Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit: 600 thỏa thuận quốc tế đang chờ

Với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh ngày 9-1 đã thông qua thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), qua đó dọn đường để Brexit được thực hiện vào ngày 31-1 tới sau nhiều năm trì hoãn.
brexit_xxfz
Phiên thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện ngày 9-1

Chấm dứt tư cách thành viên gần 50 năm

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit vào ngày 31-1-2020 mà ông Johnson đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Các bước phê chuẩn cuối cùng được thực hiện ngay sau Giáng sinh khi Hạ viện làm việc tới ngày 9-1 để thông qua dự luật và có 3 tuần để thỏa thuận được Thượng viện thông qua trước khi được Hoàng gia Anh phê chuẩn.

Việc Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit đã chấm dứt một thời kỳ đầy kịch tính về chính trị, với sự ra đi của 2 chính phủ và khiến đất nước được mệnh danh là “xứ sở sương mù” bị chia rẽ. Phần lớn thời gian kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào năm 2016, các nhà lập pháp Anh đã tranh cãi liên miên về cách thức, thời điểm hoặc thậm chí là câu hỏi liệu Anh có nên rời bỏ các đối tác thương mại gần gũi nhất với nước này sau gần 50 năm gắn bó hay không. Giờ đây, nước này đã có thể khởi động các cuộc đàm phán về thương mại với Brussels.

Dự luật trên vẫn phải được Thượng viện Anh và Nghị viện châu Âu thông qua trước khi London chấm dứt tư cách thành viên kéo dài gần 50 năm trong dự án hội nhập châu Âu.

Không đủ thời gian cho tất cả các vấn đề

Sau khi chính thức rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại với EU trong thời kỳ chuyển tiếp. Cùng ngày, sau khi Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết, Anh là một nước thành viên của EU tham gia 600 thỏa thuận quốc tế và các thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay khi giai đoạn chuyển tiếp cho Brexit hết hạn. Do đó “thời gian đàm phán là rất ngắn”.

Ông Barnier nêu ra 3 lĩnh vực mà ông muốn ưu tiên trong các cuộc đàm phán giữa EU với Anh. Thứ nhất, ưu tiên các cuộc đàm phán về việc tạo một cấu trúc để EU và Anh tiếp tục gặp mặt định kỳ, nhằm điều phối lợi ích chung trong các vấn đề khí hậu, hòa bình Trung Đông và nhiều hơn nữa. Thứ hai, EU và Anh sẽ hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh để chống khủng bố, tội phạm mạng, các mối đe dọa từ nước ngoài… Thứ ba, hai bên sẽ thảo luận để thống nhất một thỏa thuận thương mại sâu rộng, gồm cả việc đánh bắt cá, vốn yêu cầu Anh tuân thủ theo luật lao động của EU, tiêu chuẩn môi trường, thuế quan và trợ cấp nhà nước. Theo tờ Daily News của Thụy Điển, ông Barnier đã đến Stockholm sau cuộc họp ở London (Anh). Ông đang có chuyến công du các quốc gia thành viên EU để lắng nghe mối quan tâm của các nước này trước khi diễn ra các cuộc đàm phán mới với Anh.

Trước đó, trong khi đang ở thăm London ngày 8-1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula van der Leyen đã dự đoán về “các cuộc đàm phán khó khăn” với Anh về mối quan hệ trong tương lai của nước này với EU một khi Brexit xảy ra vào cuối tháng này sau nhiều năm trì hoãn. Người đứng đầu EC cũng cảnh báo rằng không còn có đủ thời gian để đàm phán về tất cả các khía cạnh của mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh vào cuối năm nay nên cả hai bên sẽ phải chọn ra những vấn đề mình thực sự muốn tập trung.

Chính phủ Anh cũng cho biết có thể tìm kiếm thỏa thuận từng phần EU trong giai đoạn hậu Brexit, trong đó tạm gác lại một số vấn đề chưa được giải quyết, nhưng vẫn để ngỏ khả năng rời EU mà không có thỏa thuận nào vào cuối năm nay.

Nguồn SGGP