Ứng viên Hồi giáo đắc cử tổng thống Ai Cập

       Ông Mohamed Morsy - ứng viên đại diện Đảng Anh em Hồi giáo - đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, theo kết quả chính thức vừa được Ủy ban bầu cử nước này công bố đêm 24-6.

Tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsy - Ảnh: Reuters

Số liệu do Ủy ban bầu cử công bố cho thấy ông Morsy đạt được 51,7% phiếu bầu, đánh bại cựu thủ tướng Ahmed Shafiq.

Đám đông ủng hộ Đảng Anh em Hồi giáo tụ tập ngoài quảng trường Tahrir lên tới hàng ngàn người vỡ òa đón nhận tin mừng.

Ông Morsy năm nay 60 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư tại Mỹ. Ông từng bị bỏ tù khi tổng thống Mubarak nắm quyền. Cam kết tranh cử của ông là thành lập một chính phủ sẽ có sự tham gia của nhiều thành phần, như những ứng viên từ các đảng phi Hồi giáo, phụ nữ, người Thiên Chúa giáo, thanh niên… Chức thủ tướng sẽ được giao cho một nhân vật độc lập.

Việc công bố kết quả bầu cử bị hoãn lại từ ngày 22-6 do ủy ban bầu cử quyết định kiểm tra lại một số lượng phiếu bầu. Trước đó, ủy ban nhận được 466 đơn khiếu nại từ cử tri của cả hai phe ủng hộ ông Mohammed Morsi và Ahmed Shafiq.

Trong cuộc bầu cử tổng thống có hơn 50 triệu cử tri hợp lệ, nhưng tỉ lệ đi bỏ phiếu chỉ đạt 51,8%.

Việc ông Morsi đánh bại ông Shafiq - người từng là thủ tướng dưới thời cựu tổng thống Hosni Mubarak - khiến người dân Ai Cập tin rằng đất nước đã thoát khỏi tàn dư chế độ Mubarak.

Trước đó, chính quyền Ai Cập đã tăng cường triển khai lực lượng an ninh tại các đường phố đề phòng trường hợp phản đối kết quả quá khích dẫn đến bạo lực. Hơn 1.800 xe cứu thương đã được triển khai toàn quốc. Bộ Nội vụ thậm chí ra lệnh “cảnh sát được quyền bắn tất cả những ai dám tấn công lực lượng an ninh sau khi kết quả được công bố”.

Người ủng hộ Đảng Anh em Hồi giáo vui mừng với kết quả bầu cử - Ảnh: Reuters

Các thách thức trước mắt cho tân tổng thống Ai Cập vô cùng lớn, với những nhiệm vụ như vực dậy nền kinh tế, thống nhất quốc gia đang phân chia sâu sắc, mà khó khăn nhất là đối đầu với Hội đồng quân sự tối cao (SCAF) đang níu kéo quyền lực.

Trong tuần này, SCAF đã ban hành văn bản hiến pháp bổ sung cho phép củng cố quyền lực của quân đội, vai trò tổng thống bị hạ nhẹ. Theo đó, tổng thống không có quyền chỉ đạo và kiểm soát quân đội, chỉ được tuyên bố chiến tranh nếu SCAF thông qua, thành lập Hội đồng soạn thảo hiến pháp mới nhằm duy trì lợi ích của mình…