Ý chí làm giàu của anh Nguyện

     Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng khô cằn, nứt nẻ vì nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng, sản xuất bấp bênh, đời sống người dân cơ cực vất vả, người nông dân Cao Xuân Nguyện, ấp Năm Châu, xã Bình Ðông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  mang trong mình ý chí và quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

       
                                                    Anh Nguyện kiểm tra nhang vừa làm.

Quyết chí thoát nghèo

Do đất nhiễm phèn nặng, sản xuất lúa bấp bênh, năng suất lại thấp, nên dù sở hữu gần năm ha đất sản xuất lúa do cha mẹ để lại nhưng kinh tế gia đình anh Nguyện luôn đối mặt với khó khăn. Anh Nguyện nhớ lại thời khốn khó: Những năm ở thập niên 80 của thế kỷ trước, do đồng ruộng bị nhiễm mặn, phèn, sản xuất không hiệu quả, gia đình anh cùng nhiều bà con trong ấp xuống tận Cà Mau để làm thuê, làm mướn sống đắp đổi qua ngày. Những lúc khốn khó, cơ cực ấy càng thôi thúc anh tìm đủ cách, bất cứ công việc gì để tạo thêm thu nhập trong khoảng thời gian nông nhàn để nuôi con ăn học, từng bước đẩy lùi đói nghèo. Nhiều đêm trăn trở, cuối cùng, anh quyết định đi học nghề  làm nhang. Tại sao phải khởi nghiệp bằng nghề làm nhang? Anh Nguyện từ tốn cho biết: Tôi nghĩ, đây là nghề tiểu thủ công nghiệp dễ học, dễ làm, vả lại vốn đầu tư ít. Sau khi học xong, anh truyền nghề lại cho những người trong gia đình cùng làm. Thời gian này, nhang làm ra anh tự mang đi tiêu thụ chủ yếu là ở Tiền Giang. Công việc làm nhang ngày càng thuận lợi, phát triển, anh quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, nhận thêm nhân công, tạo việc làm cho bà con trong thôn ấp.

Khi cơ sở sản xuất nhang của gia đình càng ngày càng được mở rộng, thị trường tiêu thụ cũng rộng khắp thì bắt buộc phải có người điều hành, quản lý tương xứng với quy mô sản xuất. Mà muốn điều hành, quản lý tốt phải có kiến thức về kinh doanh. Thế rồi, anh tự nghĩ, thuở nhỏ mình không có điều kiện học đến nơi đến chốn, giờ đây, cuộc sống đã tốt hơn, tại sao không học tiếp. Hơn nữa, qua đây có thể làm tấm gương học tập cho các con. Năm 1994, dù ở tuổi 50, nhưng với tinh thần cầu tiến và ham học, hằng đêm anh Nguyện phải vượt 12 km từ nhà vào trung tâm thị xã Gò Công để theo học lớp đêm tại Trung tâm chống mù chữ và Phổ cập giáo dục, nay là Trung tâm giáo dục thường xuyên và đã lấy bằng Bổ túc trung học phổ thông. Không dừng lại, anh tiếp tục ghi danh vào Trường đại học mở bán công, khoa Ðông-Nam Á. Sau bốn năm đèn sách, anh đã tốt nghiệp đại học và trở về quê tập trung phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.

Với kiến thức hiểu biết phần nào về văn hóa, tín ngưỡng các nước khu vực Ðông-Nam Á được học ở trường đại học, anh Nguyện quyết định mở rộng thị phần tiêu thụ nhang của cơ sở mình sang nước bạn Cam-pu-chia. Nhớ lại chuyến đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhang tại thủ đô Phnôm Pênh, anh Nguyện kể: 'Qua đó, cái gì tôi cũng không biết: Không biết đường, không có người hướng dẫn, không biết tiếng Khmer. Thế là khi đến Phnôm Pênh, tôi tìm ngay một người Việt làm nghề xe ôm để nhờ hướng dẫn đến các đại lý tiêu thụ nhang lớn, đồng thời làm phiên dịch luôn cho tôi'. Chuyến xuất ngoại đầu tiên thành công, trở về nước, anh lên TP Hồ Chí Minh thuê thêm những người thợ làm nhang chuyên nghiệp, tiến hành đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nhang theo kỹ thuật mới để đáp ứng các yêu cầu số lượng, chất lượng nhang của đối tác. Sản xuất, xuất khẩu thuận lợi, anh lại mở rộng thêm cơ sở sản xuất nhang của mình. Ðến nay, cơ sở có hơn 40 nhân công làm việc thường xuyên, mức lương từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng với số lượng xuất sang Cam-pu-chia mỗi tháng gần 20 tấn, lợi nhuận trung bình 20 triệu đồng/tháng.

Vươn lên làm giàu

Ðã xua dần được nghèo khó, người nông dân Cao Xuân Nguyện một lần nữa lại không khuất phục trước vùng đất nổi tiếng khô cằn do nhiễm phèn, nhiễm mặn, sản xuất cây lúa chỉ một vụ, năng suất thấp mà phải quyết tâm chuyển đổi cây trồng thích hợp, hiệu quả hơn. Thế là, qua nghiên cứu các tài liệu khoa học về các giống cây trồng, cộng với cập nhật thông tin trên báo chí, nhất là những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao mà điều kiện thổ nhưỡng gần giống như vùng đất quê mình, anh đã phát hiện một giống thanh long mới do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam vừa lai tạo thành công. Không do dự, anh Nguyện cùng các con cất công đi tìm các tư liệu về giống thanh long này, rồi đi tham quan các vườn đã trồng đạt hiệu quả. Theo đó, anh đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha lúa  sang trồng thanh long ruột đỏ (giống H 14). Bởi theo anh, trái thanh long ruột đỏ có giá rất cao, lại nhanh cho trái (chỉ sau một năm trồng),  năng suất cao. Ðây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu được hạn, phèn, chống chịu sâu bệnh cao, thích hợp với vùng đất Bình Ðông và trước những biến đổi khí hậu.

Vườn thanh long của anh đã hai năm tuổi, đang phát triển rất tốt và cho năng suất 4-5 tấn/ha mỗi lần thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân hơn 30 triệu đồng. Hiện, anh Nguyện đang tiến hành áp dụng quy trình sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn an toàn. Anh tâm sự: Qua mô hình thanh long ruột đỏ cho trái nhanh, hiệu quả cao, đây chính là hướng đi giúp nông dân nơi đây thoát nghèo nhanh chóng. Và, nếu như khu vực này phát triển diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên đến 30 ha sản xuất theo hướng an toàn, lúc đó chúng ta có thể đăng ký thương hiệu cho thanh long ruột đỏ xứ Gò Công. Hiện nay, bên cạnh sản xuất, kinh doanh nhang, trồng thanh long, anh còn kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất  3,5 ha lúa mang lại thu nhập cho gia đình gần 400 triệu đồng/năm.

Cần cù, chịu khó, cầu tiến học hỏi, dám nghĩ, dám làm đã giúp gia đình anh Nguyện ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm người con của anh đều tốt nghiệp đại học và thành đạt. Ngoài lo việc quản lý sản xuất, kinh doanh, anh còn tích cực làm từ thiện. Hằng năm, anh đều đóng góp tiền hỗ trợ xây nhà tình thương cho những người khó khăn về nhà ở; góp tiền xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; ủng hộ đều đặn các quỹ từ thiện xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân để giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Hơn nữa, vào các ngày lễ, Tết Nguyên đán hằng năm, anh đều vận động những thành viên trong gia đình góp tiền mua quà gồm gạo, nước tương, bột ngọt… tặng những hộ nghèo, khó khăn. Tổng số tiền anh dùng làm công tác từ thiện xã hội hơn 30 triệu đồng/năm.  'Gia đình tôi cũng từng nghèo khó, khi đã có cơ ngơi vững chắc cũng là lúc phải giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây vươn lên thoát nghèo - đó là tâm nguyện của tôi'- Anh Nguyện tâm sự.

Với những thành tích trên, năm 2010, anh Nguyện được Trung ương Hội Nông dân chọn đi dự Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2005-2009. Trước đó, anh được UBND tỉnh tặng các Bằng khen về thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn năm 1995-2005, 2008, 2009. Ngoài ra, anh còn nhận Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều giấy khen của ngành nông nghiệp, địa phương. Ý chí làm giàu của anh Nguyện thật đáng trân trọng và là tấm gương để động viên những hộ nghèo ở địa phương mình lạc quan vươn lên thoát nghèo.