Trung Quốc không ủng hộ Liên minh châu Âu thu phí khí thải ngành hàng không

       Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm cứng rắn không ủng hộ luật mới của Liên minh châu Âu (EU) về lượng khí thải carbon dioxide thông qua việc cấm các công ty hàng không của nước này thực hiện theo quy định do EU mới đặt ra.

 

Châu Âu thực hiện hạn chế khí thải bắt nguồn từ ngành hàng không từ năm 2012
 (Ảnh: Getty image)


Ngày 6/2, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cho biết đã ra lệnh cấm các công ty vận tải hàng không của nước này tham gia vào hệ thống mới của Liên minh châu Âu, trong đó quy định các công ty này phải trả phí cho lượng khí carbon dioxide phát thải từ các chuyến bay của họ tới châu Âu và khởi hành từ châu Âu. Mặt khác, chính phủ Trung Quốc cũng cấm các công ty vận tải hàng không nước này tăng giá vé với lý do bắt nguồn từ kế hoạch này của châu Âu.

Cuộc tranh luận cứng rắn giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu xảy ra nhiều tuần sau khi Hiệp hội vận tải hàng không Trung Quốc thông báo rằng các thành viên của họ sẽ không hỗ trợ cho kế hoạch mới của EU. Cuộc tranh luận này cũng có thể khiến các công ty vận tải hàng không của Trung Quốc phải trả khoản phạt hay bị cấm sử dụng các sân bay của Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, cuộc tranh luận xung quanh lĩnh vực vận tải hàng không này cũng xảy ra trong bối cảnh các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) hy vọng rằng Trung Quốc sẽ bày tỏ một chút thiện chí ủng hộ về kinh tế khi Liên minh châu Âu đang nỗ lực để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.

Tuy vậy, thông báo được Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra đã tái khẳng định quan điểm đối lập của nước này đối với vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt nguồn từ ngành hàng không khi đây là luôn được xem là một nhân tố góp phần rất lớn dẫn tới hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu. Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ ra rằng, các công ty vận tải hàng không nước này sẽ phải xin phê chuẩn nếu họ mong muốn tham gia vào kế hoạch của Liên minh châu Âu và Bắc Kinh từ chối, coi đó là một trở ngại phi pháp về thương mại.

Hãng thông tấn Tân hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời một nhà chức trách thuộc ngành hàng không dân dụng của Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc hy vọng rằng châu Âu sẽ làm sáng tỏ những vấn đề rộng lớn hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, để phát triển bền vững và phát triển ngành hàng không quốc tế cũng như mối quan hệ Trung Quốc – châu Âu, bằng cách tăng cường đối thoại và cùng phối hợp để tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên”.

Kể từ ngày 1/1 năm nay, các công ty vận tải hàng không sẽ phải chi trả phí ô nhiễm do các máy bay gây ra trên lãnh thổ của Liên minh châu Âu. Trong giai đoạn đầu, khoản phí này sẽ không quá cao do mức giá hiện tại của 1 tấn CO2 vẫn còn khá thấp.

Các nước châu Âu mong muốn bắt buộc tất cả các công ty vận tải hàng không, không phân biệt quốc tịch, phải mua lại tương đương 15% lượng khí thải CO2 của mình tính từ ngày 1/1/2012 để đấu tranh chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Với mức giá 8 euro/tấn, biện pháp này được áp dụng, dự kiến sẽ mang lại 256 triệu euro trong năm 2012.

Nếu các công ty vận tải hàng không không thực hiện theo luật của châu Âu, các công ty này sẽ phải trả các khoản phạt với số tiền lên tới 100 euro/tấn CO2 và sẽ có thể bị cấm bay trong lãnh thổ của EU.

Việc tính toán lượng khí CO2 do máy bay thải ra khi bay trên bầu trời của EU sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2012 vào lúc 00h00 giờ địa phương.

Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác như Mỹ và Canada cũng kịch liệt phản đối kế hoạch mới của EU. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, do các điều kiện không mấy khả quan của nền kinh tế toàn cầu và triển vọng bất ổn của lĩnh vực vận tải, các hãng hàng không lo sợ rằng kế hoạch này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới lợi nhuận của họ./.