Gương mặt đoạt giải cuộc thi cảm nhận “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh”

Gần nửa thế kỷ chôn vùi trong lòng đất, cuốn nhật ký với những trang giấy ố vàng đã mục nát nhiều chỗ. Nhưng thật kỳ diệu, lần giở những dòng chữ còn đọc được thấy biểu hiện hoài bão và lý tưởng sống cao đẹp của một nữ thanh niên trong những năm 60 thế kỷ trước. Nhật ký của Nhà giáo – Liệt sĩ Lê Thị Thiên đã để lại biết bao cảm xúc, minh chứng đó là hơn 5.000 bài dự thi viết cảm nhận về “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh.

a
Cô Đàm Thị Xuân Uyên, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân, đạt giải Nhất thể loại văn xuôi.

    Cô Đàm Thị Xuân Uyên, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân, đoạt giải Nhất thể loại văn xuôi. Là giáo viên giảng dạy môn Tin học hơn 10 năm, nhưng tham dự các cuộc thi cô Uyên đều viết tay những dòng cảm xúc của mình.

Được biết, cô Uyên từng đạt giải Nhất cấp tỉnh viết cảm nhận Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giải Nhì cuộc thi viết tấm gương tiêu biểu trong ngành Giáo dục.

Với những dòng chữ nắn nót cô đã thể hiện cảm xúc của mình khi đọc nhật ký của Nhà giáo – Liệt sĩ Lê Thị Thiên một cách chân thành nhất:

Tôi học được ở Nhà giáo Lê Thị Thiên một tinh thần cầu tiến, một ý chí phấn đấu, một sự tu dưỡng, rèn luyện không mệt mỏi. Vừa chiến đấu vừa giảng dạy nhiệm vụ nào chị cũng hoàn thành, bởi trong từng dòng nhật ký ghi lại, chị đã nghiêm túc với bản thân mình trong từng công việc dù là nhỏ nhất.

Là giáo viên may mắn sống trong thời bình, những dòng nhật ký của chị Thiên đã tác động mạnh mẽ đến chúng tôi (đội ngũ nhà giáo), nhắc nhở, động viên chúng tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình. Đất nước đang từng ngày đổi mới, cần lắm những bàn tay, khối óc của những người trẻ dám dấn thân. Quyển nhật ký là hành trang, tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ hôm nay biết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Em Trần Minh Bảo, học sinh lớp 11 Anh Trường THPT Chuyên Tiền Giang, đạt giải Nhì thuộc thể loại thơ (không có giải Nhất). Là học sinh chuyên Anh nhưng Bảo rất yêu thích văn học. Bằng cảm xúc chân thật em tham gia viết cảm nhận “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh” bằng  một bài thơ hay:

Những dòng ghi cảm xúc đong đầy
Của ai còn để lại đây
Mà nghe tiếng nói của ai vọng về
Rời mái trường tham gia cách mạng
Vừa dạy học vừa giúp địa phương
Ơi người con gái mến thương
Tuổi mười bảy đã gió sương chiến trường
Lê Thị Thiên chính là chị đấy
Tuổi đôi mươi xanh mãi màu mây
Tóc dài kẹp thả ngang vai
Ánh trong sáng miệng hay tươi cười
Chị vui sống học tập chiến đấu
Rèn luyện mình phấn đấu vươn lên….

Cùng với rất nhiều nữa những đoàn viên, thanh niên, em xin hứa ra sức học tập, rèn luyện đạo đức trở thành người công dân có ích cho đất nước, phát huy hơn nữa những truyền thống quý báu của thanh niên Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để không chỉ trong thời chiến, mà bao giờ cũng vậy, thế hệ trẻ Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh “Thế hệ Hồ Chí Minh”- Bảo bộc bạch.

Thượng uý Lê Văn Bớt, Trợ lý thanh niên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đạt giải Nhì thể loại văn xuôi.Là thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình, khoác lên mình màu xanh áo lính, màu xanh hy vọng và là thế hệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

a
Thượng uý Lê Văn Bớt, Trợ lý thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đạt giải Nhì thể loại văn xuôi

     Thượng úy Lê Văn Bớt tâm sự: Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh như một kỷ vật sống, minh chứng cho thế hệ hào hùng của cha anh, dù nhật ký đã nằm sâu gần năm mươi năm dưới lòng đất lạnh với thời gian là hôm qua nhưng lịch sử vẫn hôm nay, thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và bản thân tôi nói riêng cần cố gắng phấn đấu học tập theo gương Nhà giáo – Liệt sĩ Lê Thị Thiên, để làm sao hình ảnh của chị luôn sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta học ở chị lòng yêu quê hương đất nước, quyết đem sức trẻ của mình cống hiến cho Tổ quốc thân yêu, học ở chị lý tưởng sống cao đẹp, luôn tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Một tấm gương sáng còn hơn cả trăm bài diễn văn hay. Thật vậy chúng ta phải bắt đầu từ nhận thức đúng đắn và hành động thiết thực, việc làm cụ thể, thể hiện rõ trách nhiệm của mình cần phải làm gì xứng đáng với sự hy sinh to lớn ấy.

Tự hào là thế hệ trẻ hôm nay chúng ta phải trân trọng, giữ gìn và đặt lòng mình vào từng trang nhật ký ấy. Nhật ký tuổi trẻ tuổi hai mươi của anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm, hay chị Lê Thị Thiên chưa bao giờ kết thúc mà nó đã để lại cho chúng ta viết tiếp hôm nay.

Nguồn Ấp Bắc