Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 – Điểm hội tụ những sáng tạo của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta; mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

 

 Xe tăng của ta đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
(Ảnh tư liệu TTXVN)


Đại thắng mùa Xuân 1975, một lần nữa khẳng định: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang nhân dân, từ 5 cánh quân trên 5 hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Đó là điểm hội tụ sáng tạo của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng vũ trang, tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thực hiện mệnh lệnh chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa là: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, từ những chiến thắng kế tiếp chiến thắng, ta đã đánh cho Mỹ cút, nhưng tập đoàn tay sai ngụy cùng với âm mưu xâm lược của Mỹ vẫn còn đó. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, ta đã thực hiện thành công cách đánh chiến lược được đề ra trong suốt cuộc kháng chiến là: Đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ hoàn toàn quân địch. Nhờ có nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược, chỉ huy tài giỏi, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, phát hiện sớm và nhạy bén nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời, sử dụng nghệ thuật mưu kế, thế trận trên nền tảng chiến tranh nhân dân, phát triển tiến công táo bạo và thần tốc, đánh địch bất ngờ và liên tục, nên cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn bằng ba đòn chiến lược – ba chiến dịch kế tiếp: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thực chất, đây là ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 – 30/4/1975) là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng vũ trang nhân dân quy mô lớn. Đây là Chiến dịch đã tận dụng được và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Chiến dịch đó phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng, các lực lượng của cả ba thứ quân hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975).

Thực hiện những chiến dịch đánh tiêu diệt lớn bằng các đòn chiến lược, buộc địch từ chỗ bị đánh bất ngờ đến bị động lúng túng, phải co cụm chiến lược rồi rút lui chiến lược mà dẫn đến sự tan rã và bị thất bại hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn tiêu chí của Hồ Chủ tịch là: “Đánh cho ngụy nhào”. Với gần 60 ngày đêm cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 30 năm, chúng ta đã tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ của cả một dân tộc, đấu mưu, đấu trí một cách quyết liệt nhất để đi đến giành thắng lợi trọn vẹn.

Mưu kế lập ra “hình trận” và “thế trận”, tạo ra “thời cơ” làm cho địch nhiều mà hóa ít. Mở đầu chiến cuộc mùa Xuân 1975, mưu kế chiến lược của ta đã tạo ra một hình trận chiến lược rất độc đáo, sáng tạo, khoa học là ghìm địch ở hai đầu Nam – Bắc chiến tuyến ở Sài Gòn và Huế – Đà Nẵng, bằng cách áp sát lực lượng của các quân đoàn chủ lực của ta (Quân đoàn 1 ở bờ Bắc sông Bến Hải, Quân đoàn 2 ở Tây Huế và Quân đoàn 4 ở Đông Bắc Sài Gòn) vào gần các khu vực trọng yếu đó, kết hợp với lực lượng Công an – An ninh và lực lượng quần chúng nhân dân nổi dậy, buộc địch phải tập trung cả hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược vào giữ Sài Gòn và Huế  -Đà Nẵng, để sơ hở ở quãng giữa là Tây Nguyên. Hình trận này đã tạo ra thế trận có lợi cho mặt trận Tây Nguyên. Đặt Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 của ta ở phía Bắc chiến tuyến và Quân đoàn 4 ở phía Nam chiến tuyến là cách nghi binh chiến lược cho Tây Nguyên. Khi địch đã bị vây giữ chặt ở Huế và Sài Gòn – Gia Định thì ta mở cuộc tiến công lớn ở Tây Nguyên là nơi địch sơ hở và công phá vào Buôn Ma Thuột, lại là nơi hiểm yếu của khâu yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch. Mưu kế chiến lược tiếp theo là bí mật đưa hai sư đoàn nữa lên Tây Nguyên là mưu kế hay, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự của ta, của Bộ Chính trị Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là Bộ Tổng Tư lệnh và các tướng lĩnh. Hai sư đoàn bất ngờ tăng thêm cho Tây Nguyên, đó là cái nút trong mưu kế chiến lược của ta. Do bất ngờ đột ngột tăng cho Tây Nguyên hai sư đoàn nữa mà địch không hay biết, không kịp đối phó. Và nhất là khi xe tăng của Sư đoàn 316 cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột thì mọi chuyện đối với địch là đã quá muộn. Hai sư đoàn đó là Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968. Thành ra, tại thời điểm đó, ở Tây Nguyên có 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập cùng các binh chủng chiến đấu hùng mạnh, được phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng Quân khu 5 đã tạo nên quả đấm thép làm cho lực lượng ta vượt trội hơn địch. Ở Tây Nguyên, quân ta từ một lực lượng chiến dịch bỗng trở thành một lực lượng chiến lược. Quả đấm thép đó đã đủ sức mạnh đánh ghìm địch ở Plây-Cu; cắt Đường 19 và Đường 14; phá vỡ Buôn Ma Thuột và chủ động đánh bại phản kích của Sư đoàn 23 ngụy Sài Gòn, làm nên đột biến về chiến tranh. Hai sư đoàn và thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên là cái nút trong mưu kế chiến lược đánh bại địch trong chiến cuộc mùa Xuân năm 1975. Địa điểm và thời cơ sử dụng hai sư đoàn này là “chữ thời” về tài năng và trí tuệ trong nghệ thuật chỉ huy.

Thế trận chiến lược phát triển đã tạo ra thời cơ chiến lược. Trong khi Chiến dịch Tây Nguyên đang trên đà thắng lớn, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng lập tức được gối đầu, đến khi Chiến dịch Tây Nguyên vừa kết thúc thắng lợi thì Chiến dịch Huế – Đà Nẵng đã hoàn thành bước một (giải phóng Thừa Thiên – Huế). Đến khi Chiến dịch Huế  -Đà Nẵng vừa kết thúc, ta đã dồn được toàn bộ lực vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là thời cơ chiến lược. Trên đà chiến thắng, các binh đoàn chủ lực của ta hành tiến với khí thế “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Sau khi đập tan tuyến phòng ngự từ xa Phan Rang, cùng với việc giải phóng Bình Thuận, Ninh Thuận, quần đảo Trường Sa, địch bị tan vỡ từng mảng trong từng ngày một cách nhanh chóng và đột ngột. Chỉ huy địch rối loạn, chiến lược của chúng chuyển sang bị động đối phó và rút lui.

Thời cơ đến, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định 5 cánh quân tiến trên 5 hướng vào 5 cụm mục tiêu chủ yếu. Cánh quân Đông Nam do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, đột phá từ hướng Đông Nam đánh chiếm cụm mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảng Hải quân và Thương cảng; sau khi hoàn thành nhiệm vụ bước đầu, tiếp tục thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập (lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975). Cánh quân hướng Đông do Quân đoàn 4 đảm nhiệm, đột phá từ hướng Đông theo Đường số 1, được chỉ định đánh chiếm cụm mục tiêu Dinh Tổng thống và tiếp quản Thành phố (quá trình tiến công bị địch ngăn chặn nên tiến chậm). Cánh quân phía Bắc do Quân đoàn 1 đảm nhiệm, đột phá từ phía Bắc, đánh chiếm cụm mục tiêu Bộ Tổng tham mưu ngụy. Cánh quân phía Tây Bắc do Quân đoàn 3 đảm nhiệm, đột phá đánh chiếm căn cứ không quân Tân Sơn Nhất – Bộ Tư lệnh Không quân, Bộ Tư lệnh Dù. Cánh quân Tây Nam do Đoàn 232 đảm nhận, đột phá từ hướng Tây Nam, cắt đứt lộ 4, đánh chiếm mục tiêu Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô. Cùng với đó là hướng phối hợp do cánh quân chính Nam (gồm 2 trung đoàn độc lập số 88 và 24) từ nam Long An vượt qua Cần Giuộc, Cần Đước, qua cầu chữ Y, đánh chiếm Nha Cảnh sát của địch.

Đêm 26/4 (rạng sáng 27/4), các lực lượng chiến dịch thực hành tiến công địch theo nhiệm vụ được phân công. Riêng cánh quân Đông Nam đề nghị nổ súng sớm hơn, bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/4 vì phải tiến xa mới vào được trung tâm Thành phố; Bộ Tư lệnh chiến dịch đã đồng ý. Theo kế hoạch hiệp đồng, trước 6 giờ 30 ngày 30/4/1975, các cánh quân phải chiếm được các ngoại ô thành phố, các đơn vị pháo chiến dịch ngừng bắn, chỉ có pháo của các lực lượng tiến công trước bắn chi viện theo yêu cầu của bộ binh, xe tăng của từng hướng khi tiến công vào trung tâm thành phố. Từ 6 giờ 30 phút trở đi (cũng là giờ thống nhất tổng công kích vào các mục tiêu đã được phân công), việc đánh chiếm trung tâm Thành phố theo kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng vũ trang, giữa các quân binh chủng và thực hiện sau này cũng sát đúng như vậy.

Phương pháp tác chiến chiến dịch (cách đánh) được xác định: Bỏ hẳn các căn cứ quân sự tuyến ngoài cùng của địch, chỉ để bộ phận nhỏ chủ lực và quân địa phương cùng lực lương an ninh nhân dân bao vây kiềm chế, chia cắt đội hình các sư đoàn phòng ngự tuyến ngoài cùng và tuyến 2; sẵn sàng diệt địch, không để chúng rút lui, co cụm về thành phố, đồng thời bảo vệ chính quyền vùng vừa được giải phóng; diệt một số căn cứ quân sự thật cần thiết trên tuyến 2 cản trở đến các mũi nhọn đột phá, thọc sâu; đồng thời, tổ chức lực lượng mạnh, gồm sư đoàn bộ binh mạnh tăng cường công binh, xe tăng, xe bọc thép, xe tải, thọc sâu đánh chiếm các cụm mục tiêu được phân công. Các cánh quân đã thực hành tiến công dồn dập liên tục 4 ngày, đêm, với tốc độ đột phá.

Từ 17 giờ ngày 26/4 đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4’1975, xe tăng và xe bọc thép của ta tổ chức thành cụm cơ động thọc sâu đã tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu và các cụm mục tiêu khác, buộc địch phải đầu hàng không điều kiện. Tiếp đó, đối với đồng bằng Sông Cửu Long, lực lượng tại chỗ đã kết hợp với lực lượng nổi dậy giải phóng 17 tỉnh (không phải mở chiến dịch như đã dự kiến). Cùng với đó là việc giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo trên biển Đông.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, điểm hội tụ những sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng ta; về sức mạnh của chiến tranh nhân dân; về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; về phát huy sức mạnh tổng hợp, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để chống lại mọi cuộc chiến tranh xâm lược là “dĩ đoản chế trường”; “thế thắng lực”; “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, vận dụng thế thời một cách tài tình, sáng tạo.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên và trận đánh Buôn Ma Thuột có mấy điểm hay nổi bật về mưu kế, thế thời như: Hai điểm hay về mưu kế chiến lược: Hình trận chiến lược căng địch ra hai đầu Nam – Bắc chiến tuyến để hở quãng giữa Tây Nguyên và đột ngột tăng cường cho Tây Nguyên hai sư đoàn. Và hai điểm hay về mưu kế chiến dịch: Dùng một sư đoàn để đánh nghi binh và chọn lọc tình huống để một sư đoàn đánh cắt đường bộ, rồi chủ động dùng một sư đoàn tinh nhuệ sẵn sàng đón đánh địch phản kích bằng đổ bộ đường không. Các mưu kế đều nhằm xây dựng hình trận, tạo ra thế trận và tranh thủ thời cơ để đánh đòn quyết định, giành thắng lợi trọn vẹn.

Đúng như Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo sinh thời đã nói: Chiến tranh nhân dân là cốt lõi của học thuyết quân sự Việt Nam, là sử dụng nghệ thuật “dĩ đoản, chế trường”, “thế thắng lực”, “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”. Vẫn phải là đánh địch bằng mưu kế có hình trận và thế trận, nghi binh lừa địch, có “chính-kỳ”; có tạo thế – tạo lực – tạo thời cơ, có dám đánh và quyết đánh thì mới tìm ra cách đánh để đi đến thắng lợi. Ta có kém địch về vũ khí thì phải vận dụng phương châm lấy hiện đại là chính, kết hợp với một nửa hiện đại và thô sơ, đồng thời phải có vũ khí công nghệ cao để đánh lại hiện đại tinh xảo. Tinh thần ý chí chiến đấu của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tài thao lược và trí tuệ tinh hoa sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam vẫn là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi.

Cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm của dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xây dựng, phát triển đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiến thắng vẻ vang đó mãi mãi sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, chiến tranh hiện đại thường sẽ là chiến tranh bằng các loại vũ khí công nghệ cao. Để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, muốn đánh bại được cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của ta vẫn phải là chiến tranh nhân dân, ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Muốn vậy, ta phải có vũ khí trang bị hiện đại, có tinh thần vững vàng. Chiến đấu đánh địch ở trên bộ cũng quan trọng như đánh địch ở trên không, trên biển, đảo. Phải sẵn sàng chiến đấu cao, có ‎ quyết tâm cao thì mới đánh bại được ý chí xâm lược của địch./.

Nguồn ĐCSVN