Chàng trai 7 năm vá đường tình nguyện

Là một thanh niên tình nguyện đi vá những đoạn đường ổ voi, ổ gà, Trần Minh Trung, Bí thư Chi đoàn khu vực Phước Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã nhận được nhiều thiện cảm từ người đi đường và là gương thanh niên tiêu biểu được tuyên dương ở các cấp từ địa phương tới Trung ương.

 

 Trần Minh Trung đang cùng các bạn vá đường – Ảnh: An Thuyên/vnexpress.net 

Tự nguyện vá đường không công

Gần 7 năm qua, chàng trai trẻ Trần Minh Trung đã tự bỏ công, bỏ của, không quản khó nhọc để ngày đêm tình nguyện vá lại những tuyến đường hư hỏng. Lý do đơn giản bởi Trung thích làm các hoạt động xã hội có ích và muốn đảm bảo an toàn giao thông cho bà con trong vùng. Đã có lần Trung chứng kiến có người đi qua nhiều chỗ đường hư hỏng, vấp phải ổ gà, ổ voi rồi xảy ra tai nạn đáng tiếc. Thấy vậy, nên Trung tự đi mua dụng cụ rồi tự vá đường. Dù chẳng qua đào tạo trường lớp nào hay ai hướng dẫn, Trung chỉ biết mua xi măng, cát về trộn đều rồi đem vá vào những chỗ đường hỏng. Khi sửa xong, bà con đi lại sẽ dễ dàng hơn, và Trung không còn phải thấy những tai nạn thương tâm do đường hỏng nữa.

Tuy nhiên, đường vá theo “kiểu của Trung” chỉ được 1 – 2 tháng là lại bong tróc, hư hỏng, lại những điệp khúc cũ khổ cực cho người đi đường hiện ra trước mắt khiến Trung không chịu dừng bước. Tiếp tục mày mò vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, Trung đã nghĩ phải vá bằng nhựa đường thì mới bền, đẹp hơn. Nghĩ vậy, nhưng để làm được là cả vấn đề bởi giá một bao xi măng khác với một thùng nhựa đường trong khi hoàn cảnh gia đình Trung rất khó khăn.

Trung là con út trong một gia đình nghèo có đến 4 anh em, cha mẹ và bà ngoại đã tuổi già sức yếu, lại đau ốm liên miên. Do không có ruộng đất, nên nguồn thu nhập chính của cả gia đình dựa vào việc chăn nuôi bò, thỏ, làm thuê làm mướn. Hai anh trai lớn của Trung đã cưới vợ và ra ở riêng, nên Trung và người anh trai thứ ba phải đi làm để lo lắng trang trải cho cuộc sống gia đình. Thời gian đầu khi Trung đi vá đường tình nguyện, mẹ của anh là bà Trần Thị Quy, thấy con làm lụng cực khổ, lại chẳng có một đồng tiền công để lo cho bản thân nên tỏ ra không mấy hài lòng và cũng có phần ngăn cản.

Để làm vừa lòng mẹ, Trung đã sắp xếp thời gian để vừa đi làm kiếm tiền, vừa vá được những đoạn đường bị hỏng. Trung thường dậy từ rất sớm, lo cắt cỏ về cho bò, cho thỏ, chăm sóc cho bà ngoại xong rồi mới bắt đầu đi vá đường tình nguyện. Cũng có hôm mải miết làm, Trung quên cả thời gian và đói đến mềm người. Tuy nhiên, vì xong việc nên Trung rất hài lòng. Cũng vì suy nghĩ “làm lúc trưa nắng hoặc về đêm sẽ vắng người qua lại, không nguy hại đến tính mạng” nên cứ nhằm những lúc nắng nhất, khuya nhất Trung ra đường sửa, vá, có ngày làm xong cũng đã 3 giờ sáng.

Để có tiền vá đường, Trung đã đi đào đất thuê, hì hục cả tháng trời mới được mấy triệu đồng về đưa cho mẹ, sau đó lại hỏi xin một phần trong số đó, đem tiền đi mua cát, đá rồi đi vá ổ gà cho làng xóm.

Kéo cả cộng đồng vào cuộc

Sự kiên nhẫn và chịu khó của Trung dần dần chiếm được cảm tình từ chính người mẹ, gia đình và bà con hàng xóm. Rõ ràng, những đoạn đường đẹp đi thật êm, chẳng ai bị ngã hay loạng quạng xe. Dần dần, mọi người bắt đầu giúp sức để cùng Trung vá đường. Bắt đầu là mẹ Trung đã tự nguyện bán hai con bò được 40 triệu đồng, rồi cầm tiền đưa cho Trung đi mua vật liệu về để vá đường. Những người trước kia quay lưng lại với công việc tình nguyện của anh, nay cũng đã cảm phục và hiểu cho những cống hiến đó của Trần Minh Trung. Những thanh niên trong xã bắt đầu nhận thấy việc làm của Trung thật có ích và đáng được học tập, noi theo. Không ai bảo ai, những đứa trẻ trong vùng bắt đầu tự nguyện cùng chung sức giúp Trung đi vá đường. Người dân ai có tiền góp tiền, ai có công góp công, những con đường trong xã cứ thế mà ngày càng đẹp hơn, không còn ổ voi, ổ gà nào tồn tại nữa.

 

 

 Trung vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012
Ảnh: Việt Anh/dangcongsan.vn

Giờ đây, số điện thoại của Trần Minh Trung đã trở thành đường dây nóng lúc nào không biết. Hễ có đoạn đường nào hư, bong tróc, là bà con lại gọi cho Trung đến vá. Có khi người dân lại gom góp tiền đưa cho Trung bồi dưỡng, nhưng Trung thường không nhận. Nếu có lấy anh cũng lại dùng tiền đó đi mua dụng cụ, vật liệu để tiếp tục phục vụ cho công việc thầm lặng của mình.

Cũng từ sự mến phục, các thành niên trong khu vực đã bầu Trung làm Bí thư Chi đoàn. Trọng trách này khiến Trung càng tích cực có nhiều hoạt động vì cộng đồng hơn. Nhận thấy sự thiết thực của những việc làm tình nguyện, Trung mạnh dạn phát động, vận động các bạn đoàn viên thanh niên tham gia Đội xã hội từ thiện. Đến nay, Đội có từ 25 – 30 thành viên do Trung làm đội trưởng. Hằng ngày, Đội tham gia đi dặm, vá, sửa chữa cầu, đường và tham gia các việc làm từ thiện xã hội khác.

Bên cạnh việc thực hiện tại địa phương phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt), Đội còn mở rộng việc xây dựng giao thông nông thôn tại các phường khác như: Trung Nhứt, Trung Kiên, Thuận Hưng, Thới Thuận (quận Thốt Nốt) và địa bàn huyện Cờ Đỏ. Công việc chủ yếu của Đội là đổ nhựa, vá đường và xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Ước lượng việc làm của bản thân Trung và các anh em trong đội từ năm 2011 đến nay, đã làm lợi cho nhà nước và nhân dân hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung cũng phát động các bạn đoàn viên, thanh niên thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: xây dựng, sửa chữa nhà tình thương; vệ sinh môi trường; đắp đê bao…

Nhớ lại những lúc khó khăn, mệt nhọc, Trung chia sẻ, em không thấy mệt mà thấy vui, nhưng cũng sợ bởi có khi trời tối mịt đang lui cui vá đường dưới chân cầu, nhìn thấy những chiếc xe máy lao xuống dốc cầu mà em thót hết cả tim vì sợ họ không làm chủ được tay lái, sẽ tông vào mình. Nói thế, nhưng Trung chẳng kể gì đến những vết sẹo, vết phỏng nhựa đường hằn lên đôi tay gầy gò của mình.

Từ những việc làm cụ thể đầy ý nghĩa trên, liên tục nhiều năm liền Trung được các cấp, các ngành khen thưởng. Trung vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận gửi thư và tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng giao thông nông thôn; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong công tác xây dựng giao thông nông thôn, Ban An toàn giao thông TP.Cần Thơ tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”. Năm 2014, Trung cũng là cá nhân vinh dự được báo cáo tại Hội nghị sơ kết toàn quốc 3 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp…/.

Nguồn http://dangcongsan.vn/