Chùa Vĩnh Tràng

           Tọa lạc trên địa phận xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ, độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Dân gian nói rằng: Đến Tiền Giang, nếu đã tham quan hương vị sông nước miệt vườn ở cù lao Thới Sơn, ngắm khu bảo tồn thiên nhiên ở trại rắn Đồng Tâm rồi… thì phải thưởng thức vẻ đẹp kết hợp nét kiến trúc châu Âu lẫn châu Á của chùa Vĩnh Tràng mới là trọn vẹn.
                                 Chùa Vĩnh Tràng.

               Theo tỉnh lộ 22 về hướng Đông Bắc TP Mỹ Tho chừng 5km, chùa Vĩnh Tràng hiện ra uy nghiêm trong lạc cảnh thanh tịnh. Điều làm cho du khách ngạc nhiên nhất khi đến đây là kiến trúc của ngôi chùa này. Kiểu kiến trúc ấy không giống như những ngôi chùa truyền thống Việt Nam với mái uốn cong, với những trạm khắc long phụng mà mang một nét rất riêng biệt. Mới nhìn chùa từ xa, du khách thấy chùa có nét giống những ngôi đền của Cam-pu-chia, vừa lại giống một ngôi nhà cổ của Pháp hoặc một lâu đài nào đó của I-ta-li-a…

                Điểm thu hút ánh mắt du khách đầu tiên là vẻ đẹp rực rỡ của cổng Tam quan. Khu cổng này do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu. Nét độc đáo của cổng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ tạo nên những bức tranh màu sắc hài hòa, kể về sự tích nhà Phật, những câu chuyện dân gian, miêu tả tứ quý, tứ linh, hoa lá… Tất cả đều thể hiện sự sống động vui tươi. Ngôi chùa được xây dựng theo dạng chữ “quốc” của Hán tự, gồm bốn gian nối tiếp nhau: Tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu. Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp á âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong, có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú. Trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phương Đông.

            Những mộ cổ trong khuôn viên chùa.

            Chùa Vĩnh Tràng đang bảo tồn hơn 60 tượng Phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung… được thếp vàng óng ánh và được tạc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng bằng gỗ 18 vị La Hán ở hai bên tường chánh điện được tạc vào đầu thế kỷ XX, mỗi tượng cao khoảng 0, 8m. Bộ tượng này là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thỏ, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là “lục căn”. Khuôn viên chùa là những vườn cây cảnh trồng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, những hồ nước thơm ngát hương sen và những cây cổ thụ che trùm bóng mát, tạo nên sự hài hòa tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc.

          Nhân dân địa phương kể rằng, trước kia chùa vốn là một thảo am, do ông Tri huyện Bùi Công Đạt thời vua Minh Mạng xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là “Vĩnh Tràng”. Theo các chuyên gia văn hóa thì có thể xem chùa Vĩnh Tràng là sự phản ánh lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung. Hằng ngày, ngoài thiện nam tín nữ phật tử đến chiêm bái, còn có nhiều khách du lịch đến tham quan chùa Vĩnh Tràng. Du khách đến đây, vừa tìm về chốn tâm linh thanh bình, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một di sản văn hóa quốc gia.

Phật A Di Đà

Tượng Phật A Di Đà cao 18m trong công viên chùa Vĩnh Tràng.

Cổng chùa

Nét độc đáo của cổng tam quan này thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành sứ có giá trị (sứ Trung Hoa, Việt Nam) minh họa lịch sử nhà Phật, in hình long, lân, quy, phượng, canh, mục, ngư, tiều, mấy câu đối cũng cẩn bằng miếng chai nổi màu sắc óng ánh trông rất đẹp.

Tượng Di Lặc

Tượng cao 20m, có chiều dài 27m, chiều rộng 18m, tổng trọng lượng nặng 250 tấn, được tạo hình ở tư thế an tọa rất gần gũi cuộc sống với nụ cười an nhiên và chiếc bụng to đặc trưng của ngài Di Lặc

Kiến trúc khá tinh vi, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á – Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm).

Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng lại mang một kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây

Giữa không gian trống của phía sau chánh điện và nhà tổ còn có một hòn non bộ phác họa cảnh núi non chùa tháp, thiên nhiên hữu tình mang đậm bản sắc Việt Nam