Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang châu Âu

Nhiều hãng sản xuất xe hơi của Trung Quốc đã quay trở lại châu Âu, mua lại các thương hiệu và nhà máy sau những nỗ lực bất thành trước đó nhằm thâm nhập một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

  • Háo hức thị trường 500 triệu dân

Great Wall Motor là cái tên mới nhất “đổ bộ” vào thị trường châu Âu. Nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt tay với Litex Motors của Bulgaria xây dựng một nhà máy và dự kiến khánh thành vào ngày 21-2. Bước đầu, công suất nhà máy ở thị trấn Bahovitsa (Bắc Bulgaria) này sẽ vào khoảng 4.000 xe/năm. Nếu nhu cầu tại thị trường Bulgaria và các nước tại châu Âu tăng, nhà máy có thể sản xuất 50.000 xe/năm. Đại diện Litex Motors cho biết, đây là nhà máy đầu tiên của một nhà sản xuất Trung Quốc trên đất châu Âu. Đây sẽ là bước khởi đầu giúp các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu với 500 triệu dân.

Tại Hội nghị thường niên Liên minh châu Âu - Trung Quốc ngày 14-2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (giữa) tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu.

Tại Anh, Geely Motors của Trung Quốc lên kế hoạch tung ra thị trường sản phẩm dòng xe sedan hạng trung vào cuối năm nay với mức giá rất cạnh tranh, khoảng 15.460 USD/xe. Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 12-2011, nhà sản xuất sở hữu thương hiệu xe hơi Volvo nổi tiếng của Thụy Điển cho rằng với những bước tiến mạnh trong sản xuất xe hơi, Trung Quốc đang dần bắt kịp các nhà sản xuất của châu Âu. Geely Motors đã mua lại Volvo từ tay Ford với mức giá 1,5 tỷ USD vào năm 2010. Trong khi đó, Chery Automobile - hãng sản xuất xe hơi lớn nhất tại Trung Quốc - đã bắt tay với DR Motor của Italia để thiết lập trụ sở tại Italia cũng như nhanh tay mua lại một nhà máy của Fiat tại Termini Imerese ở Sicily.

Theo một thông tin mới đăng tải trên tờ Wall Street Journal (Mỹ), số tiền các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Âu đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, đạt mức 10,4 tỷ USD (năm 2010 là 4,1 tỷ USD). Trong khi đó, theo chỉ số Dragon vừa được Công ty A Capital của Trung Quốc công bố, châu Âu trở thành địa điểm hấp dẫn hàng đầu cho các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài năm 2011 khi chiếm 34% các hoạt động sáp nhập và mua lại.

  • “Hiệp sĩ trắng” của châu Âu?

Trong những chuyến công du châu Âu liên tục trong thời gian qua của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, vấn đề nợ công, tình hình kinh tế châu Âu luôn được Bắc Kinh xem trọng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhận thức rằng “giúp châu Âu ổn định thực chất là giúp bản thân Trung Quốc”. Vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng nợ công châu Âu căng thẳng sẽ tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2012.

Tuy nhiên, chuyên gia về kinh tế quốc tế Helmut Reisen của Viện Hoàng gia Anh chuyên về các vấn đề quốc tế cho rằng khó có thể khẳng định Trung Quốc đã sẵn sàng đóng vai “hiệp sĩ trắng” (khái niệm về nhà đầu tư thân thiện) của châu Âu hay chưa, hay đơn thuần chỉ là những tuyên bố. Mới đây, Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC) cho rằng bất kỳ sự đầu tư nào của Trung Quốc vào châu Âu sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và các tài sản thực khác, chứ không phải là trái phiếu chính phủ.

Theo số liệu của IMF, thu nhập bình quân đầu người tại châu Âu năm 2011 là 31.548 USD, còn tại Trung Quốc chỉ là 8.394 USD. Con số này đã khiến châu Âu lo ngại về việc một quốc gia nghèo lại hỗ trợ cho một khu vực giàu có hơn. Rõ ràng, có nhiều nhân tố tác động tới thời điểm đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu. Chuyên gia Helmut Reisen kết luận: Thời điểm hợp lý để Trung Quốc trở thành “hiệp sĩ trắng” của châu Âu là khi các ngân hàng của châu Âu thực sự đã xóa bỏ các khoản nợ cho các quốc gia châu Âu thuộc khu vực ngoại biên, giúp các nước này có thể có được mức nợ bền vững, chứ không phải là mức nợ lên tới 120% GDP như Hy Lạp đang phải đối mặt hiện nay.