Nghề làm đẹp bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết

Cận Tết Nguyên đán, gia đình nào cũng muốn nhà cửa khang trang, sạch đẹp và việc trang trí những nơi trang trọng như bàn thờ tổ tiên rất được quan tâm. Đáp ứng nhu cầu này, khoảng giữa tháng Chạp, dịch vụ đánh bóng lư đồng được dịp nở rộ, vừa phục vụ nhu cầu khách hàng vừa mang lại thu nhập khá cho nhiều lao động vào dịp Tết.

Vài bộ lư đồng đã được đánh bóng chuẩn bị giao cho khách hàng.

Khoảng giữa tháng Chạp, dạo quanh các tuyến đường nội ô ở TP. Mỹ Tho có nhiều điểm nhận đánh bóng lư đồng. Để làm nghề này, đồ nghề khá đơn giản, chỉ cần bộ mô tơ, sáp, bành vải, cước… nhưng không phải ai cũng làm được do công việc đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, sự khéo léo và đặc biệt là tính tỉ mỉ, kiên trì vì phải thực hiện nhiều công đoạn. Ông Đinh Ngọc Thạch- cơ sở Đức Thành, Phường 1, TP. MỹTho- người có trên 38 năm làm nghề này cho biết: “Muốn làm bộ lư đồng trở nên sáng đẹp thì phải trải qua các công đoạn như: ngâm nước me, rửa, chà giấy nhám nước và phơi nắng, khi khô ráo thì đánh cước sạch, sau đó đánh bóng bằng sáp xanh và sáp trắng (sáp bóng)”.

Những người nhận đánh bóng lư đồng, trong những ngày thường sống bằng những nghề khác như sửa xe máy, xe đạp, lao động tự do… nhưng khoảng mười ngày cuối năm âm lịch, họ chuyển sang nghề đánh bóng lư đồng để kiếm thêm thu nhập trong những ngày Tết. Tùy theo kích cỡ và chi tiết của các bộ lư đồng khác nhau mà giá đánh bóng có thể dao động từ 80.000-250.000/bộ. Những bộ lư đồng được khá nhiều người đem đến đánh bóng là: Lư trái đào, lư tròn, lư vuông, lư mắt tre… và nhiều dụng cụ thờ cúng khác. Nhiều điểm đánh bóng lư đồng hành nghề lâu năm có số lượng khách quen nhất định có thể nhận làm từ 4-6 bộ lư đồng mỗi ngày. Như vậy trong vòng từ 9-10 ngày trước tết, sau khi trừ chi phí, người làm nghề này có thể thu nhập trên 5 triệu đồng. Tuy số tiền kiếm được khá nhưng người nhận đánh bóng lư đồng phải thường xuyên tiếp xúc với bụi và những hóa chất có hại cho sức khỏe, đồng thời phải bỏ nhiều công sức để làm cho bộ lư đồng từ bạc màu, cũ kỹ trở nên sáng bóng.

Ông Đinh Ngọc Thạch cho biết: “Bộ lư đồng khó đánh bóng nhất là lư mắt tre vì có nhiều nhánh và chi tiết tỉ mỉ, thứ nhì là bộ lư để quá lâu trở nên đen nên cần phải ngâm và chà giấy nhám, đánh cước để ra chất ten trở nên láng hơn, sau đó mới đánh bóng bằng sáp được”.

Đánh bóng được những bộ lư đồng sáng đẹp, những người làm nghề này thấy vui và hài lòng vì góp phần giúp gia chủ làm đẹp, trang hoàng nhà cửa thêm ấm cúng để đón chào năm mới. Chính vì vậy, đối với những người làm dịch vụ đánh bóng lư đồng trong dịp tết thì việc bỏ công sức làm cho những bộ lư sáng đẹp, ngoài việc kiếm thêm thu nhập mà ý nghĩa khác là giúp tô điểm cho cuộc sống mỗi gia đình thêm trang trọng, sung túc trong năm mới.