Địa chí Tiền Giang: Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ XIX

Quá trình hình thành vùng đất và con người Tiền Giang

Từ đầu thế kỷ XVII, do tình hình chiến tranh liên miên giữa hai họ Trịnh – Nguyễn, cùng nạn sưu cao thuế nặng, nạn bắt phu, bắt lính, một số người Việt từ Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã bỏ quê hương đi dần vào miền Nam tìm nơi yên ổn, ruộng đất phì nhiêu để sinh sống. Ngoài ra, cũng có một số ít đến từ đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Họ chủ yếu là nông dân nghèo khổ. Trong số đó, nhiều người đã dừng chân tại vùng đất Tiền Giang ngày nay để lập nghiệp. Năm 1679, một nhóm người Trung Quốc, thường gọi là người Minh hương, không chịu thần phục nhà Thanh, đã bỏ chạy vào Đàng Trong và được chúa Nguyễn chỉ định vào ở vùng Biên Hòa và Mỹ Tho. Cũng trong khoảng thời gian này, chúa Nguyễn bắt đầu cử quan lại và mộ thêm dân đưa vào khai phá miền Nam, lập ra các khu vực đồn điền hay còn gọi là trại ruộng. Nam thanh niên sống ở trại ruộng, ngoài việc cày cấy, còn giữ nhiệm vụ canh giữ đất đai, hoa màu, chống trộm cướp quấy phá.

Nhờ sự cần cù, quả cảm, sáng tạo, tinh thần tương thân, tương ái trong lao động của những người khai hoang, kết hợp một số chính sách, biện pháp khẩn hoang của chính quyền chúa Nguyễn, đến cuối thế kỉ XVIII, diện mạo vùng Tiền Giang đã được thay đổi một cách cơ bản, tạo điều kiện cho việc mở rộng địa bàn khai phá và phát triển nông nghiệp vào những thời kỳ tiếp theo.

Đến năm 1698, chúa Nguyễn bắt đầu đặt ra các khu vực hành chính ở Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, còn khu vực Tiền Giang thì chỉ mới đặt nửa chính quyền và một ít luật lệ lỏng lẻo. Mãi đến năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần mới chính thức lập ra đạo Trường Đồn, bao gồm một phần Tân An, cả Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre và trọn vùng Đồng Tháp Mười. Đạo Trường Đồn lúc đó là một vùng đất đai trù phú, ruộng tốt xen với đất giồng, trồng lúa và nhiều loại nông sản khác, dân cư đông đúc.

Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, đơn vị hành chính Tiền Giang đã được hình thành và đi vào ổn định. Điều đó đã góp phần đẩy mạnh tốc độ khai hoang và phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.

Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn