Nhân dân Tiền Giang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Tiền Giang là một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; là một bộ phận không thể tách rời cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long. Trong suốt 21 năm chống đế quốc Mỹ, chiến trường Tiền Giang là nơi diễn ra cuộc “Đấu trí, đấu lực” giằng co, quyết liệt giữa ta và địch.

Con đường dẫn đến thắng lợi không chỉ có thuận buồm xuôi gió, không chỉ có chiến thắng mà còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, phải chịu đựng biết bao đau thương, mất mát. Song, nhờ nắm vững đường lối của Đảng, tin tưởng và dựa vào quần chúng, Đảng bộ cùng với quân dân Tiền Giang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tự vệ, tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công tiêu diệt làm tan rã sinh lực địch, nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược là đánh bại âm mưu, biện pháp bình định của địch trong giai đoạn chiến tranh để giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Đó là một quá trình tiến công liên tục, đánh bại địch từng bước, giành thắng lợi từng phần và tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tiếp theo phần 1 trong chuyên đề: Nhân dân Tiền Giang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1954 – 1975), xin mời quý độc giả theo dõi phần cuối chuyên đề, giai đoạn 1965-1975.

Giữ vững và phát triển thế tiến công, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965 – 1968).

Tháng 3/1965, do bị thất bại nặng nề trong “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Đây là đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ, là giai đoạn cực kỳ gian khổ, ác liệt. Quân và dân ta phải trực tiếp đương đầu với đội quân viễn chinh Mỹ – một đội quân hùng mạnh chưa từng thua trận trong các cuộc chiến tranh trước đó, và cũng là giai đoạn mà sức mạnh của cả nước Mỹ được huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược đến mức cao nhất.

Từ tháng 4 đến tháng 7/1965, quản đội Mỹ chưa trực tiếp tham chiến ở Mỹ Tho nhưng Mỹ tăng cường trang thiết bị, phương tiện chiến tranh hiện đại; tăng cường cố vấn Mỹ cho các cấp từ tỉnh đến cơ sở và đến từng trung đội bộ binh. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa Sư đoàn 7, các đại đội bảo an, biệt kích mở nhiều cuộc hành quân càn quét dọc theo Lộ 4, vùng 20/7, Kênh Nguyễn Văn Tiếp, vùng Hậu Mỹ, huyện Cái Bè bằng bom, pháo với mức độ ác liệt. Ngày 6/4/1965, chính quyền Sài Gòn chia Gò Công thành 4 quận: Hòa Tân, Hòa Lạc, Hòa Đồng, Hòa Bình và thực hiện việc củng cố, tổ chức lại bộ máy hành chính, quân sự ở các cấp. Quân đội Sài Gòn điều cả Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7 về Gò Công. Dã man hơn, chúng mở nhiều cuộc càn quét, cho máy bay B52 ném bom và rải chất độc hóa học xuống nhiều vùng rừng ven biển Gò Công hòng phá hủy căn cứ, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn Gò Công. Cùng với hoạt động quân sự, Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn đẩy mạnh bình định bằng chiến tranh tâm lý, kéo dân vào vùng chúng kiểm soát, cách ly nhân dân với cách mạng hòng làm suy yếu lực lượng ta.

Cùng với việc triển khai các chiến lược chiến tranh, đế quốc Mỹ đồng thời thực hiện nhiều hình thức, chiến thuật tân kỳ hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam. Mỹ xây dựng ở Mỹ Tho một căn cứ quân sự có quy mô lớn mang tên là Đồng Tâm với nghĩa là “đồng tâm diệt cộng”. Trên chiến trường sông nước tỉnh Mỹ Tho, Mỹ xây dựng lực lượng đặc nhiệm thủy – bộ trên sông mà thành phần nòng cốt là lực lượng Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ – đây là lực lượng tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu trên chiến trường sông nước cũng như trên bộ. Như vậy, Mỹ Tho trở thành nơi thí điểm chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” để đối phó với quân chủ lực và chiến tranh du kích. Triển khai chiến thuật mới, quân Mỹ đưa Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 tổ chức nhiều cuộc hành quân vào các xã Cẩm Sơn, Long Trung, Long Khánh (Cai Lậy), xã Bàn Long (Châu Thành), xã Tân Hưng (Cái Bè). Ỷ vào quân đông và vũ khí hiện đại, bọn chúng đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét với cường độ hỏa lực, bom đạn, phi pháo rất ác liệt, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta.

Lúc đầu, quân Mỹ và tay sai có gây tổn thất cùng nhiều khó khăn cho lực lượng cách mạng. Nhưng với ý chí quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ, quân dân Mỹ Tho – Gò Công đã luôn “Giữ vững thế chủ động tiến công, kiên quyết tiến công và liên tục tiến công”, tạo nên những thắng lợi to lớn.

Với phương châm “Bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, ta đã thành lập mặt trận vành đai diệt Mỹ ở Bình Đức nhằm tấn công địch ngay tại căn cứ Đồng Tâm, sào huyệt của bọn chúng. Phong trào “Thi đua diệt Mỹ” của quân dân vành đai phát triển rất mạnh mẽ, sôi nổi với nhiều cách đánh mưu trí và sáng tạo. Hàng nghìn lính Mỹ đã đền tội. Chỉ tính riêng trong bảy tháng đầu năm 1967, quân và dân Mỹ Tho đã tiêu diệt 2.110 lính Mỹ. Cùng với đó, chúng ta có 172 dũng sĩ diệt Mỹ. Quần chúng còn tiến hành các cuộc đấu tranh chính trị chống địch bắn pháo, ném bom, đốt nhà, phá hoại mùa màng, giết hại dân thường, hãm hiếp phụ nữ,… Vận động, thuyết phục binh lính Mỹ phản chiến.

Chiến thắng nổi bật nhất trong thời kỳ này là chiến thắng Ba Rài (Cẩm Sơn, Cai Lậy) ngày 15/9/1967. Trong ngày này, địch huy động toàn bộ Lữ đoàn 2 Mỹ với khoảng 1.500 quân, cơ động trên hàng chục tàu chiến, có pháo binh và máy bay yểm trợ, mở cuộc càn quét mang tên “Cohart” vào khu vực sông Ba Rài, nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 263 của ta. Sau một ngày kiên cường chiến đấu, Tiểu đoàn 263 đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân càn quét bằng đường sông của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 lính Mỹ, phá hủy 16 tàu các loại, bắn rơi 1 máy bay phản lực.

Trận Ba Rài được coi là trận Ấp Bắc đối với quân Mỹ ở Mỹ Tho. Nếu như chiến thắng Ấp Bắc (02/01/1963) đã đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn thì chiến thắng Ba Rài mở đầu cho sự phá sản chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ sử dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” của quân dân miền Nam.

Nhưng với bản chất ngoan cố và điên cuồng chống lại lực lượng cách mạng, quân Mỹ phối hợp với quân đội Sài Gòn tổ chức cuộc hành quân sâu vào vùng Đồng Tháp Mười hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực cách mạng, lấy lại uy thế của “Hạm đội nhỏ trên sông”. Ngày 04/12/1967, Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ phối hợp với Sư đoàn Thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn cùng các binh chủng, quân chủng sử dụng tàu chiến và xuồng thiết giáp hành quân vào vùng Tây Bắc huyện Cái Bè nhằm tiêu diệt quân chủ lực và Bộ tham mưu lãnh đạo kháng chiến của hai tỉnh Kiến Phong và Mỹ Tho.

Qua một ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 502 được sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã mưu trí, dũng cảm giáng cho quân Mỹ và tay sai một đòn chí mạng, lập nên chiến công chói lọi. Chiến thắng Rạch Ruộng bắn chìm, bắn cháy 37 tàu chiến, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm quân địch. Đây là trận đánh mà quân giải phóng tiêu diệt được nhiều sinh lực nhất, tiêu hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho trong năm 1967. Chiến thắng Rạch Ruộng đã làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ và quân đội Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Trong vòng 3 tháng (kể từ trận Ba Rài huyện Cai Lậy đến trận Rạch Ruộng huyện Cái Bè), quân giải phóng đã có biện pháp đối phó hữu hiệu làm hạn chế sức mạnh của quân Mỹ và tay sai, chứng minh hùng hồn chiến thuật tân kỳ “Hạm đội nhỏ trên sông” của quân Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Những thắng lợi trên đã tạo ra thế và lực mới để quân và dân Tiền Giang tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, góp phần đẩy nhanh quá trình phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Chiến thắng Ba Rài tuy diễn ra một ngày trong phạm vi tỉnh Mỹ Tho, nhưng là chiến thắng của một trận trực tiếp đánh quân viễn chinh Mỹ, tiêu diệt nhiều sinh lực và nhiều phương tiện chiến tranh nhất kể từ khi chúng đặt chân đến vùng đất Mỹ Tho. Đây còn là chiến thắng của một trận đột phá có tính chất quyết định trong việc đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của lực lượng hỗn hợp hải, lục quân có không quân và pháo binh yểm trợ tối đa – một chiến thuật mà quân Mỹ triển khai trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giành thắng lợi trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên địa bàn này.

Với ý nghĩa đó, bài học của chiến thắng Ba Rài rất sâu sắc. Giá trị của chiến thắng Ba Rài không chỉ vì nó vượt qua phạm vi một địa phương, giành thắng lợi trọn vẹn, có những gương chiến đấu dũng cảm, cán bộ chỉ huy tài giỏi, mà giá trị to lớn của chiến thắng Ba Rài còn ở chỗ nó mở đường đột phá trong cách thức đánh quân viễn chinh Mỹ với hình thức chiến thuật mới của quân giải phóng. Vì lẽ đó, chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 và chiến thắng Ba Rài có một “mẫu số chung”, đó là ý chí quật khởi, kiên cường của nhân dân ta quyết chiến đấu giải phóng quê hương, bất chấp mọi gian khổ hy sinh, sức sống của chiến thắng lan tỏa cả miền Nam ra cả nước, phản ánh khí thế hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với đòn tiến công quân sự, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng nông dân ở vùng nông thôn nổi dậy đấu tranh chống ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ; vùng giải phóng ngày càng mở rộng, ở thành thị, công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động, trí thức yêu nước, tiến bộ đã dấy lên cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đòi Mỹ rút quân về nước, đòi tự do, dân chủ,… đẩy quân Mỹ lún sâu vào thế bị động về chiến lược.

Trên đà thắng lợi về nhiều mặt trong năm 1967, quân dân Mỹ Tho – Gò Công bước vào cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) với khí thế dâng cao chưa từng thấy.

Hòa với tiếng súng của quân dân miền Nam, đúng 0 giờ ngày 01/02/1968, quân dân Mỹ Tho – Gò Công đồng loạt tiến công địch trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào các ấp chiến lược, căn cứ quân sự, thị trấn và thị xã, mà trọng điểm là thành phố Mỹ Tho.

Ở Mỹ Tho, bị đánh bất ngờ, địch choáng váng và chịu nhiều tổn thất. Ngày 03/02/ 1968, bọn chúng mới kịp hoàn hồn, tung toàn bộ Sư đoàn 9 Mỹ và Sư đoàn 7 của quân đội Sài Gòn phản kích dữ dội. Địch đã sử dụng pháo và máy bay ném bom, kể cả bom napan nhằm hủy diệt thành phố, đẩy lực lượng của ta ra các xã ven. Tuy nhiên, bộ đội và du kích vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng các lõm chiến đấu, tiếp tục đánh địch.

Sau đó, quân dân ta còn mở liên tiếp hai đợt tiến công và nổi dậy vào tháng 5 và tháng 9, gây cho địch những thiệt hại nặng nề, nhưng lực lượng của ta cũng bị suy giảm nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân Mỹ Tho – Gò Công đã góp phần quan trọng trong việc làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc bọn chúng phải tuyên bố “Phi Mỹ hóa” chiến tranh, thừa nhận sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chịu đến hội nghị Pa-ri để bàn việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam.

Góp phân đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn (1969 – 1975)

Với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, đầu năm 1969, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam. Tại Mỹ Tho – Gò Công, ngoài Sư đoàn 9 Mỹ và Sư đoàn 7 cùa quân đội Sài Gòn, địch đã đưa về đây một số đơn vị của Sư đoàn 9. Đồng thời, bọn chúng còn ra sức đôn quân và bắt lính.

Tổng số quân đội Sài Gòn ở trong tỉnh lên đến 26.000 tên lính chủ lực, trong đó có 10.000 lính Mỹ và hàng chục tên phòng vệ dân sự.

Với ưu thế về lực lượng, địch xua quân càn quét khắp nơi nhằm thực hiện chương trình bình định nông thôn, nhất là vùng Gò Công, Chợ Gạo, ven thành phố Mỹ Tho và vành đai Bình Đức, sau đó, chúng triển khai ra các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè. Bọn chúng còn tăng cường bắn pháo, ném bom, rải chất độc hóa học vào những vùng xung yếu. Do đó, tính đến cuối năm 1969, bọn chúng đã đóng được 282 đồn bót, lập 113 ban tề xã trong tổng số 114 xã, 558 ban tề ấp trong tổng số 823 ấp; đặc biệt, đến đầu năm 1971, địch đã hoàn thành cơ bản việc bình định vùng Gò Công, phần lớn cơ sở cách mạng bị phá vỡ, quần chúng bị kiểm soát gắt gao.

Tuy gặp những khó khăn to lớn, nhưng quân dân ta vẫn kiên cường bám trụ, dựa vào xã, ấp chiến đấu, phát triển chiến tranh du kích, gây dựng lại tổ chức Đảng ở cơ sở, củng cố lực lượng vũ trang, quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định của địch. Đến cuối năm 1971, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.700 tên địch, đánh thiệt hại nặng 44 đồn bót, bức rút 35 đồn bót khác; huy động hơn 20.000 quần chúng đấu tranh chống địch cào nhà, gom dân, bắn phá địa hình,… Các đoàn thể cách mạng, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, xã cùng những hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng giải phóng đều có sự phát triển, nhân dân đóng góp được 147 triệu đồng vào quỹ nuôi quân.

Như vậy, chương trình bình định nông thôn của địch bước đầu đã bị phá sản. Quân dân Mỹ Tho – Gò Công chuẩn bị bước vào cuộc tiến công mới.

Đêm ngày 6 rạng ngày 07/4/1972, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược xuân hè 1972 của quân dân miền Nam, quân dân Mỹ Tho – Gò Công đã mở chiến dịch tổng hợp, đồng loạt nổ súng tiến công địch với cường độ mạnh, quy mô lớn trên hầu hết các địa bàn chiến lược quan trọng ở trong tỉnh.

Chiến dịch diễn ra qua ba đợt như sau:

Đợt 1, hai tháng 4 và 5: Ta đánh mạnh ở Cai Lậy, Cái Bè, làm thiệt hại nặng 3 trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 7 quân đội Sài Gòn, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch ở Nam – Bắc đường số 4.

Đợt 2, hai tháng 6 và 7: Ta tiêu diệt liên đoàn 41 biệt động quân địch, đánh tiêu hao các tiểu đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường, giải phóng tuyến Kênh Cũ, Kênh Nguyễn Tấn Thành (nay thuộc huyện Tân Phước) và các xã Nhị Bình, Điềm Hy (huyện Châu Thành); đồng thời, ta còn tiêu diệt hai Tiểu đoàn 402, 427 bảo an địch thuộc tiểu khu Gò Công, mở được lõm Đồng Sơn và địa bàn đứng chân ở các xã Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt, Long Hựu, Tân Thới (nay thuộc huyện Gò Công Tây).

Đợt 3, tháng 8 và đầu tháng 9: Ta tập trung đánh phá Lộ 4 trên nhiều đoạn: Đoạn từ Mỹ Thiện đến An Hữu để phát triển sang vùng Nam Cái Bè, mở ra thế liên hoàn từ Hòa Hưng xuống Hòa Khánh, phá vỡ kế hoạch bình định vùng đông dân và giàu có của địch ; đoạn từ Cai Lậy đến Trung Lương nhằm tiêu diệt các đoàn xe quân sự, gây trở ngại giao thông đối với địch và buộc chúng phải rút bớt lực lượng càn quét để về giữ lộ. Đồng thời, ta còn bẻ gãy cuộc càn cấp quân đoàn của địch mang tên “Cửu Long 4 – 1”, bảo vệ vững chắc các vùng giải phóng ở Nam – Bắc Lộ 4. Song song đó, ta đã đẩy mạnh hoạt động ở Chợ Gạo, mở được các lõm chiến đấu ở phía Tây Kênh Chợ Gạo và đưa phong trào của quần chúng lên cao.

Phối hợp với mặt trận quân sự, ở các thị xã, thị trấn, phong trào đấu tranh của quần chúng đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống đuổi nhà, chống “quân sự hóa học đường”,… ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ngày 10/9/1972, chiến dịch tổng hợp kết thúc. Ta đã tiêu diệt hơn 7.000 tên địch, bắt sống và làm tan rã đơn vị khoảng 4.000 tên, phá hủy và tịch thu nhiều phương tiện chiến tranh của địch; tiêu diệt, bứt rút, bức hàng hơn 170 đồn bót, giải phóng 19 xã, 126 ấp với khoảng 160.000 dân.

Chiến dịch tổng hợp của quân dân Mỹ Tho – Gò Công giành được thắng lợi to lớn, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng ở tỉnh nhà – nhất là ở Gò Công – tiến lên, tạo ra thế và lực mới để quân dân ta giành lại thế chủ động trên chiến trường. Bên cạnh đó, thắng lợi này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân miền Nam, giáng đòn mạnh mẽ vào chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, buộc Mỹ phải kí kết Hiệp định Pa-ri (27/01/1973).

Sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực thi hành, địch đã ngang nhiên phá hoại. Chúng huy động quân đội, triển khai chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, “Bình định áp đảo” ở Mỹ Tho và “Bình định củng cố” ở Gò Công. Trước tình hình đó, quân dân Tiền Giang đã kiên quyết giáng trả những cuộc hành quân lấn chiếm của địch và chủ động mở các cuộc tiến công vào những căn cứ quân sự của bọn chúng, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

Đến cuối năm 1973, ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 8.000 tên địch, tiêu diệt và bứt rút gần 100 đồn bót, giải phóng thêm 10 xã và 50 ấp với khoảng 50.000 dân.

Trong năm 1974, ta đánh mạnh ở nhiều nơi khiến địch phải bị động đối phó. Lực lượng của ta càng lớn mạnh, vùng giải phóng tiếp tục được mở rộng. Đến cuối năm 1974, ngoài 4 tiểu đoàn của tỉnh đã có từ trước, ta còn thành lập thêm tiểu đoàn Ấp Bắc, mỗi huyện có khoảng 3 – 5 đại đội. Vùng nông thôn của tỉnh về cơ bản đã được giải phóng với hàng trăm nghìn dân.

Trên đà tiến công, ngày 06/11/1974, ta mở chiến dịch mùa khô 1974 – 1975. Đến cuối tháng 3/1975, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Từ đây, quân dân Mỹ Tho – Gò Công cùng với quân dân miền Nam bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Ngày 9/4/1975, Tỉnh ủy phổ biến lệnh tổng công kích, kêu gọi nhân dân đồng loạt nổi dậy.

Ở hướng Mỹ Tho, sau khi làm chủ được Lộ 4, kênh Chợ Gạo và tiêu diệt hàng loạt căn cứ quân sự của địch, ta đưa lực lượng vũ trang áp sát và bao vây thị xã từ nhiều hướng. Sáng ngày 30/4/1975, lực lượng Thành Đoàn phát động quần chúng trong nội ô nổi dậy. 15 giờ 20 phút cùng ngày, Cờ cách mạng được kéo lên tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. 16 giờ, lực lượng vũ trang của ta đồng loạt tiến vào trung tâm thị xã. 19 giờ, địch ở tiểu khu Định Tường đầu hàng. Đến 24 giờ, thành phố Mỹ Tho về cơ bản đã được giải phóng.

Ở hướng Gò Công, ta đã bức rút 4 đồn, làm tê liệt 18 đồn khác, phát động hàng ngàn quần chúng tham gia công tác cách mạng. Sáng ngày 30/4/1975, sau khi tiêu diệt địch ở Thạnh Nhựt, lực lượng vũ trang của ta tiến về thị xã. Quần chúng đổ ra đường vẫy chào quân giải phóng và chiếm các cơ quan chính quyền cấp phường, xã của địch. Đến 15 giờ, ta chiếm dinh tỉnh trưởng, về cơ bản đã giải phóng thị xã Gò Công. Các huyện trong tỉnh cũng lần lượt được giải phóng trong ngày 30/4 và rạng sáng ngày 01/5/1975.

Quân dân Mỹ Tho – Gò Công đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn