sản vật nhà trồng, làm ở vườn, nương, ruộng, đem ra chợ bán trông thật ngon mắt. Kế đến là quần áo dân tộc các loại, thịt lợn, thịt trâu…

Tuy nhiên, như thường lệ của một vùng biên ở cạnh nước láng giềng là trung tâm sản xuất hàng tỷ thứ trên đời, đồ truyền thống của người dân tộc cũng có hai nguồn: Trung Quốc sản xuất và Việt Nam sản xuất. Hàng của Việt Nam thì mắc hơn của Trung Quốc, hẳn nhiên là nhìn đẹp hơn nhưng đồ Trung Quốc vẫn hay được chọn mua vì… rẻ.

Đi xem chợ phiên trên cao nguyên đá - Ảnh 4.

Các bà, các cô ngồi bên những gùi hàng chờ khách mua

Người ta đi chợ không chỉ để mua bán, mà với người dân tộc, còn là đi chơi chợ. Thế nên mỗi người xuống chợ đều ăn mặc rất đẹp, đặc biệt là phụ nữ. Đây cũng là dịp hội ngộ bạn bè, người thân lâu ngày xa cách. Khu vực ăn uống của chợ phiên bán những món ăn đặc biệt phục vụ người bản địa đến đây mua bán luôn là nỗi tò mò của du khách đến Hà Giang.

Dọc theo lối đi, bậc tam cấp dẫn từ hàng quần áo các loại xuống khu chợ ăn uống, rất nhiều người đứng cạnh những chiếc gùi nóng hổi được lèn chặt toàn cơm và xôi. Các bà các cô sẵn túi ni-lông và chén, ai tới mua lại cởi cái gùi ấy mà xới thành những chén vun đầy, thơm thơm lạ cho khách.

Bàn ghế ở các hàng ăn cũng đơn giản, chủ yếu là những chiếc bàn thấp cho dễ sà vào tụm năm tụm bảy. Thường người ta ra chợ bán món gì đó, mua thứ gì đó và… uống rượu. Trong khi các bà các cô và đám con nít ngồi bên những gùi hàng chờ khách mua thì cánh đàn ông khề khà bên chén rượu, ống điếu rít thuốc suốt cả buổi. Nhiều chị em đứng ngồi gần kề đấy vẻ rất kiên nhẫn như thể chờ đợi cho chồng xong bữa chợ say.

Trong chợ là vậy, ngoài chợ có một đám đông xúm xít nghe khèn. Tiếng khèn nghe buồn buồn thê thiết, chậm rãi, đơn lẻ, khác hẳn không khí nhộp nhịp sầm uất bên trong chợ, chỉ vừa đủ níu kéo sự tò mò ngó nghiêng chứ không đủ níu chân dừng lại nghe ngẫm say sưa như thói quen của tôi mỗi khi nghe một nhạc cụ lạ.

Chợ gần trưa vẫn chưa vãn nhưng tôi phải vội đi cho kịp hành trình, để lại thị trấn Mèo Vạc như nụ cười làm duyên của một thôn nữ miền sơn cước. Nụ cười ấy dẫu mộc mạc vẫn sáng lấp lánh đủ để khách lạ hóa… nhà thơ.

Nguồn NLĐ