Nhân dân Tiền Giang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1965)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Tiền Giang là một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; là một bộ phận không thể tách rời cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long. Trong suốt 21 năm chống đế quốc Mỹ, chiến trường Tiền Giang là nơi diễn ra cuộc “Đấu trí, đấu lực” giằng co, quyết liệt giữa ta và địch.

Con đường dẫn đến thắng lợi không chỉ có thuận buồm xuôi gió, không chỉ có chiến thắng mà còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, phải chịu đựng biết bao đau thương, mất mát. Song, nhờ nắm vững đường lối của Đảng, tin tưởng và dựa vào quần chúng, Đảng bộ cùng với quân dân Tiền Giang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tự vệ, tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công tiêu diệt làm tan rã sinh lực địch, nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược là đánh bại âm mưu, biện pháp bình định của địch trong giai đoạn chiến tranh để giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Đó là một quá trình tiến công liên tục, đánh bại địch từng bước, giành thắng lợi từng phần và tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

1. Âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ từng bước thay thế vị trí của thực dân Pháp ở miền Nam. Mỹ đã đạo diễn cho Ngô Đình Diệm bày trò bầu cử “Quốc hội” ở miền Nam, lập ra chế độ Việt Nam Cộng hòa do Diệm làm Tổng thống, một bộ máy chính trị phản động hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, nhằm ứng dụng chiêu bài thực dân mới của Mỹ vào miền Nam. Sau khi được Mỹ dựng lên, chính quyền Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, phản bội lại những nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và cải thiện đời sống, chúng tăng cường đàn áp phong trào cách mạng miền Nam.

Ở Mỹ Tho và Gò Công, Mỹ – Diệm xây dựng bộ máy chính quyền các cấp, hình thành các tổ chức phản động, lập khu trù mật (Mỹ Phước Tây, Hậu Mỹ), bóp nghẹt các quyền tự do, dân chủ. Chúng tiến hành chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng”, mở các cuộc hành quân càn quét, thảm sát những người có công trong kháng chiến chống Pháp và thân nhân những gia đình có người ra Bắc tập kết, cướp lại ruộng đất của nông dân; tiến hành đàn áp các giáo phái, phân biệt đối xử với tư sản, trí thức,… Những hành động ấy hòng đè bẹp ý chí đấu tranh của nhân dân ta và tiêu diệt lực lượng cán bộ cũng như cơ sở cách mạng, gây nên biết bao cảnh đau thương, tang tóc. Trước những thủ đoạn thâm độc và hành động khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nhân dân Tiền Giang đã quật khởi đứng lên đấu tranh.

2. Nhân dân Tiền Giang tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược

Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến lên “Đồng khởi” (1954 – 1961)

Từ đầu năm 1955, nhân dân Tiền Giang tiến hành đấu tranh chính trị đòi chính quyền Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ kết hợp với các khẩu hiệu chống bắt “Quân dịch”, đòi an ninh trật tự và dân sinh, dân chủ. Những cuộc đấu tranh này được thực hiện qua các tổ chức hợp pháp và nửa hợp pháp với những hình thức đấu tranh vô cùng phong phú (mít tinh, biểu tình, bãi công, rải truyền đơn, đưa kiến nghị,…) nhằm tập hợp, rèn luyện và giác ngộ ý thức đấu tranh cách mạng cho quần chúng. Đồng thời, quần chúng đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống “Tố cộng”, “Diệt cộng” dồn dân vào khu trù mật của Ngô Đình Diệm với sự mưu trí và tinh thần dũng cảm cao độ.

Bên cạnh đấu tranh chính trị là chính, quần chúng còn sử dụng hình thức đấu tranh vũ trang tự vệ, tiêu diệt một số tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân, chống lại sự bắt bớ, đàn áp dã man của Mỹ – Diệm, bảo vệ quyền sống, quyền làm người, đòi xóa cảnh nước nhà bị chia cắt. Lực lượng vũ trang và căn cứ cách mạng của tỉnh lần lượt ra đời.

– Về lực lượng vũ trang, đầu năm 1957, tỉnh thành lập trung đội vũ trang lấy phiên hiệu là đơn vị 514 và tiểu đội vũ trang tuyên truyền. Cuối tháng 5/1959, Tiểu đoàn 514 và đội vũ trang bảo vệ Tỉnh ủyđược ra đời. Qua năm 1960, các huyện cũng tiến hành thành lập lực lượng vũ trang: Huyện Cái Bè có 2 tiểu đội, hai huyện Châu Thành và Cai Lậy, mỗi huyện có 1 tiểu đội, thị xã Mỹ Tho có đội biệt động, huyện Chợ Gạo có đội vũ trang tuyên truyền, Gò Công có 2 tổ vũ trang tuyên truyền. Tháng 02/1961, lực lượng vũ trang tỉnh nhà được chính thức ra mắt nhân dân tại Ấp Bắc (Tân Phú – Cai Lậy).

– Về căn cứ của Tỉnh ủy, lúc đầu đóng ở Long Hưng (huyện Châu Thành), đến năm 1957, dời về Hội Cư rồi Mỹ Lợi (huyện Cái Bè) để dựa lưng vào Đồng Tháp Mười. Năm 1958, tỉnh xây dựng thêm căn cứ ở Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước).

Trước hành động ngày càng phát xít hóa của kẻ thù và phát huy những thắng lợi đã đạt được trong những năm vừa qua, cuối tháng 01/1960, quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định phát động nhân dân sử dụng bạo lực cách mạng, tiến hành phong trào “Đồng khởi” nhằm đánh đổ chính quyền địch ở cơ sở, giải phóng nông thôn, thành lập chính quyền nhân dân.

Mở đầu cho phong trào “Đồng khởi” ở Tiền Giang là trận tập kích vào đoàn xe chở tiền lương của địch và cuộc hành quân thị uy tuyên truyền của Tiểu đoàn 514 ở xã Long An (Châu Thành) ngày 25/02/1960. Từ xã điểm, cuộc nổi dậy lan nhanh ra toàn tỉnh. Đến tháng 02/1961, khi cuộc “Đồng khởi” kết thúc, từng mảng lớn chính quyền của địch ở vùng nông thôn bị phá vỡ; bọn địch phải co về thị xã, thị trấn và dọc theo các trục đường giao thông chiến lược; vùng giải phóng đã được mở rộng và thông suốt từ Gò Công qua Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy đến Cái Bè, bao gồm 32 xã. Ở trong vùng giải phóng, chính quyền cách mạng và tổ chức Mặt trận Dân tộc giải phóng ở cơ sở được dựng lên, lực lượng chính trị quần chúng được củng cố, lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, nông dân được cấp ruộng đất và được hưởng các quyền tự do, dân chủ.

Cuộc “Đồng khởi” ở Tiền Giang đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của phong trào “Đồng khởi” trên toàn miền Nam, đánh bại chiến lược “Chiến tranh một phía” của Mỹ – Diệm; mở ra thời kỳ mới của cách mạng miền Nam, trong đó có Tiền Giang: Thời kỳ thực hiện liên tục thế chiến lược tiến công.

Phát huy khí thế cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961 – 1965)

Kể từ sau “Đồng khởi” năm 1960, phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam phát triển như vũ bão. Để đối phó, năm 1961, đế quốc Mỹ cho tiến hành ở miền Nam chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với mục tiêu bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (kế hoạch Xtalây – Taylo). Mỹ và chính quyền Sài Gòn rất hy vọng vào sự thành công của kế hoạch nên tập trung lực lượng, phương tiện chiến tranh, ngân sách thực hiện cho kỳ được.

Mỹ đưa vào Mỹ Tho – Gò Công 182 cố vấn Mỹ và tiến hành quân sự hóa bộ máy hành chính: Cấp tỉnh có tiểu khu, cấp quận có chi khu, những nơi có tầm quan trọng về chiến lược thì lập yếu khu hoặc đặc khu; đưa sĩ quan làm tỉnh trưởng, quận trưởng. Mỹ – Diệm còn ra sức bắt lính, tăng nhanh lực lượng quân đội Sài Gòn. Sư đoàn 7 của quân đội Sài Gòn đóng tại Mỹ Tho. Năm 1962, lực lượng địa phương của địch có 1 tiểu đoàn của tỉnh, 8 đại đội của các quận, đại đội biệt lập, hơn 3.000 dân vệ và trên 200 cảnh sát. Quân đội Sài Gòn được trang bị hiện đại, sử dụng phổ biến các chiến thuật mới như “Thiết xa vận”, “Trực thăng vận”. Dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, quân đội Sài Gòn mở hàng loạt cuộc hành quân càn quét có quy mô từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn trong khu vực từ 2 đến 3 xã nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, khủng bố và gom dân vào các ấp chiến lược. Trên cơ sở đó, đến cuối năm 1962, địch đã thành lập được 184 ấp chiến lược với hàng vạn dân, nhằm tách cách mạng với nhân dân và thực hiện chương trình “bình định” miền Nam.

Tại mỗi ấp chiến lược, địch thiết lập hệ thống hàng rào dây thép gai, hào, công sự, chông, mìn bao bọc. Bên trong ấp, địch chia thành nhiều khu vực nhỏ có hàng rào ngăn cách. Mỗi ấp có hai cửa ra vào cùng nhiều vọng gác để kiểm soát dân và quan sát từ xa. Địch lập các Ban Trị sự, các tổ chức phản động, mạng lưới tình báo, mật vụ, tiến hành phân loại từng gia đình, lập sổ hộ tịch, thẻ căn cước để khống chế và nắm chặt từng người dân. Để canh giữ, mỗi ấp có từ 1 đến 2 đồn dân vệ, mỗi đồn có 10 đến 12 tên. Đây quả thực là các trại tập trung trá hình.

Ở Mỹ Tho, sau “Đồng khởi”, quân đội và chính quyền địch lâm vào tình trạng suy sụp, bộ máy kìm kẹp ở xã ấp rệu rã, tinh thần binh sĩ hoang mang, sa sút. Phát huy khí thế cách mạng, quân và dân ta chuyển từ thế bị kìm kẹp lên thế tiến công mới. Vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn, lực lượng cách mạng lớn mạnh về mọi mặt. Trước những âm mưu và thủ đoạn mới của địch, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ, quân và dân Mỹ Tho – Gò Công đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai theo phương châm hai chân (chính trị và vũ trang), ba mũi (quân sự, chính trị và binh vận) trên cả ba vùng chiến lược (nông thôn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị).

Tháng 4/1961, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị tại xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành nhằm quán triệt tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Khu ủy. Tỉnh ủy chủ trương: Tập trung lực lượng tấn công địch một cách toàn diện trên cả ba vùng, tiếp tục mở và giữ vùng giải phóng, củng cố, kiện toàn lực lượng cơ sở và hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện việc quản lý vùng giải phóng, nhất là chăm lo đời sống kinh tế, văn hóa cho nhân dân, giải quyết vấn đề ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ cách mạng và tài sản của nhân dân.

Trong năm 1961, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh phát triển toàn diện, lực lượng vũ trang trưởng thành, cùng với lực lượng chính trị và binh vận tạo thành ba mũi giáp công, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch. Phong trào chiến tranh du kích được phát động rộng rãi khắp các địa phương, quần chúng tiến hành rào làng chiến đấu, làm hầm chông chống càn quét, chống địch lập ấp chiến lược. Nhiều xã như: Đạo Thạnh, Trung An ở sát thị xã Mỹ Tho nhờ dựa vào xã, ấp chiến đấu, quần chúng vẫn giữ vững thế làm chủ.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng, Mỹ – Diệm vội vàng tìm cách đối phó. Từ tháng 7/1961, chúng sử dụng lực lượng Sư đoàn 7 của quân đội Sài Gòn kết hợp với bảo an, dân vệ càn quét vào căn cứ của tỉnh ở huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và một số xã ở Chợ Gạo, Gò Công và Hòa Đồng. Đi đôi với việc càn quét chúng tiến hành đóng lại một số đồn bót trên các tuyến giao thông như: Lộ 4, Tỉnh lộ 28, Lộ 24 và các lộ sườn. Tháng 10/1961, chính quyền Diệm bắt đầu xây dựng thí điểm ấp chiến lược Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, mở đầu cho kế hoạch xây dựng 250 ấp chiến lược ở Mỹ Tho. Hoạt động của chính quyền và quân đội Sài Gòn bước đầu đã gây nhiều khó khăn cho ta.

Lúc này Mỹ Tho trở thành trọng điểm của Khu VIII. Vì vậy, Khu VIII đã điều tiểu đoàn 261 về hoạt động, hỗ trợ cho phong trào cách mạng. Tháng 5/1961, tỉnh điều đơn vị vũ trang 514 xuống hai huyện Gò Công, Hòa Đồng hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng. Ngày 25/5/1961, đơn vị 514 phối hợp với lực lượng vũ trang Gò Công phục kích tại xã An Hòa diệt tên Quận trưởng Nguyễn Văn Dĩ, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy. Chỉ trong 1 đêm, 20 tên ác ôn khác bị trừng trị và cảnh cáo. Song song đó, hơn 20.000 quần chúng ở các xã Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước, Tân Niên Tây, Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt, Phú Thạnh Đông, cù lao Tân Thới,… nổi dậy bao vây đồn bót, giành quyền làm chủ. Phong trào cách mạng các huyện phía Đông đã phát triển kịp với các huyện khác trong tỉnh.

Từ tháng 5 đến tháng 9/1962, địch sử dụng chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, “Bủa lưới phóng lao”, “Bao vây hợp điểm” liên tục càn quét, đánh vào căn cứ của ta. Trong đó có 5 trận càn lớn như trận Cà Dâm (xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành; ngày 04/02/1962), trận đánh vào cơ quan quân y, công trường (binh công xưởng) và trại tân binh tại vùng Tân Hòa Đông (huyện Châu Thành; ngày 18/8/1962), trận Quơn Long (huyện Chợ Gạo; ngày 04/8/1962), trận đánh vào căn cứ của Tỉnh ủy, Tỉnh Đội Mỹ Tho (xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước; ngày 02/9/1962),…

Ngày 07/9/1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp với Ban chỉ huy Tỉnh đội tại xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành chủ trương: Dân bám đất, Đảng bám dân, lực lượng vũ trang bám địch, chủ động xây dựng trận địa tấn công địch và tập trung đánh phá hệ thống ấp chiến lược của địch bằng 3 mặt tấn công, 3 mũi giáp công.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, bộ đội đứng lại chống càn, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh quyết liệt trong việc chống địch lập “Ấp chiến lược” bằng nhiều hình thức. Thắng lợi của những trận phá ấp chiến lược kết hợp với chống càn như: Trận cầu Ván Sập (xã Vĩnh Kim), cuộc đấu tranh chính trị của hơn 3.000 quần chúng tại Vĩnh Kim (23/9/1962), trận cầu Vông (xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy) và cuộc đấu tranh của gần 20.000 người kéo ra lộ 4 từ ngã ba Đông Hòa đến cầu Long Định (05/10/1962) đấu tranh chống kìm kẹp, đòi địch thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ, đòi trở về nhà cũ làm ăn,… tác động rất lớn đến tinh thần chiến đấu của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, với quân đông, vũ khí hiện đại và nhất là chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, địch đã gây cho ta những khó khăn nhất định.

Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Khu ủy Khu VIII và Tỉnh ủy Mỹ Tho, bộ đội và du kích thường xuyên tập luyện cách đánh xe thiết giáp và trực thăng, kiên quyết trụ lại đánh càn nhằm tiêu diệt địch và làm chỗ dựa cho quần chúng nổi dậy phá “Ấp chiến lược”, giải phóng nông thôn. Mỹ Tho được Khu VIII chọn làm chiến trường trọng điểm cho việc đánh bại các chiến thuật mới của địch, Nghị quyết của Tỉnh ủy được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Mỹ Tho khái quát thành phương châm hành động :

Chính trị, binh vận, vũ trang,

Phối hợp nhịp nhàng, ba mũi giáp công.

Bao vây bức rút, bức hàng

Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn.

Đến cuối năm 1962, tình hình trong tỉnh ổn định, các cuộc càn quét của địch bị hạn chế. Thế tấn công ba mặt chính trị, quân sự, binh vận của ta phát triển khắp trên 3 vùng.

Mở đầu cho cao trào tiến công địch là trận Ấp Bắc (Tân Phú – Cai Lậy) ngày 02/01/1963. Đây là lần đầu tiên, ở giữa đồng bằng, quân giải phóng và du kích với lực lượng chưa tới một tiểu đoàn, trang bị kém đã đánh thắng cuộc hành quân càn quét của địch có quân số đông hơn hàng chục lần, có sức cơ động cao, có vũ khí tối tân và được sự yểm trợ mạnh về hỏa lực.

Trong ngày này, địch huy động một lực lượng lớn, gồm 2 tiểu đoàn bảo an của tiểu khu Định Tường, 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 và 1 tiểu đoàn dù, có cố vấn Mỹ chỉ huy, được xe thiết giáp, máy bay trực thăng, pháo binh, tàu chiến yểm trợ, mở 5 đợt tấn công hết sức ác liệt vào Ấp Bắc. Mặc dù quân số ít hơn địch rất nhiều lần (ta chỉ có 1 tiểu đoàn ghép), nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, các chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân đã anh dũng đánh bại tất cả các đợt tấn công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên, trong đó có 9 tên Mỹ, bắn cháy 3 xe thiết giáp, bắn rơi 8 chiếc trực thăng.

Với chiến thắng Ấp Bắc, ta đã đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của địch, đồng thời nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của quân dân miền Nam, báo hiệu sự phá sản tất yếu của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam.

Sau chiến thắng Ấp Bắc vang dội, với khí thế sôi nổi của phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, quân dân Tiền Giang đã thực hiện tiến công địch liên tục, giành nhiều thắng lợi giòn giã, vùng giải phóng tiếp tục được mở rộng, chính quyền cách mạng các cấp được thành lập, nông dân được chia ruộng đất cày cấy. Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở thị xã, thị trấn, vùng nông thôn ngày càng dâng cao, hình thành mũi nhọn tấn công quyết liệt vào kẻ thù.

Như vậy, chiến thắng Ấp Bắc của quân dân Tiền Giang không chỉ là một thắng lợi quân sự góp phần quan trọng đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam, mà còn là một đòn “Điểm huyệt” chí mạng vào sự sụp đổ của chính quyền Diệm, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của địch ở chiến trường Mỹ Tho – Gò Công, dẫn tới sự khủng hoảng trầm trọng của chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho phong trào cách mạng miền Nam phát triển và giành được những thắng lợi to lớn.

Sau chiến thắng Ấp Bắc, kẻ địch vẫn ngoan cố tiếp tục thực hiện việc gom dân, xây dựng các khu gom dân tập trung mới ở Dưỡng Điềm, Điềm Hy, vùng chùa Phật Đá (quận Châu Thành). Kinh 12 (quận Cai Lậy), An Khương (quận Chợ Gạo); đồng thời tiến hành củng cố các ấp chiến lược Nam lộ 4 và tránh đụng độ lực lượng chủ lực của ta.

Từ thực tế của địa phương, Tỉnh ủy kết luận: Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh có khả năng đánh càn thắng lợi trong bất cứ vùng nào và bất cứ quy mô nào. Tỉnh ủy chỉ đạo đưa lực lượng vũ trang tỉnh kết hợp với bộ đội địa phương huyện và du kích xã hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược với phương châm: “Luồn sâu đứng lại đánh càn, bảo vệ xóm làng, giải phóng nông thôn”.

Từ tháng 3 đến cuối năm 1963, quân dân Mỹ Tho liên tiếp mở 3 đợt tiến công và nổi dậy bao vây, tổ chức đánh càn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phá ấp chiến lược khắp nơi. Trong đó, trận đánh ở 2 chi khu Phú Mỹ và Ba Dừa, ta thu 1.200 súng, giải phóng 62 xã, các xã khác chỉ còn đồn bót trên trục lộ giao thông. Quốc sách ấp chiến lược của địch bị thất bại tại Mỹ Tho. Ta đã phá 174/184 ấp chiến lược của địch, toàn tỉnh chỉ còn 10 ấp chiến lược ở các khu phố, quận lỵ nhưng chỉ tồn tại trên hình thức.

Để cứu vãn tình hình nguy ngập, tháng 3/1964, Mỹ đưa ra kế hoạch Giônxơn – Mác Namara nhằm bình định miền Nam trong vòng hai năm (1964 – 1965). Chúng lập ra Bộ Chỉ huy liên hợp Việt – Mỹ, đồng thời tăng thêm 6.000 cố vấn và lính chiến đấu Mỹ, đưa số quân Mỹ ở miền Nam lên trên hai vạn rưỡi tên vào cuối năm 1964.

Trong 2 năm (1964 – 1965), tình hình chiến sự diễn ra quyết liệt ở Mỹ Tho – Gò Công, quân dân Tiền Giang đã thực hiện tiến công liên tục, giành được nhiều thắng lợi giòn giã, vẫn giữ thế chủ động trên chiến trường. Thế và lực của cách mạng ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng ở Mỹ Tho – Gò Công ngày càng được mở rộng. Các mục tiêu của địch tại thành phố Mỹ Tho, thị xã, thị trấn, các điểm quân sự, hậu cứ khác của địch không còn an toàn như trước.

Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Quân dân Mỹ Tho đã vận dụng một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn phương châm hai chân, ba mũi giáp công trên cả ba vùng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, liên tục tấn công địch theo từng đợt, từng vùng, phá vỡ toàn bộ hệ thống ấp chiến lược của địch, giải phóng và giữ vững quyền làm chủ vùng nông thôn rộng lớn, làm nền tảng cho những thắng lợi sau này của cách mạng.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem tiếp: Nhân dân Tiền Giang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) phần tiếp theo trong kỳ sau.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn