Chủ động phòng, chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2014

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-UBND về việc phòng chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2014 trên địa bàn tỉnh.

Khai thác hợp lý các cống thủy lợi để chủ động ngăn mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong ảnh, cống thủy lợi Gà Cát, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh
Khai thác hợp lý các cống thủy lợi để chủ động ngăn mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong ảnh, cống thủy lợi Gò Cát, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành tỉnh, địa phương cần chủ động quán triệt thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết để chủ động đối phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn, mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2014. Đặc biệt các huyện phía Đông của tỉnh phải chủ động lập kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, cháy rừng cho từng vùng, khu vực dự án, địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 125/KH-UBND ngày 14-10-2008 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Các ngành, các cấp kiểm tra và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ ngọt để chủ động đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống hạn, mặn.

UBND các huyện, TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công: Thường xuyên thông báo nhân dân biết tình hình hạn, mặn để chủ động chuẩn bị các phương tiện bơm, tổ chức tốt việc bơm tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn.

Tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô.

Tổ chức trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các tuyến kinh do địa phương quản lý; đồng thời chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 2, cấp 3 để trữ nước, bơm chuyền cứu lúa; bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, phục vụ công tác phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất, không để tình trạng kinh, mương bồi lắng gây thiếu nước tưới.

Đối với những khu vực có cao trình mặt ruộng thấp (từ +0,3 đến +0,5m) phải tổ chức tôn cao bờ bao để bảo vệ những vùng trũng khi hệ thống kinh làm nhiệm vụ tích trữ nước.

Nguồn Báo Ấp Bắc