Hội thảo bệnh chổi rồng hại nhãn ở Tiền Giang và các tỉnh phía Nam.

(THTG) Ngày 17/8, tại Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Phó giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục trồng trọt –Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì cuộc hội thảo tình hình bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn ở Tiền Giang và các tỉnh, thành phía Nam.

Bệnh chổi rồng được các nhà khoa học đánh giá là bệnh nguy hiểm nhất trên cây nhãn hiện nay. Bệnh xuất hiện rải rác từ năm 2003, đến nay đã bộc phát thành dịch, với tổng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh ở các tỉnh phía Nam lên đến trên 10.500 hecta. Bệnh gây hại nặng trên các vườn nhãn tiêu da bò. Tác nhân truyền bệnh là nhện lông nhung. Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học thống nhất đưa ra quy trình phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn như sau: cắt bỏ toàn bộ các cành bị bệnh và đem đốt, bón phân cho cây cần bón cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ sẽ làm giảm tỷ lệ nhện gây hại, xử lý cho cây ra hoa đồng loạt, nhanh, đọt khỏe để hạn chế bệnh. Tiến hành phun thuốc trừ nhện lông nhung. Nên luân phiên các loại thuốc có gốc thuốc khác nhau để tránh tính kháng thuốc của nhện. Không nên nhân giống từ cây bị bệnh chổi rồng. Ở những vùng nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng có thể áp dụng ghép thay bằng giống nhãn xuồng cơm vàng.

Tỉnh Tiền Giang hiện là địa phương có diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng gây hại nặng đứng thứ nhì phía Nam, với tổng diện tích nhiễm bệnh đến thời điểm này trên 2.000 hecta, mức độ thiệt hại từ 30 đến 80%. Hiện tỉnh đang tập trung hướng dẫn nhà vườn thực hiện quy trình phòng trị bệnh chổi rồng tổng hợp để khôi phục lại các vườn cây.