Tiền Giang tập trung dập dịch chổi rồng trên nhãn.

      (THTG) Hiện nay, dịch chổi rồng đang gây hại nặng nề các vườn nhãn trong tỉnh Tiền Giang. Điều đáng ngại nhất là mức độ thiệt hại rất nặng và hiện bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan ra diện rộng. Trước tình hình này, tỉnh Tiền Giang đã công bố dịch chổi rồng trên nhãn ở hai huyện Cái Bè và Cai Lậy, đồng thời triển khai nhiều biện pháp dập dịch khẩn cấp.

      Bệnh chổi rồng bộc phát dữ dội từ tháng 3/2011, và đến nay đã gây hại 4.165 hecta trên tổng số 8.600 hecta nhãn của toàn tỉnh. Trong đó có 1.390 hecta bị nhiễm bệnh nặng, nhà vườn thất thu 100%. Diện tích còn lại bị nhiễm bệnh ở mức trung bình và nhẹ, sản lượng ước thiệt hại từ 50 đến 70%. Huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy có diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng nhiều nhất, gần 2.800 hecta. Hiện nhà vườn trồng nhãn rất lo ngại vì chưa lúc nào dịch bệnh trên nhãn lại diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặc biệt, bà con phun rất nhiều loại thuốc vẫn không trị được bệnh. Vừa thất thu, vừa tốn tiền phun xịt thuốc.

      Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nhện lông nhung là tác nhân truyền bệnh chổi rồng, làm lây lan nguồn bệnh từ cây nhãn này sang cây nhãn khác, từ vườn nhãn này sang vườn nhãn khác. Chính vì vậy, muốn phòng trị bệnh chổi rồng, nhà vườn cần phun thuốc trừ nhện lông nhung. Tuy nhiên, hiện trên thị trường chưa có thuốc đặc trị nhện lông nhung hiệu quả. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà vườn phun thuốc nhiều lần mà hiệu quả phòng trị bệnh không cao.

      Trong sản xuất thực tế, bệnh chổi rồng có thể quản lý và phòng trị triệt để nếu như bà con áp dụng quy trình phòng trị bệnh tổng hợp. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nhà vườn thực hiện quy trình phòng trị bệnh chổi rồng tổng hợp như sau: cắt bỏ toàn bộ các cành bị bệnh và đem đốt, bón phân cho cây cần bón cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ sẽ làm giảm tỷ lệ nhện gây hại, xử lý cho cây ra hoa đồng loạt để hạn chế bệnh. Tiến hành phun thuốc trừ nhện lông nhung. Nên luân phiên các loại thuốc có gốc thuốc khác nhau để tránh tính kháng thuốc của nhện. Không nên nhân giống từ cây bị bệnh chổi rồng. Đặc biệt, nhà vườn trồng nhãn cần liên kết với nhau ra quân phun thuốc đồng loạt trên diện rộng thì mới có thể trị được bệnh và cắt đứt mầm bệnh.

       Để góp phần hỗ trợ người trồng nhãn có diện tích bị bệnh chổi rồng, UBND tỉnh TG quyết định hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật chống dịch, tổ chức nông dân thực hiện đồng loạt các biện pháp được khuyến cáo. Đồng thời, yêu cầu nhà vườn trồng nhãn trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia dập dịch chổi rồng trong thời gian ngắn nhất, nhằm nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.