Hợp long cầu Cao Lãnh, Đồng Tháp

1

Lễ hợp long cầu Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Ngày 1-9, tại Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) và các nhà thầu phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hợp long cầu Cao Lãnh. Đây là cây cầu thứ hai, sau cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền.

Cầu Cao Lãnh nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu.

Công trình cầu Cao Lãnh thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Công. Đây là dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của khu vực.

Dự án có tổng mức đầu tư 145 triệu USD, tương đương 3.038 tỷ đồng, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 2.015m, gồm phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, có khẩu độ nhịp chính dài 350m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực, có chiều cao 123,4m. Cầu dẫn phía bắc và phía nam sử dụng dầm Super-T bê-tông cốt thép dự ứng lực, gồm 17 nhịp. Cầu có bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m.

Tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công dự án là Liên danh tư vấn quốc tế CDM Smith Inc. (Mỹ) – WSP Finland Ltd (Phần Lan) – Yooshin Engineering Corporation (Hàn Quốc). Nhà thầu xây dựng là Liên danh Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C (Việt Nam).

Cầu Cao Lãnh kết hợp với cầu Vàm Cống khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Tháp, đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời kết nối các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực cho liên kết, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn nhandan.com.vn