Gò Công Đông: Khẳng định vị thế kinh tế biển

     Gò Công Đông là một trong 2 huyện giáp biển của tỉnh Tiền Giang. Với 26 km bờ biển và 2 cửa sông lớn ở hai đầu Nam, Bắc thông ra biển Đông: Phía Đông nối liền Cần Giờ, Cảng Hiệp Phước - TP. Hồ Chí Minh qua sông Soài Rạp, Bà Rịa Vũng Tàu; phía Bắc tiếp giáp với huyện Tân Phú Đông và tỉnh Bến Tre. Tuyến đê biển vừa phục vụ chiến lược quốc phòng, phòng chống bão, triều cường vừa kết nối giao thông toàn vùng. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa đã tạo điều kiện cho huyện khẳng định vị thế kinh tế biển của tỉnh.

Dự án khu công nghiệp đang được huyện Gò Công Đông đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay, huyện Gò Công Đông đã có sự chuẩn bị nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư khu vực dọc sông Soài Rạp, trước mắt sẽ đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mà tỉnh cho phép nghiên cứu dự án như: Công ty Cổ phần năng lượng Tiền Giang với Dự án Cảng biển tổng hợp; Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh với Dự án Kho cảng và nhà máy lọc dầu; Công ty cổ phần Cảng quốc tế Nam Sài Gòn với Dự án Cảng quốc tế Nam Sài Gòn khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang được bàn giao mặt bằng như: Khu công nghiệp dịch vụ Dầu khí Soài Rạp. Ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới, trước mắt tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở nông thôn, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế biển, huyện sẽ thực hiện tốt công tác chăm sóc, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Thực hiện khảo sát và phân cấp rừng phòng hộ. Thường xuyên thực hiện trồng cây phân tán dọc theo các tuyến kênh, trục giao thông nông thôn. Triển khai xây dựng dự án quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung nhất là con nghêu và con tôm nhằm tạo điều kiện cải tạo hệ thống môi trường, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các giống loại nuôi phù hợp với thị trường. Trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho các tàu đánh bắt xa bờ đầu tư phương tiện, quản lý tốt chất lượng sản phẩm sau đánh bắt. Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác biển nhằm gia tăng hiệu quả đánh bắt kết hợp với bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh vùng biển.

Ngoài ra, huyện đang huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị thị trấn Vàm Láng để xứng tầm là khu trung tâm kinh tế biển, giao lưu kinh tế với các vùng phụ cận (Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Phước, Tân Điền, Cần Đước, Cần Giờ, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh…). Đồng thời là trung tâm trung chuyển hàng thủy hải sản của huyện và có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng. Hoàn thiện mạng lưới chợ đầu mối, bến bãi các loại, mạng lưới chợ nông thôn, tạo ra thị trường thông thoáng ổn định. Phát triển mô hình hợp tác xã kinh doanh dịch vụ, góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Huyện đang tiếp tục mời gọi đầu tư hoàn chỉnh Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành. Mở rộng và phát triển kết nối các tuyến du lịch sinh thái với du lịch văn hóa. Tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch gắn liền với tổ chức quản lý tôn tạo các khu du lịch, khu di tích, đảm bảo an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nâng cao chất lượng toàn diện của các lực lượng vũ trang, làm nòng cốt cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phối hợp lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc địa bàn. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, quốc phòng với an ninh, nhất là an ninh trật tự vùng biển; gắn chặt phát triển công nghiệp, du lịch với việc giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

Trời phú cho vị trí địa lý và con người tạo ra một nền tảng cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, huyện Gò Công Đông đã và đang thay da đổi thịt. Với sự quyết liệt từ tỉnh đến huyện, tin rằng chúng ta sẽ nhìn thấy một đô thị biển của tỉnh Tiền Giang trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, địa hình thuận lợi cho việc giao thông đi lại. Mặt biển còn là nơi hội tụ của các giống loài thủy sản như nghêu, sò, tôm, cá các loại. Với đặc thù và lợi thế về địa lý kinh tế nên huyện có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển như: Phát triển cảng sông, cảng biển đa năng dọc sông Soài Rạp, phát triển thương mại - dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; phát triển công nghiệp và du lịch.