Người lính xe tăng và những bài ca người lính

Sáng 30/4/1975, với khí thế đầy hứng khởi của chiến thắng đang tới gần, đội hình xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 thẳng tiến về hướng Dinh Độc Lập, người dân đông kín kéo ra đường vẫy chào xe tăng của quân giải phóng.
Bức ảnh “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975” của tác giả Trần Mai Hưởng.

Đó là lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòa (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2), chỉ huy xe tăng mang số hiệu 846 có mặt tại Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975.

Ông Nguyễn Quang Hòa nhập ngũ năm 1970, khi đang là sinh viên của Đại học Lâm nghiệp năm thứ nhất. Khi vào quân đội, ông ở Sư đoàn 325 bộ binh, tháng 10/1970 thì chuyển sang tăng thiết giáp.

Từ ngày học phổ thông, đại học, Nguyễn Quang Hòa đã là cây văn nghệ của trường, đến những ngày hành quân vào chiến trường miền Nam, cứ nghỉ đâu là anh bộ đội Nguyễn Quang Hòa cất tiếng hát ngay trên võng nghỉ. Tiếng hát người chiến sĩ giữa rừng Trường Sơn mang lại sức mạnh tinh thần to lớn cho đồng đội và cho chính bản thân mình. Đến giờ, dù tuổi cao, sức yếu nhưng tiếng hát của người cựu chiến binh vẫn ngân vang những ca khúc “ruột” như: Người chiến sĩ ấy, Bình Trị Thiên khói lửa, Bài ca Trường Sơn… trong mỗi buổi sinh hoạt cộng đồng của phường La Khê, quận Hà Đông nơi ông đang sinh sống.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội 5 của Nguyễn Quang Hòa chiến đấu ở căn cứ Nước Trong, cửa ngõ của Sài Gòn. 5h chiều 26/4/1975, xe tăng 846 của ông Hòa đã nổ tiếng súng đầu tiên khai màn chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Nước Trong. Địch chống cự ác liệt hai ngày đêm, đến ngày 29/4 trận đánh mới kết thúc, ta chiếm được căn cứ Nước Trong.

Tại trận đánh đó, Đại đội 5 có 6 xe tăng thì bị địch bắn cháy mất 3 xe. Sáng  29/4, đội hình xe tăng được bổ sung một đại đội gồm 4 xe nữa. Như vậy đội hình xe tăng của Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn gồm có 7 xe.

6h sáng 30/4/1975, được lệnh của Lữ đoàn, đội hình xe tăng Đại đội 5 vượt cầu Long Bình trên xa lộ Biên Hòa tiến vào Sài Gòn. Khi đến chân cầu Sài Gòn thì gặp đội hình của Tiểu đoàn 1 đi trước, có một xe bị sa lầy nên đại đội dừng lại ở đó để cứu trợ. Trong lúc đó, quanh cầu Long Bình có một số máy bay địch lượn nhiều vòng muốn ném bom phá cầu. Địch đã ném bom nhưng không trúng, bom thả hết xuống sông.

Hơn 10 giờ sáng 30/4, được lệnh của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Đại đội 5 bắt đầu vượt cầu, tiến vào Sài Gòn.

Trên xe tăng 846 có bốn chiến sĩ: Chỉ huy xe Nguyễn Quang Hòa, pháo thủ số 1 Trần Quý, pháo thủ số hai Nguyễn Bá Tứ, lái xe Trần Bình Yên. Ông Nguyễn Quang Hòa kể rằng, khi vượt qua cầu Sài Gòn, nhịp tim của những người lính trẻ đều đập rộn ràng, cả bốn người cùng có chung sự hồi hộp xúc động khi chiến tranh sắp kết thúc, giờ phút non sông thu về một mối sắp tới gần.

Khoảnh khắc xe tăng 846 vượt qua cửa Dinh Độc Lập được ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975” của tác giả Trần Mai Hưởng (Thông tấn xã Việt Nam). Ông Hòa kể rằng khi vào trong Dinh Độc Lập, bộ đội vẫn được lệnh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu như địch phản ứng lại. Sau khi vào Dinh, xe tăng 846 nằm trong nhóm 3 xe được giao nhiệm vụ bảo vệ phía sườn bên trái trong khi các xe khác án ngữ phía trước mặt.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòa. Ảnh: VGP/Phương Liên

Từ trưa 30/4 đến chiều 1/5, Nguyễn Quang Hòa cùng các đồng đội túc trực trong Dinh Độc Lập. Các anh chiến sĩ trẻ có hơn một ngày để canh gác, lau chùi xe pháo và sẵn sàng chiến đấu nếu địch quay trở lại. Bữa ăn tại Dinh Độc Lập vẫn là cơm sấy mang theo người, đổ nước vào rồi ăn.

Đêm 30/4, Nguyễn Quang Hòa ngủ ngay trên xe tăng. Đến chiều 1/5/1975, Lữ đoàn 3 được lệnh rút khỏi Dinh Độc lập và từ đó đến nay đã 40 năm nhưng ông Nguyễn Quang Hòa chưa có cơ hội quay trở lại Dinh Độc Lập cũng như thành phố mang tên Bác.

Cùng với những chiếc xe tăng khác của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, xe tăng 846 đã hoàn thành nhiệm vụ của họ trong ngày trọng đại nhất của lịch sử thống nhất đất nước.

Đối với ông Nguyễn Quang Hòa và các đồng đội, được có mặt chứng kiến thời khắc quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là vinh dự vô cùng to lớn trong cuộc đời, là ký ức đẹp đẽ nhất của một thời tuổi trẻ “tiếc gì máu xương”.

Nguồn VGP news