Đề xuất BHYT chi trả cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư vú, cổ tử cung và 4 bệnh khác

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh: Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai căn bệnh ung thư có tỉ lệ mắc cao, gây gánh nặng điều trị lớn nhưng nếu được phát hiện, can thiệp sớm sẽ đạt hiệu quả điều trị cao.

Hàng nghìn phụ nữ Việt tử vong mỗi năm vì ung thư vú và cổ tử cung

Dự án luật BHYT sửa đổi đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho 2 bệnh ung thư.

Đây là thông tin được bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết tại hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT diễn ra chiều 16/4.

Đề xuất BHYT chi trả cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư vú, cổ tử cung và 4 bệnh khác- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong vì ung thư vú. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.

Còn ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này.

Điều đáng tiếc đây là hai loại ung thư có hiệu quả điều trị khả quan nếu phát hiện sớm, tuy nhiên trên 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn.

Theo bà Trần Thị Trang, việc mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả BHYT dựa trên tiêu chí đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỉ lệ mắc cao, đạt hiệu quả khi can thiệp sớm. Từ đó, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn.

Dựa vào những tiêu chí đặt ra, ban soạn thảo đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Bởi đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn.

Trong khi đó, tỉ lệ sàng lọc sớm của bệnh còn thấp. Chi trả BHYT đối với sàng lọc hai bệnh lý này sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị sớm.

“Hiện đã có nhiều bằng chứng về chi phí – hiệu quả của biện pháp sàng lọc. Trong đó, chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 đến 3 nghìn tỉ đồng/năm; với ung thư vú là 2,5 đến 5,3 nghìn tỉ đồng/năm. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện chi trả BHYT cho bệnh này”- bà Trang nói.

Đề xuất BHYT chi trả cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư vú, cổ tử cung và 4 bệnh khác- Ảnh 3.

Các chuyên gia nhấn mạnh với bệnh ung thư vú, nếu được sàng lọc, phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ tiết kiệm chi phí điều trị so với phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Chi cho sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư vú, cổ tử cung sẽ tiết kiệm quỹ BHYT trong tương lai

Về sàng lọc ung thư cổ tử cung, trong đánh giá tác động của dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế cho biết theo nghiên cứu công bố bởi UNFPA năm 2023, ba phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được đánh giá tại Việt Nam, bao gồm: xét nghiệm HPV 10 năm/ lần, xét nghiệm tế bào học 5 năm/ lần, và xét nghiệm VIA 3 năm/lần. Kết quả mô hình hóa trong toàn bộ thời gian sống của quần thể cho thấy, các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn 280 – 287 nghìn ca tử vong và giúp tăng thêm 7,2 – 7,4 triệu năm sống.

Về sàng lọc ung thư vú chi trả trung bình 2.100 tỉ đến 5.000 tỉ/năm tùy thuộc vào phương pháp sàng lọc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.

Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 đến 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Tương tự với bệnh ung thư vú, nếu được sàng lọc, phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ tiết kiệm chi phí điều trị so với phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn. Chi phí điều trị trung bình của người mắc ung thư vú ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 4,2 triệu, 12,1 triệu, 22,5 triệu và 17,7 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 đến 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

“Số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Bởi vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ BHYT trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai”- bà Trang nói.

Các chuyên gia y tế đều nhấn mạnh, số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Bởi vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ BHYT trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai.

Đề xuất BHYT chi trả cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư vú, cổ tử cung và 4 bệnh khác- Ảnh 4.

Các chuyên gia nhấn mạnh việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết.

Theo GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy – Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế: Nếu như được phát hiện sớm và xử lý một cách đúng đắn những trường hợp tiền ung thư ung thư cổ tử cung, tỷ lệ chữa lành bệnh lên đến hơn 90%.

Trong các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung, các hướng dẫn cập nhật của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (2020), Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa kỳ (2021) và Tổ chức Y tế Thế giới (2021) đang khuyến cáo ưu tiên sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ với khoảng cách sàng lọc 5 năm/lần, cùng với que tăm bông tự lấy mẫu để gia tăng độ phủ sàng lọc.

Từ bức tranh các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã triển khai thành công chương trình sàng lọc quốc gia, hầu hết đều sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ, hoặc đang được chuyển đổi từ các phương pháp khác như tế bào học sang HPV DNA.

Tại hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị ung thư cổ tử cung.

Điều này cũng phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Nguồn suckhoedoisong.vn