Trồng dưa hấu Tết lãi 150 triệu đồng/ha

Tết năm nay, ông Phan Văn Nào, cư ngụ tại ấp II, xã Thạnh Lộc, Cai Lậy trúng đậm vụ dưa hấu. Với 4 công đất trồng dưa hấu (4.000 m2), gia đình ông thu hoạch được trên 12,5 tấn dưa thương phẩm, tính ra, bình quân năng suất đạt 3 tấn/công đất (tương đương 30 tấn/ha). Trúng mùa lại trúng giá, thương lái thu mua tại ruộng giá 6.500 đ/kg dưa loại I, sau khi trừ chi phí ông còn lãi trên 60 triệu đồng (tương đương lãi 150 triệu đồng/ha).

Thu hoạch dưa ở Thạnh Lộc

Trong các năm qua, ông Phan Văn Nào không chỉ nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi mà còn được biết tiếng là “triệu phú dưa hấu Tết”. Hầu như Tết năm nào ông cũng trúng dưa hấu. Nhờ cây trồng này mà mấy năm nay đời sống gia đình ông lên hương, có của ăn, của để, dựng nên cơ ngơi vững vàng.

Ông Phan Văn Nào kể : Gia đình canh tác 1,5 ha (15 công đất) ruộng. Diện tích đất này nằm ven Đồng Tháp Mười, trước kia từng nhiễm phèn, canh tác khó khăn. Hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phá thế độc canh cây lúa, đồng thời nhận thấy lợi ích thực tế, ông Nào quyết tâm đưa cây màu xuống chân ruộng theo mô hình canh tác lúa + màu - bởi mô hình này tỏ ra có nhiều ưu điểm: lợi nhuận thường là cao hơn trồng lúa, tạo hệ sinh thái bền vững, tái tạo độ phì nhiêu cho đất canh tác… và cây màu ông chọn đưa xuống chân ruộng là dưa hấu.

Để đạt kết quả, ông học tập kinh nghiệm của những nông dân đi trước, đồng thời tranh thủ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Dưa hấu là cây trồng khó tính, đòi hỏi công chăm sóc và phải thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng ven Đồng Tháp Mười. Trên phần đất nhà, mỗi vụ ông chỉ chọn trồng chừng 4.000 m2 mà thôi. Vụ sau, phần đất đã trồng dưa ban xuống trồng lúa năng suất cao và chọn phần ruộng khác để trồng tiếp vụ dưa mới. Cứ thế, luân vụ hết dưa đến lúa và qua hết vụ lúa lại quay sang trồng dưa. Cách làm này hiệu quả lớn, bởi lẽ không thể trồng liên tiếp nhiều vụ dưa trên một thửa ruộng, dưa sẽ chậm phát triển, dễ bị sâu bệnh tấn công và chi phí cao nhưng hiệu quả rất kém, thậm chí lỗ lã nữa. Ông Phan Văn Nào cho biết, tùy theo nông dân nhưng cách thâm canh của ông mang lại hiệu quả thực tế: năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, nghiên cứu chọn giống dưa phù hợp, năng suất, sản lượng cao và chất lượng tốt là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo hiệu quả cây dưa hấu trồng trên chân ruộng. Tết Nguyên đán Tân Mão, dưa hấu Hắc Mỹ Nhân của ông Phan Văn Nào bán đắt như tôm tươi.

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, mô hình luân canh lúa + dưa hấu của ông Phan Văn Nào là mô hình tốt tại những địa bàn thuần nông của địa phương đang được nhân rộng, nhất là đối với khu vực các xã Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc nằm ven Đồng Tháp Mười. Trong vụ dưa hấu Tết Tân Mão, các xã trên trồng được gần 500 ha dưa hấu, trở thành vựa dưa hấu lớn nhất tỉnh Tiền Giang cung ứng thị trường không dưới 15.000 tấn dưa hàng hóa. Trúng mùa lại trúng giá nên năm nay những hộ dân trồng dưa đều ăn Tết lớn. Bà con đang học sự nhạy bén của ông Phan Văn Nào và tích cực chuyển dịch từ trồng lúa độc canh sang trồng dưa hấu, trồng màu trên chân ruộng để làm giàu.