Tự hào thành phố mới Gò Công

(THTG) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1013 về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2024.  Kết quả này là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công để thị xã chuyển mình lên thành phố.

Thị xã Gò Công được xem là đô thị cổ của tỉnh Tiền Giang, là hạt nhân vùng kinh tế đô thị phía Đông của tỉnh. Với sự nỗ lực Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội của thị xã năm 2023 đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Thương mại dịch vụ được xem là kinh tế mũi nhọn của Thị xã. Thị xã Gò Công hiện có 12 chợ, 8 siêu thị và cửa hàng tiện ích đang hoạt động phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của người dân.

Năm 2016, Co.opmart Gò Công ra đời được xem là điểm nhấn quan trọng phân phối hàng Việt và hàng bình ổn giá, cầu nối đưa hàng hóa, đặc sản của tỉnh Tiền Giang nói chung và thị xã Gò Công nói riêng phân phối trong hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc. Co.opmart Gò Công được xây dựng hiện đại, vốn đầu tư thiết bị và hàng hóa khoảng 60 tỷ đồng, cung cấp hơn 30.000 mặt hàng đa dạng các ngành hàng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng… với cơ cấu hàng Việt đến 90%.

Cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội…của thị xã Gò Công ngày càng phát triển. Ảnh: nhóm phóng viên 

Đi đôi với việc phát triển thương mại dịch vụ, các dự án, công trình, hệ thống hạ tầng giao thông cũng được quan tâm, đưa vào hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thị xã. Điều này cho thấy môi trường đầu tư ở Gò Công ngày càng thông thoáng, thu các nhà đầu tư quan tâm trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Trường Mần non tư thục Hoa Lan ở Thị xã Gò Công là 1 trong những mô hình thí điểm đầu tư theo hướng xã hội hóa đầu tiên do Công ty Xây dựng Hiệp Hòa thành phố Mỹ Tho đầu tư và đưa vào hoạt động năm 2015, trường đáp ứng các tiêu chí về chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại. Trường có 26 phòng học, phòng thể dục nhịp điệu, phòng anh văn…. Tổng kính phí đầu tư trên 40 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, thị xã tập trung xây dựng mô hình sản xuất sạch, bền vững, chăn nuôi hướng đến thích hợp biến đổi khí hậu và quá trình hóa đô thị.

Bên cạnh quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế, phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, thị xã Gò Công dành nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội để phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…

Với việc tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, kinh tế – xã hội thị xã ngày càng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2023, cơ cấu giá trị sản xuất: Khu vực I (Nông – lâm – ngư nghiệp) chiếm 28,96%; khu vực II (Công nghiệp – xây dựng) chiếm 35,57%; khu vực III (Thương mại – dịch vụ) chiếm 35,47%.

Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 1,04% năm 2022 còn 0,43% năm 2023; tỉ lệ thất nghiệp thành thị hiện này là 1%. Thu nhập của người dân ngày càng cao, đặc biệt đối với khu vực nội thị và các xã xây dựng nông thôn mới thì luôn đạt hơn 72 triệu/người/năm.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở mức cao: cao nhất là tiểu học đạt 100%; kế đến Trung học cơ sở đạt trên 71%; Mần non đạt trên 66%. Các chỉ tiêu về môi trường đạt và vượt nghị quyết đề ra. Công tác quốc phòng an ninh giữ vững.

Để thành phố Gò Công thành trở thành đô thị văn minh hiện đại, xứng tầm là trung tâm của vùng kinh tế đô thị phía Đông của tỉnh. Gò Công đã và đang có những định hướng quan trọng.

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, cùng với những định hướng phát triển và giải pháp triển khai thực hiện hết sức cụ thể, thành phố Gò Công trong tương lai sẽ tiếp tục vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thời kỳ mới và thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phát triển nhanh, toàn diện, mở rộng các mối quan hệ giao lưu phát triển kinh tế, xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng kinh tế đô thị phía Đông của tỉnh.

Thùy Trang