Chiếc khăn Mỏ quạ gắn kết Quan họ ngày xuân

Với nón Ba tầm, áo Tứ thân mớ ba mớ bảy, chiếc khăn Mỏ quạ đã cùng tiếng hát Quan họ đi vào lòng người.

Dù là canh hát quan họ xưa hay mỗi lần biểu diễn trên sân khấu bây giờ, ngoài chiếc nón Ba tầm, áo Tứ thân, chị em Quan họ không quên chít khăn Mỏ quạ trên đầu. Khi chít khăn phải cân đối trên trán, sao cho cái hình mỏ quạ ấy phải đúng giữa, không bị xô lệch. Cùng với giọng hát “tròn vành rõ chữ”, “nảy giòn hơi hạt” thì hình ảnh khăn mỏ quạ với đôi mắt lúng liếng, miệng cười có duyên… cứ vương vấn mãi trong lòng người thưởng thức hát Quan họ.

Theo các “lão làng” Quan họ kể lại, cũng như theo các tài liệu văn nghệ dân gian mà các nhà nghên cứu am hiểu về trang phục dân tộc cho biết, khăn Mỏ quạ chính là chiếc mũ hình đầu chim, được làm bằng vải vóc, tre nứa, hiện còn thấy trên những hình người và tượng người của văn hóa Đông Sơn cũng như các nền văn hóa gốc Đông Sơn khác.

Ngoài chiếc nón Ba tầm, áo Tứ thân, chị em Quan họ không quên chít khăn Mỏ quạ trên đầu (Ảnh: Trọng Phú)

Người Lạc Việt xưa thờ bà Tổ Chim, biểu tượng là hình chim lạc (cò trắng) bay quanh mặt trời trên trống đồng. Bà Tổ chim cũng là Mẹ Lúa, là Nữ Thần Mặt Trời. Trong truyền thuyết Hồng Bàng, đã hóa thành Mẹ Chim Âu Cơ, Bà Tổ của các nhóm Bách Việt.

Trong các hội lễ hướng tới Tổ tiên – Thần linh, người Lạc Việt có tục hóa trang thành người chim, bằng cách đội mũ hình đầu chim, đội khăn cắm lông chim, múa các động tác của chim với các công cụ, vũ khí buộc lông chim. Họ cũng dựng ngôi nhà có hình chim trên nóc, làm các con thuyền có hình đầu chim, mắt chim ở đầu thuyền… Tục thờ Mẹ chim – Mặt trời là cốt lõi của tín ngưỡng Lạc Việt.

Tên gọi “khăn Mỏ quạ” xuất  phát từ mỏm khăn màu đen tuyền giống mỏ loài chim quạ. Đó là dấu tích mộc mạc và bền bỉ của tục thờ vật tổ chim của người Lạc Việt xưa. Con chim quạ tuy có màu lông đen nhưng có lúc, có nơi đã từng là một biểu tượng của Mặt Trời và lòng hiếu thảo.

Người Việt không phải là tộc người duy nhất có chiếc khăn hay mũ đội đầu của phụ nữ mang hình bóng tổ tiên huyền thoại của mình, các dân tộc khác trên đất nước ta cũng có. Người H’mông thờ ông tổ Xuy Vưu. Trong truyền thuyết, Xuy Vưu được đồng nhất với Thần Nông, từ đó trên đầu có sừng trâu. Ngày nay, phụ nữ của một số nhóm người H’mông vẫn đội khăn hay mũ có hình sừng trâu trong hội lễ.

Người Dao thờ ông Tổ Bàn Hồ. Trong truyền thuyết, Bàn Hồ là một con chó thần. Ngày nay, phụ nữ một số nhóm Dao vẫn đội mũ có hình đầu chó trong hội lễ. Phụ nữ Tày, Thái, Pa Dí cũng đội những dạng khăn cùng cội nguồn và ý nghĩa như khăn mỏ quạ. Họ cũng có những truyền thuyết nói về Bà Tổ chim, về ngôi nhà sàn mang hình con chim, có những điệu múa chim, những chiếc áo làm bằng lông chim (như áo lông ngỗng của nàng Mị Châu) và các nghi lễ.

Người Pa Dí (một nhóm Thái) coi chiếc khăn đó có hình mái nhà, người Thái Đen coi những hình xoáy ốc ở vành khăn là hình ngọn rau dớn gắn với người phụ nữ. Hình xoáy ốc cũng là một biểu tượng của chim và Mặt trời.

Ngẫm nghĩ từ chiếc khăn Mỏ quạ, chúng ta hiểu vì sao cha ông ta đã dùng chữ Hùng chỉ chim đực để ghi danh hiệu của Vua Hùng, dùng chữ Hồng, chỉ chim Hồng để chỉ nòi giống Hồng Bàng, Con Lạc – cháu Hồng, con Rồng – cháu Tiên (Tiên là Chim), có câu “Chim Việt cành Nam” để nói về cội nguồn dân tộc.

Chúng ta cũng hiểu vì sao, những cô gái nước Việt cùng với chiếc khăn Mỏ quạ chúm chím, có đọn tóc “đuôi gà”, chiếc nón quai thao hình Mặt trời, có chiếc yếm đào và chiếc áo tứ thân gợi tới bầu ngực và đôi cánh chim, còn có miếng trầu xanh têm hình “cánh phượng” để kết tình kết nghĩa.

Những nét đẹp gắn với khăn Mỏ quạ đã trở thành vẻ đẹp cổ điển của người con gái Việt, một vẻ đẹp “chân quê”, “hương đồng gió nội” giờ đây chỉ còn được thấy trên sân khấu hay trong các lễ hội.

Đúng như nhà Dân tộc học Tạ Đức đã nhận xét rằng, khi hát Xoan, hát Quan họ, tục thờ Vua Hùng đều đã lần lượt trở thành những Di sản của văn hóa thế giới, thì chiếc khăn Mỏ quạ lại chính là di sản vật thể duy nhất âm thầm kết nối cội nguồn và thần thái của cả ba di sản phi vật thể trên. Nó xứng đáng được nhìn nhận, tôn vinh như là biểu tượng cổ kính, cao quý, sâu sắc, đẹp đẽ nhất của văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Với nón Ba tầm, áo Tứ thân mớ ba mớ bảy, chiếc khăn Mỏ quạ đã cùng tiếng hát Quan họ đi vào lòng người. Mùa xuân này tiếng hát ấy càng ngọt ngào hơn, ngân vang hơn, tươi sắc hơn dưới vòm trời đất nước./.

Nguồn VOV