ASEM 10 – Đã đến lúc cần phải tăng cường gắn kết

Nếu căn cứ vào chức năng của một cơ chế đối thoại đa phương, thì rõ ràng những kết quả đạt được tại hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (The Asia – Europe Meeting viết tắt là ASEM) lần thứ 10 năm nay đã vượt xa ngoài mong đợi của cộng đồng quốc tế.

 1

Được thành lập từ năm 1996 (tại hội nghị cấp cao đầu tiên tại Bangkok, Thái Lan), đến nay ASEM được coi là một diễn đàn đối thoại liên khu vực lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, có phần giống với cơ chế G20 (ra đời từ năm 1999 nhưng chỉ thực sự nổi lên từ cuộc gặp thượng đỉnh London 2009), trải qua chín hội nghị cấp cao, ASEM mới chỉ dừng lại ở chức năng của một diễn đàn – tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc không chính thức. Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đã giúp cho vai trò của G20 thay đổi, thì có lẽ chính tình hình thế giới căng thẳng và phức tạp hiện nay đã khiến cho ASEM 10 bỗng trở nên quan trọng khác thường.

Đến với hội nghị cấp cao ASEM 10, các thành viên đều đang cùng phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh và phát triển: tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục suy giảm (IMF vừa phải hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm 2014 từ 3,4% xuống còn 3,3%); dịch bệnh Ebola đã bị coi là đại dịch bởi chưa có khả năng ngăn chặn và nguy cơ lây lan ngày một lớn; các chiến dịch quân sự của nhiều nước vẫn không ngăn chặn được lực lượng khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); đặc biệt là những nguy cơ trong lòng không gian Á – Âu, từ những điểm nóng như Ucraina, Biển Đông, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên, cho đến các cuộc trưng cầu dân ý đòi li khai ở Scotland hay Catalonia (Tây Ban Nha) v.v. Đáng quan ngại hơn, quá trình giải quyết những vấn đề quốc tế trên lại làm bùng phát những mâu thuẫn mới, điển hình là những va chạm giữa các nước lớn. Điều này đã khiến không ít các cơ chế đối thoại bị tê liệt hay hủy bỏ, tiêu biểu như G8 hay đối thoại Nga – NATO.

Trong bối cảnh như vậy, cộng đồng quốc tế trông chờ hội nghị ASEM 10 sẽ có những đóng góp giúp làm giảm bớt căng thẳng, trước hết là giữa các quốc gia trong không gian Á – Âu. Sự trông đợi này là hoàn toàn có cơ sở, đúng như nhận định của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại hội nghị: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu sắc hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng cao. Không một quốc gia, một chính phủ nào có thể hành động một mình để ứng phó với các thách thức. Là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng, với tiềm lực khoa học công nghệ dồi dào, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm để góp phần đưa hai châu lục trở thành động lực phát triển bền vững của thế giới”.

Với chủ đề “Quan hệ đối tác có trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững”, kết quả của hội nghị cấp cao ASEM 10 đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng không chỉ của các đoàn tham dự, mà có lẽ của cả cộng đồng quốc tế. Trong hai ngày làm việc (16 và 17-10-2014, tại Milan, Italia), ASEM 10 đã thông qua 27 sáng kiến liên quan tới cả bốn nội dung của chương trình nghị sự (cụ thể là các vấn đề kinh tế – tài chính và kết nối Á-Âu; các vấn đề toàn cầu; các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; định hướng tương lai ASEM. Đặc biệt, bên lề hội nghị đã diễn ra một loạt các cuộc gặp cấp cao rất đáng chú ý, tiêu biểu như cuộc gặp tay ba Nga – Ucraina – EU, hay các cuộc gặp cấp cao song phương EU – Trung Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Trung Quốc v.v.

Hiệu quả của những sáng kiến này còn phải chờ đợi thời gian hiện thực hóa, nhưng hiệu ứng của các cuộc gặp song phương thì đã thấy rõ. Tuy còn nhiều bất đồng, nhưng Nga đã đồng ý cung cấp khí đốt trở lại cho Ucraina. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ucraina bởi mùa đông đang cận kề. Nhật Bản và Trung Quốc đã lên kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh tại Bắc Kinh vào tháng 12 tới, nhân hội nghị APEC 22. Cộng đồng quốc tế đang rất mong chờ cuộc gặp đầu tiên giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương này, bởi quan hệ Nhật – Trung đang tiến dần tới ngưỡng hết sức nguy hiểm kể từ khi hai nước thay đổi thế hệ lãnh đạo. Nhìn từ góc độ Việt Nam, những cuộc gặp trước và trong thời gian diễn ra hội nghị ASEM 10 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với một loạt các đối tác từ châu Âu tới châu Á, nhất là cuộc gặp của Thủ tướng với Giáo hoàng Francis, thực sự đã đem đến một động lực mới, một sự kỳ vọng mới vào bước phát triển tiếp theo của Việt Nam.

Nhưng cũng chính những kết quả “vượt ngoài mong đợi” nêu trên của ASEM 10 lại giúp làm sáng tỏ hơn một thực tế – hiện nay trong đời sống quốc tế, cụ thể là trong không gian Á – Âu có không ít các cơ chế hợp tác, đối thoại đa phương, và nhất là quyết tâm hướng tới hòa bình và thịnh vượng hiện hữu trong chính sách của tất cả các quốc gia thành viên, nhưng tình hình căng thẳng vẫn tiếp tục. Phải chăng các cơ chế này chưa phát huy được tất cả khả năng đang sở hữu?

Chúng ta đã quá quen với nếp nghĩ, rằng không thể đòi hỏi những giải pháp cụ thể và hiệu quả tức thì ở một cơ chế đối thoại như ASEM. Từ trước tới giờ, các cơ chế đối thoại, điển hình như ASEM, hội nghị chống biến đổi khí hậu, hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân v.v., chủ yếu giúp tạo điều kiện để các bên liên quan có cơ hội tiếp xúc, bày tỏ quan điểm, và vì thế kết quả của các cuộc hội nghị này phần lớn mang tính thông điệp gửi tới các nhà làm chính sách. Các giải pháp cụ thể được dành cho các cơ chế hợp tác chuyên trách với những điều khoản pháp lý ràng buộc chặt chẽ hơn. Hệ quả tất yếu là tại các cơ chế này, kết quả đạt được hầu như chỉ dừng lại ở mức độ thúc đẩy hợp tác song phương hoặc trong phạm vi một nhóm nước hạn chế.

Tuy nhiên, giờ đây, các cơ quan chuyên trách, kiểu như Hội Đồng Bảo An hay Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), APEC v.v., đang tỏ ra hạn chế trước những vấn đề có tính toàn cầu như tăng trưởng hay dịch bệnh, khủng bố hay sự ấm lên của Trái Đất v.v. Ngay cả đối với những điểm nóng, nơi thường được coi là chỉ liên quan tới lợi ích của một số nước, nếu chúng ta không đặt chúng trong bức tranh tổng thể thì sự bế tắc sẽ vẫn tiếp tục trong quá trình giải quyết. Sự hợp tác sâu rộng và tổng thể, đầu tiên là phải có sự tham gia của tất cả các nước thành viên, đang trở thành một đòi hỏi tất yếu. Chính lý do này buộc chúng ta phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận về vai trò của các cơ chế đối thoại như ASEM. Đã đến lúc ASEM không chỉ dừng lại ở mức độ của một kênh đối thoại, nó cần phải đảm đương thêm chức năng gắn kết toàn bộ các thành viên lại trong những chương trình hợp tác cụ thể. Đơn cử như việc châu Á đang chiếm tới 1/3 tổng thương mại của EU, vượt cả khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), còn 26% đầu tư ra nước ngoài của EU là vào châu Á, nhưng điều này không có nghĩa là có sự đóng góp của tất cả các nước trong không gian Á – Âu. Các cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEM 10 dường như vẫn chiếm ưu tiên trong chương trình làm việc của các đoàn tham dự đã giúp giải thích cho hiện tượng mất cân đối này. Hạn chế này có thể khắc phục được nếu ASEM 11 (sẽ được tổ chức tại Mông Cổ vào năm 2016) bắt đầu chú trọng hướng tới các dự án có sự tham gia của mọi thành viên.

ASEM 10 không chỉ giúp các thành viên nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải tăng cường gắn kết sâu rộng, mà còn cho thấy ASEM có khả năng thực thi nhiệm vụ đang trở nên bức thiết này. Và đây cũng chính là một thành công nữa của ASEM 10.

Nguồn Nhân dân