Bệnh bạch hầu tại Lào và nguy cơ lây truyền vào Việt Nam

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu,

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10/2015, tại Lào đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh, thành phố.

Tính đến ngày 27/10, đã có 588 trường hợp mắc trên tổng số 6,7 triệu dân số của Lào, chiếm tỉ lệ 8,7/100.000 dân, trong đó có 11 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu.

Các trường hợp mắc chủ yếu là ở trẻ dưới 15 tuổi chiếm tỉ lệ 61%. Đa số các trường hợp mắc đều không điều tra được tiền sử tiêm vaccine.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế Lào đã tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch quyết liệt, trong đó có tổ chức điều tra trên diện rộng để phát hiện các trường hợp mắc mới và tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu phòng bệnh cho toàn bộ trẻ dưới 15 tuổi tại các quận, huyện mới ghi nhận trường hợp mắc.

Mặc dù phía Lào đã có nhiều động thái tích cực trong việc dập và phòng dịch, nhưng do hai nước có đường biên giới chung dài, nên nguy cơ bệnh có thể lây truyền sang các khu vực thôn bản vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào, sau đó có thể lan sang các khu vực khác trong nước là rất lớn.

Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu của Lào và thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp.

Trước nguy cơ này, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo: Để phòng chống bệnh bạch hầu, các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu như Quinvaxem hoặc DTP (bạch hầu-ho gà-uốn ván) đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Đặc biệt, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân phải được cách ly và đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Tại Việt Nam, trong những năm trước khi triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc với nhiều trưởng hợp mắc hằng năm. Tuy nhiên, sau khi vaccine phòng bệnh bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, số trường hợp mắc đã giảm hàng trăm lần và cơ bản được khống chế.

Năm 2015, mới chỉ ghi nhận một số ít trường hợp mắc tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện K’Bang thuộc tỉnh Gia Lai và 2 thôn thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam do người dân không tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Nguồn Chính phủ