Nhãn “Thạch Kiệt” được trồng ở Cái Bè

         Gần đây, một số nhà vườn ở huyện Cái Bè trồng giống nhãn mới có tên “Thạch Kiệt” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống như các giống nhãn khác, Nhãn “Thạch Kiệt” trồng khoảng 18 tháng cho trái. Tuy nhiên, so với giống nhãn tiêu da bò, nhãn “Thạch Kiệt” có nhiều điểm khác biệt như: cơm dầy, hạt nhỏ, trái sai, mỗi chùm trái có trọng lượng trên 1kg, thậm chí lên đến 2,5kg. Khi đủ độ chín, trái nhãn “Thạch Kiệt” hao hao giống trái nhãn I-đo, nhưng mã đẹp hơn. Cơm nhãn đạt độ dày 5 mm, ráo, giòn, ngọt hơn nhãn I-đo. Nét đặc trưng của nhãn “Thạch Kiệt” là cây nhãn tự tạo tán với sinh khối lớn, lá ngắn, chùm nhãn to, số trái trên chùm rất sai, trái phân bố đều trên chùm và đều nhau về kích cỡ, năng suất đạt trên 2 tấn/công.

Ông Mai Văn Trắng bên vườn nhãn “Thạch Kiệt”.

Ông Mai Văn Trắng (ở ấp 2, xã An Hữu) là người đầu tiên đưa cây nhãn “Thạch Kiệt” về trồng trên địa bàn xã. Hiện ông trồng 70 gốc nhãn Thạch Kiệt trong khu vườn hơn 3.000 m2. Ông Trắng cho biết, năm 2007, có dịp đến thăm người quen ở Đồng Nai ông thấy cây nhãn lạ, trái sai, chùm to, lá nhỏ, rất xanh tốt nên mua về trồng xen với nhãn tiêu da bò. Khi nhãn được chăm sóc kỹ, cây phát triển rất nhanh. Nhờ ưu điểm kích cỡ đồng đều, vỏ dày, cơm ráo, giòn, có mùi đặc trưng lại có thể vận chuyển đi xa nên giá nhãn “Thạch Kiệt” khá cao, trên 20.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng giá lên 30.000 đồng/kg. Hiện lượng nhãn ít, thương lái chủ yếu đóng thùng xuất khẩu tươi. Hiện tại, nông dân huyện Cái Bè trồng được hơn 40 ha nhãn “Thạch Kiệt”, tập trung ở các xã: An Hữu, Tân Thanh, Tân Hưng và Hòa Khánh.