Có bệnh đến bác sĩ gia đình

Ngay hôm nay 18-2, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai thí điểm mô hình “bác sĩ gia đình” theo chủ trương của Chính phủ. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Vĩ – phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang) – cho biết:

 UBND tỉnh đồng ý thí điểm mô hình “bác sĩ gia đình” tại năm điểm ở TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Đông trong năm 2013. Riêng Sở Y tế chọn hai phòng khám đa khoa tư nhân là Phòng khám đa khoa Dân An (TP Mỹ Tho) và Phòng khám đa khoa Thủ Khoa Huân (thị xã Gò Công); một nhóm mười bác sĩ chuyên khoa có phòng mạch tư ở phường 2, TP Mỹ Tho và hai cơ sở y tế công lập ở huyện Gò Công Đông, huyện Chợ Gạo thực hiện mô hình này. Dự kiến bước đầu sẽ có 25.000-30.000 người được “bác sĩ gia đình” theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh thường xuyên.


* Khi nào “bác sĩ gia đình” ở các phòng khám này bắt đầu hoạt động?

– Sở Y tế sẽ phối hợp với Trường ĐH Y dược TP.HCM tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về “bác sĩ gia đình” cho hơn 30 bác sĩ. Những bác sĩ nào đã có chứng nhận này thì bắt tay làm ngay, không phải đi tập huấn nữa.

Làm trước nhất là Phòng khám đa khoa Dân An tại TP Mỹ Tho. Theo kế hoạch, đầu tháng 3-2013 sau khi đã hoàn tất việc ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang. Song song đó là nhóm mười bác sĩ chuyên khoa ở phường 2 (TP Mỹ Tho) cũng đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng với Bảo hiểm xã hội để sớm bắt tay vào việc. Sau đó tới Phòng khám đa khoa Thủ Khoa Huân ở thị xã Gò Công và hai phòng khám công lập ở huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông. Chậm nhất là tháng 5-2013 tất cả năm điểm này sẽ hoạt động.

* Ông có thể nói rõ hơn về mô hình “bác sĩ gia đình”?

– Phòng khám đa khoa thực hiện mô hình “bác sĩ gia đình” là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân ở địa phương, tương đương với trạm y tế, nhưng cũng có vai trò là bệnh viện tuyến huyện vì có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị. Tuy nhiên, cái hay của “bác sĩ gia đình” là bệnh nhân sẽ được bác sĩ quản lý thông tin sức khỏe toàn diện như: nhóm máu, các bệnh mà bệnh nhân từng mắc, tiền sử bệnh, các kết quả xét nghiệm, gia phả, quá trình sử dụng thuốc, dị ứng thuốc và sẵn sàng đến nhà khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Theo kinh nghiệm của thế giới, mô hình “bác sĩ gia đình” đem lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe cao nhất mà ít tốn kém nhất. Mô hình này vừa giúp giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên, vừa giúp giảm nguy cơ “thủng” quỹ BHYT và quan trọng hơn là người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Trước mắt, chúng tôi đề ra kế hoạch mỗi “bác sĩ gia đình” chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, khám chữa bệnh cho 500 người.

* Điều mà người bệnh băn khoăn nhất có lẽ là chi phí khám chữa bệnh của mô hình “bác sĩ gia đình”. Ông nói được BHYT thanh toán, cụ thể là như thế nào?

– Ở hai cơ sở y tế công lập sắp triển khai là trạm y tế xã thì bệnh nhân được thanh toán BHYT theo quy định. Còn ở ba điểm tư nhân, bệnh nhân cũng được thanh toán chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc điều trị theo đúng quy định của BHYT. Tuy nhiên do giá khám bệnh và xét nghiệm ở các phòng khám tư nhân cao hơn bệnh viện công lập nên bệnh nhân phải tự thanh toán khoản chênh lệch này. Ví dụ: BHYT thanh toán tiền công khám 10.000 đồng/lần, còn phòng khám tư nhân thu 20.000 đồng/lần thì bệnh nhân chỉ trả thêm 10.000 đồng/lần khám.

* Ông có nói “bác sĩ gia đình” sẵn sàng đến nhà khám cho bệnh nhân?

– Đúng vậy. Những bệnh nhân lớn tuổi, đi lại khó khăn có thể yêu cầu phòng khám đa khoa nơi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cử bác sĩ đến tận nhà khám. Thường thì dịch vụ này bệnh nhân phải trả tiền.