Khóm phụng đón Tết

       Tham gia làm đẹp cho ngày Tết, Tân Phước có sản phẩm “không đụng hàng” đặc trưng vùng đất phèn - Khóm phụng, khóm son. Đến hẹn lại lên, mùa Tết là mùa ăn nên làm ra của những hộ dân dày công với đặc sản này.

Anh Lê Văn Sáu Nhỏ, ấp Mỹ Lộc, Thạnh Mỹ (Tân Phước) chăm sóc khóm phụng.

Đón Tết

        Về ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ trong những ngày này, chúng tôi bắt gặp những trái khóm phụng, khóm son vươn lên khoe màu sắc sặc sỡ như để mời gọi khách mua về làm đẹp cho những ngày xuân. Những ngày qua, nhiều thương lái đã tìm đến để đặt mua. Người trồng miệt mài chăm sóc trái chuẩn bị đưa hàng đi tiêu thụ khi Tết đang đến gần. Anh Lê Văn Sáu Nhỏ, ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ cho biết, trong đợt Tết này anh có khoảng 150 trái khóm phụng đẹp trong tổng số 300 cây cho trái. Vừa qua thương lái đã đến chào giá 130.000 đồng/trái (lấy cả cây để làm kiểng) nhưng anh chưa chịu bán. Họ nói sẽ quay trở lại vào rằm tháng chạp.

Theo anh Sáu Nhỏ, năm nay khóm phụng tỷ lệ cho trái đẹp thấp hơn mọi năm khoảng 20% do thời tiết bất lợi. Để có trái khóm phụng đẹp bán Tết được giá cao, khâu chăm sóc, xử lý rất công phu. Ngay từ khoảng trung tuần tháng 8 âm lịch (âl), anh đã bón phân tăng dinh dưỡng cho cây, sau đó xử lý bằng khí đá. Nhưng bù lại lợi nhuận khá nên ai nấy cũng vui. “Năm rồi, tôi bán khóm phụng Tết được 15 triệu đồng. Năm nay chắc cũng khoảng như thế. Từ nay đến ngoài 20 al, các thương lái đến từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận đến đặt mua, tìm hiểu giá rất nhiều. Giá khóm phụng thường dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/trái với yêu cầu trái phải đẹp, nhiều con, đuôi xòe. Giá cao như thế nhưng năm nào cũng đắt hàng. Nhờ vậy mà năm nào chúng tôi cũng có cái Tết ấm cúng” - anh Sáu Nhỏ phấn khởi.

Không chỉ khóm phụng, khóm son cũng đang tất bật vào mùa Tết. Dù giá khóm son không cao, chỉ khoảng 10.000 - 30.000 đồng/trái nhưng tỷ lệ cho trái đạt yêu cầu cao, công chăm sóc nhẹ, hộ trồng nhiều cũng cho lợi nhuận cao. Khóm có màu đỏ như son, lạ nên cũng được thị trường ưa chuộng. Ông Lê Văn Ngự, ấp Mỹ Lộc có khoảng 1.000 trái bán chưng Tết trong tổng số 1.500 cây khóm son của vườn nhà. Ông cho biết năm nay khóm son to, đẹp hơn năm rồi nên khả năng bán được giá cao. “Mấy ngày qua, có nhiều thương lái điện đến hỏi mua nhưng tôi chưa nhận tiền cọc của ai. Do có thị trường tiêu thụ nên người trồng khóm không sợ ế” - ông Ngự tin tưởng.

Hiện nay, có nhiều hộ trồng khóm phụng, khóm son nhưng có khoảng 10 hộ trồng tập trung với số lượng lớn chủ yếu ở ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước), số còn lại trồng số lượng không nhiều và phần lớn khóm này trồng xen với các cây trồng khác hay tận dụng diện tích còn lại quanh nhà.

Hút hàng và tính chuyện phát triển

Khóm phụng, khóm son được đưa về trồng ở Thạnh Mỹ cách nay trên 10 năm nhưng đến nay, cả xã Thạnh Mỹ số hộ trồng 2 loại khóm này với số lượng lớn không nhiều. Nguyên nhân do việc xử lý để cho trái khóm đẹp bán giá cao rất khó. Tuy nhiên, vài năm gần đây, trước nhu cầu khóm phụng, khóm son (khóm kiểng) ổn định giá ở mức cao, lại không tốn nhiều diện tích trồng (tận dụng đất trống, quanh nhà), chi phí xử lý thấp, một số nông dân bắt đầu tính đến chuyện phát triển thêm loại khóm này. Anh Lê Văn Sáu Nhỏ cho biết, hiện tại anh đã trồng thêm 300 cây khóm phụng. Sang năm, anh sẽ trồng thêm khoảng 1.000 cây phụng nữa.

Ông Hà Văn Bảy, một trong những nông dân kỳ cựu trồng khóm phụng ở đây cho biết, thương hiệu khóm phụng Tân Phước được nhiều người biết đến, họ thường tìm đến mua mỗi dịp lễ, Tết, nhất là dịp Tết lượng cung không đủ cầu. Vì thế ông dự tính, sang năm ông sẽ trồng thêm 300 cây khóm phụng.

Ông Nguyễn Văn Kết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ cho biết, năm nay số lượng trồng khóm phụng, khóm son giảm đi phần nào do một số diện tích trồng ngoài đê bao bị nước ngập chết. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi vào thời điểm xử lý, dù tỷ lệ cho trái vẫn đảm bảo nhưng tỷ lệ trái đẹp đạt thấp. Ngoài ra, giá khóm phụng, khóm son năm nay vẫn sẽ ở mức cao do sau hơn 10 năm xuất hiện và phát triển trên vùng đất Đồng Tháp Mười này thương hiệu khóm phụng, khóm son nơi đây được nhiều tỉnh, thành biết và đến tìm mua. Những năm gần đây, vào dịp Tết, khóm không đủ bán. Vì thế, hiện nay, một số hộ dân trồng những loại khóm này đang có hướng phát triển thêm loại khóm này. Tuy nhiên, theo ông, thị trường khóm phụng, khóm son (khóm kiểng) đang được mở rộng, nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng hiện nay mạnh ai nấy làm, không có địa chỉ cụ thể tập trung số lớn cung ứng cho khách, cũng như tạo thuận tiện cho khách đến liên hệ đặt mua dễ dàng. Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ tiến hành vận động những hộ trồng khóm kiểng này cùng tham gia tổ hợp tác để có điều kiện phát triển thêm diện tích, việc tiêu thụ được thuận lợi hơn, để khóm phụng ngày càng lan tỏa, làm đẹp ngày Tết trong nhiều gia đình!