Những người con miền Nam trên đất Bắc

Đất nước hòa bình, nhiều người con phương Nam đã trở về, nhưng cũng không ít người ở lại gắn bó máu thịt với miền Bắc, góp sức tái thiết đất nước thời hậu chiến, xây dựng một Việt Nam tươi đẹp hôm nay…

Ảnh minh họa
Cầu Hiền Lương. Ảnh: internet

Một ngày cuối năm 1954, bãi biển Quy Nhơn, nơi nhìn thẳng ra Cù lao Xanh, tấp nập ghe bầu buồm căng rẽ sóng ra khơi. Cách bãi biển chừng 3km là con tàu Kilinski của Ba Lan đang đợi đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Phút chia li, người trên tàu, người dưới ghe bùi ngùi giơ hai ngón tay với lời hẹn trùng phùng sau hai năm nữa. Ông Dương Văn Bảng, nguyên cán bộ TTXVN, người để lại quê hương Cát Tường, Phù Cát, Bình Định, những gì thân thương nhất để cùng cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve năm 1954, cũng trong số đó…

Những ngày tháng Tư đất nước rộn ràng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối, ông Bảng trên ghế tựa, lặng lẽ mở chiếc ra -đi – ô nhỏ. Từ đài bán dẫn, dòng âm thanh khắc khoải, thủy chung tình nghĩa đến xót lòng của Câu hò trên bến Hiền Lương vang lên giữa căn phòng nhỏ: “Bên ven bờ Hiền Lương/Chiều nay ra đứng trông về/Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê…”.

Ông nhớ lại, sáng sớm ngày chia ly ấy, người vợ trẻ bồng đứa con thơ 3 tuổi bịn rịn tiễn ông. Chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng, cả hai nhìn đứa con thơ trong lòng như trăm mối tơ vò. Biết là đi hai năm rồi việc gì phải khóc, nghĩ thì nghĩ vậy mà nước mắt cả hai vợ chồng cứ trào ra.

Ông an ủi vợ: “Anh đi không lâu đâu, 2 năm như một giấc ngủ. Em ở nhà nuôi con…”. Ông và vợ nào hay rằng, họ chia tay nhau từ giờ phút ngày đó. Nhưng gia đình nhỏ của ông không phải là cá biệt. Hiệp định Geneve bị phá hoại, Vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến chia đôi đất nước và “vết cắt 1954” sâu đến 21 năm khiến hàng ngàn đôi vợ chồng người miền Nam tập kết ra Bắc chia lìa, không còn ngày đoàn tụ dưới một mái nhà.

Qua chất giọng Nam Trung Bộ trầm ấm vẫn như vẹn nguyên sau hơn sáu chục năm trên đất Bắc của ông có thể mường tượng chuyến hải trình từ Quy Nhơn ra Bắc của đồng bào miền Nam. Sau những ngày lênh đênh trên biển, tàu Kilinski về đến Cảng Hải Phòng nhưng sóng to, thời tiết khắc nghiệt khiến tàu không thể cập bến. Hàng ngàn người phải vào bờ bằng thuyền nhỏ và thay vì Hải Phòng, họ di chuyển đến Hải Dương.

Đón cán bộ, chiến sĩ miền Nam ở bến Quý Cao, Ninh Giang, Hải Dương, là cả một rừng cờ, biểu ngữ và hoa. Từ bến lên bờ, hàng đoàn người vẫy tay reo hò. Có cả những chị phụ nữ bế con mới 5 – 6 tháng tuổi ra đón đồng bào miền Nam. Phút gặp mặt, những người con ở hai đầu Tổ quốc không có khoảng cách, chỉ có những cái bắt tay, cái ôm thân thiết như những người ruột thịt đi xa lâu ngày trở về. Chỉ có những nụ cười, những câu chuyện hỏi han, động viên và có cả nước mắt của sự cảm động, cảm thông và chia sẻ của “Bắc, Nam một nhà”. Bữa ăn nối sau đó được dọn ra, dù đơn sơ và đạm bạc do đất nước trong thời gian khó nhưng ai cũng vui.

“Miền Bắc vừa trải qua một đợt lụt ngay sau hạn hán, mất mùa. Trước đó nữa thì tất cả nhân lực, vật lực đều đã được huy động cho kháng chiến. Không gia đình nào đủ gạo ăn, vậy mà những người tập kết vẫn có cơm với thịt, rau, cá. Nhiều gia đình miền Bắc còn bớt cả cơm của con mình cho con em miền Nam. Cái áo ấm duy nhất giữa mùa đông giá rét cũng nhường cho con em miền Nam. Mọi người gắn bó với nhau như người một nhà. Tháng sau khi chia tay lên đường nhận nhiệm vụ, cả người đi lẫn người ở lại đều ôm nhau khóc…”, Ông xúc động nhớ lại.

Hơn 60 năm đã trôi qua, song nhớ về ngày ấy, cũng như ông Bảng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, người con đất Quảng Nam, vẫn đầy ắp cảm xúc. Với ông, mọi sự kiện hiện lên trong đầu như một cuốn phim, một hình ảnh không thể nào quên: Hiệp định Geneve được ký kết, ai cũng nghĩ rằng nhân dân cả nước sẽ được sống trong hoàn cảnh hòa bình chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Thế nhưng, chỉ khoảng nửa tháng sau khi ký hiệp định, một cảnh tượng diễn ra hoàn toàn khác với sự suy nghĩ của đồng bào Nam bộ. Cấp trên ra lệnh mở kho thóc, kho muối để đồng bào tự do đến lấy. Nhân dân khắp các địa phương từ già đến trẻ, từ trai đến gái, tấp nập đem quang gánh đến các kho lấy thóc, lấy muối. Quang cảnh nhộn nhịp nhưng hỗn độn báo hiệu cho một sự xáo trộn không tốt lành sẽ xảy ra ở quê hương. Đúng như dự cảm, chỉ một thời gian ngắn sau, quân ngụy tràn đến chiếm huyện lị Quế Sơn, tay lăm lăm súng đe dọa đồng bào. Quế Sơn lúc đó là vùng tự do thời 9 năm kháng chiến. Ngay sau đó ông Trần Xuân Nhĩ cùng nhiều người khác được lệnh tập kết ra Bắc.

“Một số người tranh thủ về thăm nhà nhưng tôi và nhiều người không dám vì có một số trường hợp vừa đến thị trấn An Tân, ranh giới giữa Quảng Nam với Quảng Ngãi, đã bị quân ngụy bắt giữ. Trên đường vào Quy Nhơn, mỗi khi bắt gặp bất cứ người nào, dù đang lao động trên đồng ruộng hay bên rặng dừa xanh hay đi trên con đường đá sỏi, họ đều giơ hai ngón tay hứa hẹn 2 năm sau sẽ gặp lại nhau trên quê hương miền Nam yêu dấu. Không ai lại nghĩ đến khoảng thời gian ác nghiệt đó phải kéo dài hơn gấp 10 lần con số 2 thì nước nhà mới thống nhất và tôi mới được trở lại thăm cha mẹ già, gặp lại anh chị em, bà con xóm làng và nơi chôn nhau, cắt rốn”, giáo sư Nhĩ nhớ lại.

Và những ngày đầu trên đất Bắc ấy, ông Bảng cũng như Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ và hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào miền Nam khác đều cảm động trước tình cảm “Bắc Nam một nhà”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Sau hơn sáu chục năm, họ vẫn thốt lên “Sao đồng bào miền Bắc ngày ấy tốt đến thế, nồng hậu đến thế? Công lao đồng bào miền Bắc to lắm, không thể nào nói hết được!”.

Nguồn Vnmedia