Ai ăn bánh giá Chợ Giồng hôn!

Anh ơi về tới Hòa Đồng

Nhớ mua bánh giá Chợ Giồng tặng em!

Câu ca quen thuộc này khiến cho cái bánh giá Chợ Giồng (hay bánh giá Hòa Đồng) vốn giản dị mà nổi tiếng. Chợ Giồng là tên xưa của chợ thị trấn Vĩnh Bình (vùng đất Hòa Đồng) – huyện Gò Công Tây. Bánh “giá” (theo nhiều người là nguyên liệu làm bánh có nhiều giá) , cũng có một trường phái khác gọi là bánh vá (do bánh được chiên bằng cái vá). Nghề làm bánh giá có từ hồi nào, không ai còn nhớ. Nhiều người chỉ biết khi thời ông cố bà sơ của họ ra đời thì cái bánh giá đã có mặt ở chợ Giồng.

Không biết từ bao giờ, bánh giá Chợ Giồng đã được lưu truyền và được nhiều người biết tới, bởi hương vị bánh mang đậm chất miền Tây. Nghề làm bánh giá xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang, lập ấp của người Việt ở vùng đất này, vào thế kỷ XVII và trở thành món ăn đặc trưng của vùng đất xứ Gò.

Ngày nay, khi đến thị trấn Vĩnh Bình huyện Gò Công Tây vẫn còn nhiều người dân duy trì làm nghề bánh giá, vừa nuôi sống gia đình, cũng đồng thời lưu truyền, gìn giữ một món ăn đặc sản của quê hương như 1 niềm tự hào của người dân Gò Công. Đến Gò Công Tây, hỏi thăm gia đình làm bánh giá Cô Mười, tên thật là Phan Thị Kim Phượng, ai cũng biết, bởi cô là thế hệ thứ 3 trong gia đình gắn với nghề làm bánh giá này. Ngày nào cũng vậy, cô Mười và các chị em trong nhà tất bật dậy sớm chuẩn bị nguyên  liệu để làm bánh phục vụ người dân trong vùng và cả du khách thập phương khi đến Gò Công Tây.

Bánh giá – món ăn đặc sản của xứ Gò.

Muốn làm bánh giá trước hết phải qua giai đoạn pha chế bột gồm bột gạo, bột năng, trứng gà và nước. Tất cả hòa lẫn lại thành một hỗn hợp bột hơi sánh. Bột đánh càng lâu, bánh càng nở, càng xốp. Tỷ lệ bột năng và bột gạo tùy thuộc sở thích của từng người. Tôm làm sạch, lột vỏ phần đầu và để nguyên con. Gan heo được xắt lát mỏng và giá sống được rửa sạch. Các loại nhân bánh như: thịt nạc bằm, gan heo, tôm… phải được ướp gia vị từ chiều hôm trước để thấm đều gia vị. Công đoạn chiên bánh là một khâu quan trọng, vì nếu chiên không khéo hình dạng bánh sẽ xấu, nhìn không hấp dẫn. Muốn chiên bánh giá cần có vá chiên và một chảo dầu hoặc mỡ thật sôi. Đầu tiên cho 1 lớp bột dưới đáy vá, sau đó cho giá sống, gan heo, tôm, thịt và vài hạt đậu phộng rang vào trong vá tùy thích và tạo dáng cho bánh, rồi múc bột trải đều lên các loại nguyên liệu này, trên bề mặt để thêm 2 hoặc 3 con tôm và vài hạt đậu phộng. Nhúng vá vào trong chảo dầu đang sôi để cho bánh dính kết lại rồi lấy vá ra để làm tiếp cái bánh khác… Khi chiên để lửa nhỏ và phải trở bánh thường xuyên để bánh không bị khét. Bánh chín vàng, lần lượt vớt bánh ra theo thứ tự trước sau, xếp trên vỉ tre hoặc vỉ kẽm gác ngang ở miệng chảo cho ráo dầu, bánh nguội dùng giấy dầu gói riêng lại từng cái…

Bánh giá ngon là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị béo của bột gạo, vị ngọt của tôm, giá, vị thơm của đậu phộng. Bánh giá làm xong chỉ cần nhìn thôi cũng đã thấy thèm thuồng muốn được thưởng thức. Bên cạnh món bánh giá truyền thống, người dân địa phương trong vùng còn biến tấu thành nhiều loại bánh giá chay với nhân được làm từ đậu phộng, nấm rơm, nấm mèo… Nước mắm thường được thay bằng nước tương, hương vị khá mới lạ nhưng vẫn rất thơm ngon. Với những người ăn chay vẫn có thể dùng được món bánh giá thơm ngon này.

Bánh giá chín, ăn ngay tại chỗ rất ngon với vị vừa ăn, giòn rụm, thơm lừng, vị béo béo của gan heo, vị bùi ngọt của tôm, tạo nên 1 nét đặc trưng riêng của món ăn dân dã này. Bánh giá cũng có thể ăn với bún, rau sống và nước mắm chua ngọt… khiến ai đi xa cũng phải nhớ, và khiến ai đến Gò Công cũng phải tìm mua.

Nghề chiên bánh cứ thế mà mấy thế hệ gia đình cô Mười cũng như các hộ chuyên làm nghề bán bánh giá Hòa Đồng đã gắn bó, đã góp phần làm nên thương hiệu bánh giá Hòa Đồng như ngày hôm nay.

Một mai em gái theo chồng

Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh!

                                                                           Bài và ảnh: Kim Lan