Dinh Độc Lập thời khắc lịch sử

40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những thời khắc lịch sử trong Dinh Độc Lập, canh giữ nội các chính quyền Sài Gòn, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Phạm Ngọc Sơn, nguyên Sỹ quan tác chiến Quân đoàn 2, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 347, Quân khu 1, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1.

 

Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.
Ảnh: Tư liệu


Đại tá Phạm Ngọc Sơn nhớ lại: Khoảng hơn 11 giờ ngày 30/4/1975, Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, khi đến ngã tư Hàng Xanh, chưa biết đường nào đến Dinh Độc Lập, ông đã xuống xe hỏi đồng bào đứng ở hai bên đường và được mọi người cùng giơ tay chỉ hướng rẽ trái. Tiến qua cầu Thị Nghè, ông quan sát và thấy nơi đây vừa diễn ra sự chống trả quyết liệt của địch, xác lính ngụy còn nằm quanh đó, cùng nhiều thùng phuy trên cầu đã đẩy sang một bên. Đoàn xe chúng tôi đi đến cổng Thảo Cầm Viên rồi rẽ phải và chạy được một đoạn thì nhìn thấy Dinh Độc Lập phía trước mặt. Chúng tôi sung sướng đến trào nước mắt. Tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, chúng tôi thấy xe tăng và bộ binh của ta đã triển khai xung quanh Dinh Độc Lập.

“Tôi xem đồng hồ, đã hơn 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, mọi người nhanh chóng xuống xe. Các đồng chí Bộ chỉ huy Quân đoàn: Tư lệnh Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh Hoàng Đan, Phó Chính ủy Nguyễn Công Trang và đặc phái viên, Thiếu tướng Nam Long vào đứng ở giữa Dinh Độc Lập trao đổi gì đó, hầu như mọi người chưa ai biết nội các Sài Gòn ở đâu? Vốn con nhà tác chiến nhạy bén, tôi chạy lên tầng 2 tìm kiếm thì gặp một người mặc thường phục từ trong phòng đi ra. Tôi chặn lại hỏi: “Ông đi đâu?”. Ông ta trả lời: “Dạ tôi xuống xe ô tô, lấy đồ dùng”. Tôi không cho đi và hỏi: “Ông Dương Văn Minh đâu?”, người đó nói: “Mấy ông giải phóng đưa đi đâu tôi không rõ”. Tôi lại hỏi: “Thế chính quyền các ông đâu cả”… Người đó đưa tôi vào phòng họp tầng 2: “Dạ họ ngồi cả đây”. Tôi quan sát một lượt nội các Sài Gòn. Họ ngồi các hàng ghế xung quanh, một số ngồi dưới sàn phía sau hàng ghế, bộ đội thọc sâu đứng gác các cửa ra vào. Tôi chạy xuống báo cáo với Bộ Tư lệnh, đồng chí Hoàng Đan quát: “Tại sao ai đưa Dương Văn Minh đi đâu mà anh không biết?”. Tôi chưa biết trả lời sao thì Tư lệnh An điềm tĩnh: “Chắc anh em mình đưa đi…”. Đồng chí lệnh cho tôi đưa vệ binh Quân đoàn lên gác thay, cho anh em của đơn vị nào về đơn vị đó chiến đấu và tôi phải trực tiếp chỉ huy vệ binh canh giữ nội các thật nghiêm ngặt. Tôi nhanh chóng chấp hành mệnh lệnh và ngồi ghế đầu ngoài cùng trực tiếp canh giữ nội các chính quyền Sài Gòn”, Đại tá Sơn bộc bạch.

“Khoảng gần 13 giờ ngày 30/4/1975, đồng chí Bùi Văn Tùng đưa Dương Văn Minh từ Đài Phát thanh Sài Gòn về. Khi ông ta đi vào, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Phó Thủ tướng Trần Văn Hảo đều đứng dậy. Thấy họ ghé đầu trao đổi gì đó, tôi nói: “Yêu cầu các ông ngồi nghiêm túc, không được bàn bạc”. Nghe tôi nhắc, mọi người im lặng. Đồng chí Hàm, Cục phó Cục Chính trị Quân đoàn và Trưởng phòng bảo vệ Hân đi vào nói: “Ta đi ghi danh sách nội các chính quyền Sài Gòn”. Đồng chí Hàm phân công tôi và đồng chí Hân ghi chép, nhớ ghi rõ họ tên, chức vụ, quê quán của từng thành viên trong nội các… Ghi xong, Phó Tư lệnh Hoàng Đan nói chuyện với nội các Sài Gòn về chính sách khoan hồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trấn an tinh thần cho họ yên tâm. Sau đó, đồng chí chỉ thị cho tôi đưa Dương Văn Minh đi gặp gia đình, vợ con. Tôi đến trước mặt ông Minh nói: “Ông Dương Văn Minh, Quân giải phóng cho phép ông được gặp vợ con và gia đình 15 phút. Ông nói rõ với vợ con và gia đình yên tâm không lo sợ gì cả, Quân giải phóng bảo đảm an toàn cho gia đình ông”. Dương Văn Minh sửng sốt, ngước cặp kính cận nhìn tôi tỏ vẻ phân vân. Tôi nhắc lại: “Ông được gặp gia đình 15 phút”. Dương Văn Minh nhổm người dậy nhìn qua Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu rồi bước theo tôi. Đến căn phòng bên cùng tầng 2, tôi gõ cửa, một người chừng trên dưới 50 tuổi ra mở cửa, Dương Văn Minh bước vào. Đúng 15 phút sau, Dương Văn Minh mở cửa đi ra. Thấy tôi vẫn đứng chờ, Dương Văn Minh đưa tay lên ngực “Cám ơn…”. Tôi đưa Dương Văn Minh trở về phòng. Một lúc sau, Tư lệnh Nguyễn Hữu An gọi tôi xuống. Ông chỉ thị tôi tìm một phòng riêng để Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và Trần Văn Hảo có điều kiện cho họ nghỉ ngơi. Tôi đến chỗ nội các Sài Gòn nói: “Để đảm bảo cho các ông nghỉ ngơi, mời ông Minh, ông Huyền, ông Mẫu và ông Hảo sang phòng bên nghỉ”. Thấy họ nhìn nhau với vẻ nghi ngờ, tôi nói ngay: “Các ông yên tâm, đây là sự ưu đãi đối với các ông. Sang phòng có giường để các ông nằm nghỉ, Cách mạng không làm gì đâu?”. Dương Văn Minh đứng dậy và mấy ông cũng đứng dậy đi theo, tôi đưa họ vào phòng ở góc trái tầng 2. Phòng có 3 giường một, Trần Văn Hảo đưa mỗi người vào một giường, còn bản thân ghép hai cái bàn lại để nằm”, Đại tá Phạm Ngọc Sơn hồi tưởng.

“Hơn 16 giờ, đồng chí Hoàng Đan gọi tôi xuống chỉ thị cho triển khai cơm nước bữa chiều, kể cả nấu cơm cho nội các Sài Gòn. Thực ra việc này là của cơ quan hậu cần, nhưng “các cụ” thường nói: “Mấy thằng tác chiến nó nhanh nhạy hơn”. Tôi triển khai cho nuôi quân nấu cơm, nhưng không còn thứ thức ăn gì. Tôi nói với nội các Sài Gòn: “Đã gần tối đáng lẽ Quân giải phóng bảo đảm cơm nước cho các ông, nhưng chưa có điều kiện, các ông cứ cho vài người nấu cơm ăn?”. Nghe tôi nói một người khoảng 47- 50 tuổi đi đến và nói: “Dạ thưa, tôi là Đại tá Vũ Xuân Chiêm, Tổng trưởng hành dinh, để tôi tổ chức nấu ăn cho”. Tôi hỏi có gạo, thực phẩm không, ông ta giơ chùm chìa khóa ra “Dạ đây!”. Thấy tôi đồng ý, ông Chiêm gọi mấy cô gái đi nấu ăn và đưa tôi đến kho thực phẩm. Mở cửa kho của Phủ Tổng thống, có khá đầy đủ gạo thơm, chim, gà đã làm thịt, cá thu và gia vị để cả trong tủ lạnh, các loại bát đũa loại xịn… Tôi cho họ lấy gạo và cá để nấu ăn, còn gà, chim tôi gọi anh em bộ đội vào phân chia cho mỗi bộ phận một ít. Trong khi họ nấu cơm, tôi đứng ở hành lang Dinh Độc Lập giám sát thì Vũ Xuân Chiêm đi đến. Ông ta chủ động bắt chuyện: “Xin lỗi, ông giải phóng quê ở đâu?”. Tôi nghĩ thời điểm này chẳng cần phải bí mật quê hương và cũng cần nói chuyện với con người này để tìm hiểu thêm tình hình: “Tôi quê Hải Dương”. Ông ta cười hồ hởi và bắt tay tôi: Tôi quê Nam Định”. Cứ thế, ông ta bộc bạch: Trước đi lính cho Pháp làm quan một (thiếu úy). Năm 1954 theo Pháp vào Nam, rồi được cất nhắc vào Phủ Tổng thống, đảm trách Tổng trưởng hành dinh. Tôi hỏi ông ta làm việc cho chế độ Sài Gòn, có hy vọng chiến thắng không, viên đại tá cúi đầu trầm ngâm một lúc, rồi chậm rãi nói: “Nói ra lúc này, có thể các ông không tin điều nói thật. Chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra với cái chế độ hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại bang, không có một chút nào được cái quyền dân tộc”. Ngừng lại hồi lâu tỏ vẻ xúc động, ông ta nói tiếp: “Ông tính, một chế độ phụ thuộc mọi mặt vào họ thì làm sao mà chiến thắng được?”

Đại tá Phạm Ngọc Sơn kể lại bữa cơm chiều 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập có bia, nước ngọt, chim quay, gà luộc, cá kho và cơm gạo tám thơm thật ngon. Tối 30/4/1975, Sở chỉ huy Quân đoàn 2 chuyển ra Trường Cảnh sát Quốc gia ở Thủ Đức, còn một bộ phận trong đó có ông, do đồng chí Thái Cán, Tham mưu phó Quân đoàn chỉ huy ở lại canh giữ nội các và chuẩn bị bàn giao. Đến 23 giờ, Quân đoàn 2 bàn giao toàn bộ nội các Sài Gòn và Dinh Độc Lập cho đơn vị bạn./.

Nguồn ĐCSVN