Viết báo – một nghề vất vả

phong-vien-di-co-so

Đi cơ sở viết bài – Ảnh : Tư Liệu

Nhiều người hay cho viết báo là một nghề sang, nhẹ nhàng sung sướng. Thật ra, viết báo là một việc lao động khó khăn, vất vả hơn bất cứ một việc lao động giản đơn nào. “Viết bài khó hơn bửa củi”, vì để có một bài báo hay, tự thân người viết phải đầu tư nhiều công đoạn.

Trước hết, người viết phải có đề tài, đây là một công việc trong nghề làm báo, đòi hỏi người viết phải nhạy bén tư duy phát hiện, sáng tạo đề tài hay. Để có được tư duy hạy bén, người viết cũng không thể tự tin vào năng khiếu của mình mà thành công được. Người yêu nghề phải thường xuyên học hỏi trau luyện nghề nghiệp như: đọc nhiều (mỗi ngày ít nhất hai tờ báo), nghe, xem đi thực tế cơ sở…để tư duy nảy ra đề tài mới. Và để có đề tài hay, trong não người viết báo, không lúc nào ngừng nghĩ trong việc chọn lựa đề tài.

Có đề tài rồi, người viết phải đến tận nơi có con người, sự việc. Việc nầy cũng rất vất vả, lắm lúc người viết phải vượt hàng chục, hàng trăm cây số trên “con đường đau khổ nhiều tập”, không chỉ có đi xe động cơ, mà lắm khi phải vượt đèo, leo núi, xắn quần lội suối, vượt qua sình lầy, nước lũ và cả nơi có bom đạn chiến tranh…để đến với đề tài mình chọn.

Đến nơi, nào phải người viết tìm được ngay người mình cần để làm một cuộc phỏng vấn, chụp ảnh chớp nhoáng rồi ra về, mà lắm khi còn phải chờ đối tượng đang bận họp hoặc đi thăm người thân ở phương xa về. Sự chờ đợi nầy nào phải ngắn, nhiều khi người viết dự bị đi công tác một ngày, đã phải ở nán lại đôi ba ngày, chờ gặp bằng được “đối tượng” và khi đã gặp được rồi, lại được giới thiệu đến gặp đối tượng khác biết rõ sự việc hơn. Người viết lại phải đi và lại phải chờ… và để xác định sự việc, nhà báo không chỉ phỏng vấn một mà phải nhiều người… nhất khi chọn đề tài viết phóng sự, nhà báo không chỉ đến một nới mà phải đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, ghi nhiều hình ảnh. Và để có một tác phẩm báo chí sinh động, lắm lúc nhà báo còn phải nhập thân vào những nơi hiểm nguy để có thông tin, tư liệu như: nhập thân vào đường dây mua bán ma túy, đào đãi vàng, đóng vai người chạy xe ôm…

Đi cơ sở vất vả như vậy, nhưng với những người yêu nghề, không ngại khó khăn. Đến cơ sở họ không chỉ thu thập tư liệu cho đề tài đã chọn trước mà trong quá trình phỏng vấn, họ nhạy bén phát hiện nắm bắt thêm nhiều sự việc, lại đi nữa, chờ nữa… mang về cho tòa soạn nhiều tin bài mới, phong phú, hấp dẫn mà chính ban biên tập cũng không ngờ, chưa nghĩ ra trước được.

Đi, nắm bắt, ghi nhận rồi, công việc tiếp theo của người viết cũng không mấy dễ dàng trong xử lý một nguồn tư liệu ngồn ngồn vừa gom nhặt được để thể hiện bài viết. Vì mặc dù chủ động trước khâu phỏng vấn lấy tư liệu, nhưng thật ra, người được phỏng vấn thường cung cấp thông tin không theo bố cục người viết dự định, họ nhớ đâu nói đó và người phỏng vấn phải nhanh tay ghi (hoặc ghi âm) không bỏ sót thông tin để khi về xử lý, sắp xếp lại. Cái khó của người viết bài lúc nầy, không thể cầm viết hay lên bàn phím vi tính là viết được ngay hoặc viết theo thói quen. Với những người cẩn trọng, thường động não nghĩ cách thể hiện như thế nào, để bài viết thuyết phục được người đọc, người xem và mang lại hiệu quả cao.

Vì vậy, có tư liệu rồi, người viết vẫn phải cắn bút nghĩ suy nên đặt tít tựa, cha pô như thế nào để thu hút ngay được người đọc, bắt người đọc phải tò mò đọc ngay bài của mình. Nhưng đọc hết bài, vẫn chưa đủ, người viết còn phải suy nghĩ thể hiện bút pháp ra sao để người đọc, đọc xong còn phải “bận tậm” về vấn đề, sự  việc mình nêu ra.

Để bài viết đạt được yêu cầu trên, trong quá trình viết, người viết không ngừng động não. Viết rồi chưa thấy đã, sửa lại. Bài viết chưa vừa ý, giấc ngủ chập chờn, nhiều đêm hôm khuya khoắc nảy ra ý mới, ngồi bật dậy, sửa lại bài, viết bổ sung.

Nhà báo, nào chỉ sửa tới sửa lui ở tin bài mình viết mà còn phải “o” ảnh minh họa, ảnh tin. Đi cơ sở về, xem ảnh thấy không đạt, hay về nhà lại nghĩ ra thêm một góc chụp khác, nôi dung khác hay hơn, nhà báo yêu nghề không an tâm để tin bài của mình thiếu ảnh “độc”, lại xách xe vượt hàng trăm cây số “đường gian khổ” để ghi lại ảnh cho tin, bài thêm phần sinh động.

Để có bài báo hay, tác dụng tốt, người làm báo phải rất cam go, vất vả. Nhưng người viết bài sẽ quên đi hết nhọc nhằn khi “công trình kiến trúc của mình hoàn chỉnh tráng lệ được công chúng khen ngợi, tán đồng, dù tiền nhuận bút sau đó ít ỏi, nhà báo vẫn vui với thành quả của mình.

LƯ THẾ NHÃ