Các Thầy thuốc cần tiếp tục rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân


Nguyễn Văn Khang
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Cách đây đúng 56 năm, ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc tại Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho hội nghị, trong đó Người căn dặn: “Người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Lời dạy này trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta, và ngày 27/2 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của Thầy thuốc Việt Nam.

Làm theo lời Bác, 56 năm qua, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam  đã đoàn kết một lòng phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, luôn có mặt trên mọi miền đất nước.Trong chiến tranh, biết bao Thầy thuốc đã cống hiến cả thời tuổi trẻ, tâm huyết, sức lực, kể cả xương máu cho công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Có những Thầy thuốc  dự họp mặt  hôm nay, đã từng trải qua các cuộc kháng chiến với biết bao kỷ niệm không thể nào quên với đồng đội, đồng chí, và cả những Thầy thuốc đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống an vui của nhân dân. Tất cả đã viết nên những trang lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Y tế Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Ngày nay, đội ngũ Thầy thuốc tỉnh nhà với tinh thần hăng say lao động, sáng tạo và tấm lòng yêu thương người bệnh, đã không ngừng trưởng thành, phát huy kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha, đồng thời nắm bắt nhanh chóng nhiều thành tựu y học tiên tiến của thế giới, hết lòng hết sức phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Đặc biệt, trong những năm qua, toàn thể cán bộ, công chức,viên chức ngành y tế các cấp trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra.

Ngành Y tế đã chủ động tích cực trong phòng chống dịch bệnh. Nhìn chung, năm 2010 tổng số người mắc bệnh truyền nhiễm quản lý giảm so với năm 2009. Các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, cúm A H5N1, H1N1,… đã được  kiểm soát. Các dịch bệnh khác như viêm não, viêm gan, thủy đậu, rubella, quai bị,… tạm thời ổn định.

Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai thực hiện đúng tiến độ, duy trì được tính bền vững, khống chế tốt các bệnh xã hội như lao, phong, sốt rét, tâm thần,… chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Công tác Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình được nâng cao chất lượng, giảm số ca tai biến sản khoa , không có tử vong mẹ, giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt kế hoạch.

Công tác khám chữa bệnh tại các tuyến thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt trong năm qua, kết quả kiểm tra  có 7 bệnh viện đủ điều kiện đề nghị Bộ Y tế xét công nhận bệnh viện xuất sắc toàn diện, 3 bệnh viện đề nghị Sở Y tế xét công nhận bệnh viện xuất sắc.

Trong thực hiện chương trình kết hợp Quân - dân y, ngoài việc tổ chức phòng chống dịch bệnh, khám bệnh cho diện chính sách, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, ngành y tế đã phối hợp với Quân khu 9 tổ chức thành công Hội nghị Khoa học - công nghệ năm 2010 cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế Tiền Giang.

Bên cạnh quy hoạch đào tạo được duyệt hàng năm, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các trường tăng cường đào tạo cán bộ y tế để nâng cao trình độ (đại học, sau đại học),… Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2010 là 05 xã  nâng tổng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đến nay là 169/169 xã, đạt tỷ lệ 100%.

Các Dự án hợp tác quốc tế về Y tế triển khai tại Tiền Giang như:  Phòng chống HIV/AIDS, Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hỗ trợ Y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, phòng chống cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch cúm ở Việt Nam,… cũng đạt  những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Năm 2011, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, cũng như tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị, và Chỉ thị số 11-CT/TU của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ngành Y tế cũng có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, các bệnh không truyền nhiễm và các dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện khó lường trước. Chi phí y tế tăng nhanh, ngân sách Nhà nước đầu tư cho y tế có tăng, nhưng mức tăng thấp.

Cơ chế hoạt động ngành Y tế vẫn còn mang tính bao cấp, chính sách viện phí chậm đổi mới. Số đối tượng chính sách xã hội, người cao tuổi, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi ngày càng tăng, nhưng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế còn thấp so với chi phí của bệnh viện. Do đó, trong thời gian tới, ngành Y tế cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trước nhất, ngành Y tế  cần tiếp tục hoàn thiện và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế các tuyến; hoàn hiện mạng lưới quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; có chính sách đãi ngộ hợp lý để huy động cán bộ y tế làm việc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, ngành chú trọng tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; quan tâm  việc mở rộng hợp tác quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ nước ngoài dành cho y tế; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tốc độ tăng dân số.

Ngành Y tế cần tập trung làm tốt công phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Đổi mới cách quản lý ở các cơ sở y tế, quản lý ngành, vừa áp dụng kỹ thuật và công nghệ y tế hiện đại, vừa ứng dụng các kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc trong khám chữa bệnh. Đồng thời, cần triển khai công tác điều tra, đánh giá sự hài lòng của người bệnh; xây dựng và cụ thể hóa đề án xã hội hóa y tế.

Đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch nhân lực, nâng cao y đức cho các y bác sĩ như: Dự báo nhu cầu nhân lực y tế, có chính sách phù hợp đối với các cán bộ, công chức của ngành, thực hiện có chiều sâu Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,  để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục quan tâm, phối hợp tốt hơn nữa với ngành y tế, để cùng chăm lo cho sự nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.