Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược “Xuân về mã đáo thành công”

Ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội là 3 nội dung đã được cả nước quán triệt sâu sắc và thực hiện xuyên suốt trong 3 năm 2011-2013. Hệ lụy tất yếu của giải pháp này là làm chậm tốc độ phát triển, kéo giảm hàng loạt chỉ tiêu kinh tế – xã hội khác và giảm bớt mục tiêu phát triển như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng.

Nỗ lực vươn tới điểm đến

Một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện chủ trương trên là tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công, tín dụng và doanh nghiệp Nhà nước là 3 khâu cốt lõi. Yêu cầu đặt ra rất đúng hướng và phù hợp thực tế của nền kinh tế, nhưng cần phải tránh loại hình tái cơ cấu cơ học, bất hợp lý trong cân đối ngân sách, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau để nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát đê biển Gò Công. Ảnh: Nguyên Chương
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát đê biển Gò Công. Ảnh: Nguyên Chương

Triển khai các biện pháp kiềm chế tăng trưởng, đồng thời với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang, dự kiến các mục tiêu đề ra đến năm 2015 cơ bản đạt kết quả khả quan. Một số chỉ tiêu có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ khoảng 10%, thu nhập bình quân đầu người 2.100 USD/năm, chính trị ổn định, an ninh – quốc phòng được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm.

Bức tranh kinh tế – xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2013 có nhiều gam màu sáng với thị trường tài chính đi dần vào ổn định, doanh nghiệp từng bước tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng khá hơn so với trước.

Nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững; chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ rệt. Các ngành, địa phương đã làm tốt các chính sách an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%; từng bước đáp ứng yêu cầu về đào tạo lao động phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang hơn.

Song song đó, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gắn với đầu tư các công trình hạ tầng y tế, giáo dục và các dự án dân sinh khác. Những thành tựu đó xuất phát từ việc đổi mới nhận thức về chiến lược phát triển, sự đoàn kết của toàn dân, toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp liên ngành và vùng kinh tế.

 

Bên cạnh những mặt tích  cực, cần phải tiếp tục tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế, nhất là về quy mô và tỷ lệ cơ cấu 3 khu vực sản xuất chưa cân đối; nợ ngân hàng và thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp vẫn là gánh nặng trên vai doanh nghiệp; cải cách hành chính đạt được bước khởi đầu, nhưng chưa phủ kín mọi vấn đề của xã hội; quản lý, điều hành của hệ thống chính trị chưa phát huy đúng năng lực và an sinh xã hội chưa được phối hợp giải quyết một cách cơ bản.

Đường hoa Hùng Vương. Ảnh: Hồng Thái
Đường hoa Hùng Vương. Ảnh: Hồng Thái

Những hoạt động quản lý kinh tế – xã hội có thể đánh giá thông qua phân tích hiệu quả thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cải cách thể chế. Đây được xem là 3 mũi tiến công mang tính quyết định chống sự suy giảm của nền kinh tế hiện nay.

Nguồn nhân lực – nền tảng của sự thành công

Trước hết là phát triển nguồn nhân lực, nhân tố quyết định mọi sự thành bại, lực lượng khởi thảo chính sách, thực hiện chính sách và hưởng thụ hoặc chịu hệ lụy của chính sách. Qua các phân tích vừa tổng thể vừa đi sâu vào các mặt cụ thể, có thể đánh giá đội ngũ cán bộ của tỉnh vững vàng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thể hiện rõ nét ý chí và tinh thần phấn đấu vì sự nghiệp chung; chuyên môn nghiệp vụ được trang bị đúng tiêu chuẩn chức danh.

Tuy nhiên, tính chủ động, linh hoạt xử lý những phát sinh trong thực tế còn ở mức độ; nội hàm này tác động đến gia tốc phát triển so với môi trường kinh tế, xã hội của cả nước và khu vực trong suốt nhiều năm qua. Từ thực trạng đó cho thấy, công tác cán bộ là vấn đề cấp bách hiện nay; xác định tư duy chính trị, tính năng động, sáng tạo, kỹ năng chuyên môn và phong cách là 4 mặt của một thể thống nhất đối với một cán bộ trong thời kỳ chuyển mình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Sự chủ động, quyết đoán, đổi mới của cán bộ thường được hun đúc bởi môi trường hoạt động, có cơ chế vận hành hợp lý, chế độ khen thưởng, xử lý rõ ràng và xu thế hội nhập tốt. Kiến thức nghề nghiệp được trang bị cho cán bộ suốt cả quá trình đào tạo nền tảng lẫn bồi dưỡng chuyên môn, trong một môi trường giáo dục mà hiện cần sửa đổi một cách toàn diện và cơ bản, chuyển từ học chủ yếu để biết sang chủ yếu để hành động, văn bằng cung cấp cho nguồn nhân lực không phải chỉ có mà phải đủ để làm việc.

Riêng nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động, chúng ta vẫn còn loay hoay trong bẫy thu nhập thấp ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp. Tình trạng này xuất phát từ công tác dự báo lao động, mạng lưới trường lớp dàn trải đến mỗi ngành và từng đơn vị huyện (tương đương), trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật, chương trình đào tạo giảng dạy còn một khoảng cách so với yêu cầu chất lượng lẫn số lượng.

Hình thái tư tưởng chi phối mọi ứng xử trong quan niệm nhân sinh; tư tưởng thể hiện qua phát ngôn, ngôn từ dẫn đến hành động, lặp lại nhiều lần biến thành tập quán hình thành nên nhân cách; nhân cách đúc kết nên cái gọi là định mệnh con người.

Nền tảng tư tưởng chính thống hiện đang bị xâm thực bởi nhiều quan điểm lệch lạc như: Hoài nghi con đường chúng ta đang đi, hướng về hưởng thụ vật chất, mơ tưởng một xã hội dân sự xa rời định chế tập trung dân chủ,… Những tảng băng chìm nổi này làm đông cứng tư duy của một bộ phận cán bộ, gây mất niềm tin của một bộ phận nhân dân.

Được mùa. Ảnh: Nhất An
Được mùa. Ảnh: Nhất An

Phong cách hành xử biểu hiện tư duy chính trị của đội ngũ lao động, hiện đang được tập trung đẩy mạnh thông qua các chương trình đổi mới về công tác dân vận, chú trọng đào tạo nhân cách trong giáo dục, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhất là chuyển quá trình học tập này từ phong trào sang học đường, từ tiêu chuẩn định tính sang kết hợp với định lượng.

Trong năm 2013, Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, xây dựng tiêu chuẩn chức danh và phát huy tính năng động của cán bộ.

Đầu tư hạ tầng – đòn bẩy tăng trưởng

Đồng thời với yếu tố con người, hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội là đòn bẩy cho cả chiều dài tăng trưởng, thúc đẩy quá trình bố trí dân cư và phân bổ lực lượng sản xuất. Mỹ Tho, Gò Công xưa, một thời phát triển có phần dựa vào lợi thế tự nhiên; khu vực Bắc Sông Tiền dài 132 km, cửa ngõ của vùng châu thổ Mê Kông với trục Quốc lộ 1, kinh Chợ Gạo trở thành độc đạo vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiếp giáp Bến Tre, Vĩnh Long, vùng Đồng Tháp Mười, Long An, TP. Hồ Chí Minh và hướng ra Biển Đông với bờ biển trên 32km.

Vị trí địa lý này tất yếu biến vùng đất Mỹ Tho, Gò Công thành cái nôi của xã hội phương Nam, từ hai thời kỳ kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm đến phát triển kinh tế – xã hội, từ văn hóa – nghệ thuật đến nền văn minh lúa nước Nam bộ.

Tiền Giang hôm nay trong xu thế hội nhập đa chiều, chúng ta đã nhất quán quan điểm chuyển từ lợi thế sử dụng hạ tầng địa lý tự nhiên sang nỗ lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật – xã hội, nối liền các khu, cụm dân cư, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các cánh đồng chuyên canh, phục vụ mọi sinh hoạt của nhân dân và nhu cầu sản xuất – kinh doanh.

Để đảm bảo thực hiện danh mục các công trình hạ tầng kinh tế đã xác định và triển khai trong giai đoạn suy thoái hiện nay, nhiều chủ trương quan trọng được chỉ đạo xuyên suốt như:

Cơ cấu lại đầu tư công, cải cách môi trường đầu tư, xã hội hóa đầu tư hạ tầng theo các hình thức hợp tác, thu phí, tăng cường kiểm tra giám sát, tránh thất thoát, lãng phí; phối hợp đẩy nhanh các công trình hạ tầng sử dụng nguồn vốn Chính phủ, trước mắt tập trung những công trình giao thông bộ nối liền vùng kinh tế phía Đông và địa bàn Long An, TP. Hồ Chí Minh;

Công trình giao thông thủy mở rộng lưu lượng vận tải hàng hóa trục Bắc – Nam, các cầu giải quyết ùn tắc giao thông và tuyến tránh qua thị trấn khu vực phía Tây; tập trung xây dựng các công trình hạ tầng đô thị và phát triển nông thôn mới, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, an sinh xã hội,…

Cải cách thể chế – cơ sở quyết định quá trình phát triển

Trước hết, cần phải khai thông một số vấn đề về lý luận như những chặng đường tất yếu của cách mạng nước ta, định chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phân chia và tập trung quyền lực, cơ chế tập trung dân chủ,… nhằm củng cố nền tảng tư tưởng, làm điểm tựa vững chắc cho ổn định chính trị, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Thứ hai là độ hữu dụng của các văn bản pháp quy, mọi chính sách phải xuất phát và luôn được điều chỉnh phù hợp với thực tế sinh động. Không nên quá sa đà trong thiết chế các quy định quản lý mới lạ mà quên đi những quy luật vốn có của thị trường, không thể hội nhập quốc tế chỉ với những bản sắc truyền thống và lòng tự tôn dân tộc.

TP. Mỹ Tho bên dòng sông Tiền. Ảnh: Cao lập Đức
TP. Mỹ Tho bên dòng sông Tiền. Ảnh: Cao lập Đức

Cải cách thể chế đối với phạm vi cấp tỉnh có độ phủ thích hợp, trong khuôn khổ pháp luật chung cả nước, cần tính đến những đặc thù của địa phương. Theo đó, hai nội dung đang được chỉ đạo thực hiện khẩn trương là cải cách thủ tục hành chính và tinh gọn bộ máy.

Lành mạnh hóa môi trường đầu tư nhất thiết phải lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giá chuyển dịch bất động sản, bồi thường giải phóng mặt bằng tương xứng và ổn định; công khai quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư; xác định cơ quan Nhà nước làm đầu mối giải quyết chủ trương đầu tư; các quy trình một cửa, thủ tục đơn giản, cấp phép đất đai, xây dựng, nộp ngân sách,…

Các thủ tục liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân phải thật nhanh gọn, đó cũng là quyết sách hợp lòng dân.

Điều chỉnh cơ chế quản lý phải đồng bộ, hợp lý hóa cơ cấu bộ máy quản lý. Một chức năng do một đơn vị tham mưu hoặc điều hành, xác lập các mối quan hệ hữu cơ, hỗ trợ nhưng không phân tán, chia cắt. Tỉnh ủy đã đề ra những khu vực quản lý Nhà nước cần sắp xếp lại như: Quản lý sản xuất công nghiệp, quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; đề xuất Trung ương điều chỉnh cơ cấu cũng như quy chế hoạt động các cơ sở Đảng.

Chúng ta đang đứng ở thời điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng, với những khó khăn chồng chất của cơn khủng hoảng rồi suy thoái kinh tế; trước những thời cơ và thách thức cùng những dấu hiệu ban đầu thể hiện sự phục hồi tăng trưởng; đứng giữa không khí giao mùa kết thúc năm Quý Tỵ chuyển sang năm Giáp Ngọ và ước mơ mã đáo thành công.

Toàn thể Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vượt qua mọi trở lực, thực hiện thành công 3 mũi đột phá chiến lược để hoàn thành các mục tiêu mà mọi người đang kỳ vọng.

Xin chúc nhân dân tỉnh nhà và toàn hệ thống chính trị đón một mùa xuân an khang – thịnh vượng.

Kẻ sĩ ngày xưa

Ngày trở về cờ xe võng lộng
Chúc mừng nhau mã đáo thành công
Xênh xang áo gấm người đưa rước
Chén rượu vinh quy nhuộm pháo hồng

Truân chuyên món nợ đường kinh sử
Ân nghĩa vơi đầy chuyện núi sông
Trung hiếu nguyện làm thân khuyển mã
Nổi chìm theo vận nước hưng vong

Cơ đồ gặp buổi nước nhà tan
Xếp bút gương soi nguyện đá vàng
Phi mã đạp ngàn cơn sóng dữ
Vung gươm quét sạch lũ hung tàn

Vó ngựa phong trần mặc thế nhân
Trọn đời xã tắc vẹn lòng dân
Lợi danh nào vướng chân hàn sĩ
Nặng gánh cương thường dễ lụy thân

Giấc mộng quan trường tựa bóng câu
Bạc đầu quân tử một đêm thâu
Điền viên chợt đón mùa xuân muộn
Khanh tướng công hầu hạnh phúc đâu!

TS. TRẦN THẾ NGỌC

 Nguồn: TS. TRẦN THẾ NGỌC Ùy viên BCH TW Đảng – Bí thư Tỉnh ủy