Nhân dân Tiền Giang đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến cuối thế kỷ XIX

1. Hoàn cảnh lịch sử

Định Tường là một tỉnh nằm ở “cửa ngỏ” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lại là nơi tập trung dân cư đông đúc và giàu tài nguyên, cho nên thực dân Pháp sau khi hạ đại đồn Chí Hòa ở Gia Định (2/1861) đã tính đến việc tiến đánh Định Tường, mà mục tiêu đầu tiên là thành Mỹ Tho.

Ngày 17/3/1861, tàu chiến Pháp đánh chiếm Vũng Gù (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An) và cửa Tiểu (Gò Công) nhằm thực hiện kế hoạch tấn công thành Mỹ Tho từ hai hướng: Hướng thứ nhất, theo đường kênh Bảo Định xuống; hướng thứ hai, theo đường sông Tiền, từ cửa Tiểu lên.

Sáng ngày 12/4/1861, tàu chiến Pháp tập kết trên sông Mỹ Tho và nã đạn pháo công phá tỉnh thành. Quân triều đình dưới sự chỉ huy của quan Hộ đốc Nguyễn Công Nhàn dùng súng thần công bắn trả, nhưng không thành công và thành Mỹ Tho lọt vào tay Pháp một cách nhanh chóng. Tiếp theo, ngày 14/4/1861, quân Pháp đánh chiếm Gò Công.

2. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược

Thời kì 1861 – 1894

Mặc dù thực dân Pháp chiếm được tỉnh thành, nhưng không bình định nổi vùng nông thôn. Phong trào vũ trang đánh Pháp đã bùng lên vô cùng mạnh mẽ ở Tiền Giang và thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, như nông dân, trí thức, quan lại, phú hào,… Các phong trào ứng nghĩa nổ ra liên tục ở khắp nơi và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trần Xuân Hòa, Tứ Kiệt,… Vì vậy, Tiền Giang được xem là địa phương có phong trào kháng chiến mạnh nhất ở Nam Kỳ trong nửa sau thế kỷ XIX.

Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu đàn áp từng cuộc khởi nghĩa. Các thủ lĩnh nghĩa quân lần lượt bị địch sát hại, kéo theo là sự tan rã của các trung tâm kháng chiến. Tuy nhiên, điều đó đã không làm nhân dân Tiền Giang nhụt chí, mà ngược lại, các cuộc vận động chống Pháp lại bùng lên sôi nổi vào các năm 1883, 1890, 1893 mà nổi bật nhất là cuộc vận động Cần vương diễn ra trong năm 1894. Nhưng cuối cùng, các cuộc vận động đó đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.

Thời kỳ 1894 – 1927

Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã thiết lập được nền thống trị ở Tiền Giang. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ở đây vẫn tiếp tục phát triển.

Trong những năm 1905 – 1908, nhân dân tích cực tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh; đặc biệt, phong trào Minh Tân của Trần Chánh Chiếu phát triển rất mạnh ở Mỹ Tho.

Trong những năm 1915 – 1924, xuất hiện phong trào Hội kín “Thiên địa hội” ở Mỹ Tho, phong trào Hội Thánh ở Gò Công. Năm 1925, phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh (Thanh niên Cao vọng Đảng) có cơ sở ở nhiều nơi trong tỉnh.

Cũng trong năm này, nhân dân Tiền Giang tiến hành cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, trong toàn tỉnh đã dấy lên phong trào để tang và biểu tình truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh.

3. Kết quả và ý nghĩa

Tuy nổ ra sôi nổi, nhưng các cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Giang trong thời kỳ này đều bị dập tắt bởi sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Mặc dù vậy, nó phản ánh lòng yêu nước, ý chí quật khởi của nhân dân Tiền Giang, tạo đà vững chắc cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh nhà trong những thập niên tiếp theo.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn