Lễ động thổ xây dựng cầu Kinh Xáng ,cầu Trà Lọt, cầu Cổ Cò trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang

       (THTG) Hôm qua, ngày 1/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ động thổ xây dựng các cầu Kinh Xáng thuộc huyện Châu Thành, cầu Trà Lọt, cầu Cổ Cò huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Lễ động thổ được tổ chức tại cầu Trà Lọt huyện Cái Bè. 
       
      Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Phạm Quang Vinh – Phó tổng cục Đường Bộ Việt Nam, ông Dương Minh Điều – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đến dự.
 
       Việc xây dựng 3 cầu Kinh Xáng, Trà Lọt và Cổ Cò là những công trình thuộc dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn I. Các cầu sau khi được xây dựng sẽ nâng cao hiệu quả khai thác trên toàn tuyến, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông do cầu yếu, cầu hẹp và các cầu bị ngập do mưa lũ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người, phương tiện và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông có liên quan. 
 
        Trước ý nghĩa lớn lao của dự án, ông Dương Minh Điều – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra một số kiến nghị để đảm bảo vấn đề giao thông toàn tuyến được thông suốt và hiệu quả. Ông Dương Minh Điều cũng cho biết, về phía Tiền Giang, tỉnh cũng sẽ nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, và sẽ tạo điều kiện để công trình được thực hiện thuận lợi, đúng tiến độ và đạt chất lượng.

        Dự án xây dựng 3 cầu được thực hiện với các nguồn vốn ODA Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng trong nước với tổng kinh phí xây dựng trên 500 tỷ đồng. Trong đó, Cầu Kinh Xáng huyện Châu Thành sẽ được xây dựng với chiều dài cầu gần 450m, rộng 12m. Cầu Trà Lọt với chiều dài cầu gần 420m, bề rộng 12m. Cầu Cổ Cò với chiều dài cầu gần 450m, bề rộng 12m. Công trình sẽ được thi công 19 tháng và sẽ cho phương tiện lưu thông vào năm 2013.

        Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng 3 cầu Kinh Xáng, Trà Lọt và cầu Cổ Cò không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế đối với tỉnh Tiền Giang, mà còn góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân nhất là các vùng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa.